Tại trụ sở làm việc của Viettel IDC, các bức tường treo rất nhiều khẩu hiệu mà Giám đốc Hoàng Văn Ngọc chia sẻ rằng chỉ cần đọc là hình dung được văn hóa của công ty này: Đừng bao giờ "Em tưởng!" – Sống và làm việc phải có lương tâm và trách nhiệm; hay "Muốn ngồi được vị trí không ai ngồi được thì phải chịu được cảm giác không ai chịu được"…
Có một câu nói của Bill Gates được ông Ngọc đặc biệt yêu thích: "Những năm 20 tuổi, tôi chưa bao giờ nghỉ ngơi ngày nào, một ngày cũng không". Theo GĐ của Viettel IDC, mỗi người nên xây dựng một lộ trình cuộc đời và nỗ lực hoàn thành sứ mệnh của mỗi giai đoạn. Khi còn trẻ, người ta nhất thiết phải làm việc chăm chỉ, kể cả khi đã đạt những thành tựu nhất định, ta vẫn nên tiếp tục nỗ lực tạo ra giá trị cho đời.
Nó giống như Viettel IDC, sau 13 năm hoạt động, khi đã vươn lên vị trí số 1 trong lĩnh vực Trung tâm dữ liệu và Điện toán đám mây, doanh nghiệp này lại bắt đầu một cuộc khởi tạo mới.
Thưa ông, vì sao đang ở vị trí số 1, Viettel IDC lại muốn khởi tạo một phiên bản hoàn toàn mới của chính mình?
Hành trình của chúng tôi bắt đầu từ cuộc khởi tạo thực tại mới của Tập đoàn Viettel. Trong hành trình 30 năm của mình, Viettel đã thay đổi, phát triển rất nhiều phiên bản của chính mình, từ xây lắp công trình viễn thông, đến đưa dịch vụ viễn thông đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, và bây giờ là kiến tạo xã hội số cho Việt Nam.
Năm 2008, Viettel khi ấy đang ở thời kỳ đỉnh cao của lĩnh vực kinh doanh dịch vụ di động, từ một công ty bước chân vào thị trường ở vị trí thứ 4, Viettel trở thành công ty số 1 ở Việt Nam, trở thành một hiện tượng của viễn thông toàn cầu về tốc độ tăng trưởng. Đây cũng là năm mà Viettel cho ra đời một lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới, không chỉ mới với Viettel mà ngay cả ở Việt Nam – dịch vụ trung tâm dữ liệu (TTDL) với việc thành lập Công ty Viettel IDC. Cùng với những tầm nhìn đầu tư hạ tầng viễn thông khác, Viettel IDC chính là nền tảng đã được Viettel đầu tư trước một bước cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hôm nay. Đến nay, sứ mệnh của Viettel IDC trong chặng đường 13 năm đã thành công: Mang lại diện mạo mới, cung cấp giải pháp TTDL hiện đại chuẩn quốc tế cho Việt Nam, tiên phong áp dụng công nghệ điện toán đám mây cho DN Việt Nam, bình dân hóa dịch vụ điện toán đám mây cho mọi khách hàng. Viettel IDC xác định sứ mệnh mới của mình là xây dựng, cung cấp giải pháp hạ tầng và là nền tảng dẫn đầu cho xã hội số.
Viettel IDC "phiên bản" mới sẽ khác trước như thế nào?
Viettel IDC của giai đoạn mới là một Viettel IDC dẫn dắt sự thay đổi, luôn là lựa chọn tin cậy cho mọi sự sáng tạo bứt phá của khách hàng.
Chúng tôi luôn xác định rằng phụng sự khách hàng luôn là sứ mệnh mà Viettel IDC lựa chọn cho con đường phát triển của mình. Phụng sự tốt cho khách hàng, cung cấp cho họ những dịch vụ hạ tầng CNTT tốt nhất cũng chính là góp phần quan trọng trong việc thực hiện chiến lược Chuyển đổi số của đất nước.
Ở Viettel chúng tôi có một triết lý như thế này: Thứ duy nhất không thay đổi chính là sự thay đổi. Thay đổi và luôn luôn thay đổi đã ngấm vào văn hóa của Viettel, luôn đổi mới, làm mới chính mình để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Bởi vậy, Viettel IDC mới phải nhanh nhẹn hơn, năng động, thích ứng hơn, nếu không thì chỉ 1, 2 năm nữa là bị bỏ lại phía sau.
Làm thế nào để nhanh nhẹn hơn, năng động hơn, thưa ông?
Theo tôi, đầu tiên tổ chức phải có một tầm nhìn đủ lớn, đủ tham vọng để mọi người – người lao động thấy được tầm nhìn sứ mệnh của tổ chức, từ đó thu hút được những nhân sự giỏi.
Bây giờ, thu nhập chỉ là một khía cạnh nhỏ trong mối quan tâm của người lao động. Đối với những nhân sự giỏi thì ngoài thu nhập, đãi ngộ xứng đáng, họ muốn tạo ra giá trị cho xã hội. Giá trị của họ sẽ được đặt vào vị trí phù hợp với tầm nhìn chiến lược của tổ chức và tầm nhìn chiến lược đó phù hợp với mong muốn, định hướng của họ trong tương lai.
Thứ 2 là Viettel IDC xác định phải xây dựng một môi trường cởi mở, hợp tác. Thế giới thay đổi rất nhanh. Muốn đi xa, đi dài thì bắt buộc phải thích ứng với điều ấy và sự cởi mở là một trong những tiêu chí mà Viettel IDC đặt ra.
Một yếu tố quan trọng nữa là thực thi. Lãnh đạo phải có cam kết thực thi được tầm nhìn, chứ không phải là tuyên bố suông. Chúng tôi cụ thể hóa nó bằng chiến lược, hành động cụ thể đến từng bộ phận và từng giai đoạn để các bộ phận thấm nhuần tầm nhìn sứ mệnh của công ty là gì. Từ đó họ ánh xạ vào công việc để làm tốt hơn.
Yếu tố trẻ hóa nhân sự có là điều cần thiết trong cuộc khởi tạo này?
Chúng tôi đang xây dựng chiến lược là nhà tuyển dụng số 1 của ngành trong vòng 5 năm tới. Độ tuổi trung bình của Viettel IDC bây giờ là 33 tuổi. Trong 5 năm tới, lực lượng nhân sự công nghệ của chúng tôi chiếm 50% quân số, độ tuổi trung bình năm 2025 là 30.
Chiến lược định lượng hàng năm là như vậy.
Chúng tôi được nghe đến một "nhiệm vụ" của Viettel IDC là mang đám mây đến gần cuộc sống hơn. Cụ thể điều này như thế nào?
Lịch sử đã chứng kiến Viettel thực hiện thành công việc bình dân hóa dịch vụ viễn thông ở Việt Nam và tại các thị trường mà Viettel đầu tư. Đối với điện hóa đám mây cũng thế, chúng tôi biến những cái phức tạp trở nên đơn giản, biến cái khó tiếp cận thành dễ tiếp cận, biến những cái chỉ nhà giàu mới dùng được thành cái mà cả xã hội tiếp cận được.
Những ngày đầu thành lập, mặc dù rất khó khăn nhưng chúng tôi luôn có một tham vọng là dịch vụ này sẽ được tiếp cận với tất cả người Việt Nam vì 95% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp rào cản rất lớn về công nghệ và tài chính.
Viettel IDC đã đổ nguồn lực vào để nghiên cứu các sản phẩm phù hợp nhất với các tập khách hàng này với chi phí rất rẻ, mỗi ngày chỉ 10.000 đồng- bằng một ly trà đá.
Với tư tưởng đó, bây giờ chúng tôi có sản phẩm cho hạ tầng tính toán cho đến các dịch vụ ứng dụng doanh nghiệp: máy tính ảo, các dịch vụ ứng dụng AI,…, có sản phẩm phủ rộng, nhiều lựa chọn cho từ bình dân tới cao cấp, từ cá nhân, DN đến khối Bộ, ban ngành Chính phủ.
Đây là một hành động thể hiện trách nhiệm xã hội của Viettel IDC. Nếu vì lợi nhuận mà bỏ qua trách nhiệm xã hội, trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng thì đó không phải là gen Viettel.
Các DN lớn thường nói về trách nhiệm xã hội với một hành động là hỗ trợ startup. Viettel IDC có làm vậy?
Chúng tôi hợp tác với các startup nhỏ đồng hành xây dựng hệ sinh thái, làm phong phú hơn hệ sinh thái cho mình và có lợi cho khách hàng. Đó cũng là một giá trị mới trong cuộc khởi tạo thực tại mới: Giá trị cộng hưởng.
Các startup nhỏ hay gặp vấn đề về nguồn vốn, thương hiệu nhưng có những sản phẩm khá tốt. Với nguồn lực, hạ tầng tốt, Startup thực hiện lớp trên – lớp ứng dụng, là thế mạnh lớn nhất của họ. Còn hạ tầng nào, chạy ở đâu thì chúng tôi hỗ trợ. Có những startup chúng tôi hỗ trợ dùng cloud miễn phí trong vòng 6 tháng, khi nào sản phẩm hình thành thì mới thu tiền.
Trong lần thay đổi nhận diện thương hiệu mới đây, Tập đoàn Viettel có nhấn mạnh đến việc phục vụ khách hàng mà không cần khách hàng phải nói. Ở Viettel IDC thì sao?
Ở Viettel IDC, chúng tôi phụng sự khách hàng ở tất cả mọi điểm chạm trên hành trình trải nghiệm của khách hàng với việc liên tục khảo sát, thay đổi để mang đến trải nghiệm 5 sao. Viettel IDC muốn là người đồng hành, là người nhìn ra trước những vấn đề và cảnh báo cho khách hàng. Chúng tôi ứng dụng Big Data, AI vào công cụ, phân tích hành vi, hiệu năng của hệ thống để cảnh báo cho khách hàng. Họ không cần biết hệ thống của mình chạy bao nhiêu tải vì chúng tôi có hệ thống phân tích sẵn và cho họ những lời khuyên để tối ưu chi phí và nâng cao hiệu suất.
Ví dụ, một số trang thương mại điện tử, cứ đến ngày đến giờ có sự kiện big sale thì chúng tôi cảnh báo phải nâng cấp ngay dựa trên dữ liệu lịch sử. Với dung lượng này, với chu kỳ mua hàng năm như này thì nên nâng cấp bằng này. Chúng tôi chủ động cảnh báo, chủ động chăm sóc, nhìn ra trước vấn đề mà khách hàng có thể gặp phải.
Ngoài ra chúng tôi có các công cụ tối ưu về băng thông, tối ưu về lượng truy cập của các trang điện tử vì chúng tôi có công cụ để tối ưu website, chăm sóc khách hàng tự động. Chiến lược đó đã làm 2 năm nay rồi.
Ông đánh giá những tầm nhìn mà Viettel IDC đưa ra có đủ hấp dẫn, đủ động lực cho nhân viên không?
Nếu đánh giá từ chủ doanh nghiệp thì có vẻ hơi chủ quan, nên chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát cho toàn bộ CBNV và kết quả đủ để khiến Ban lãnh đạo tự tin với tầm nhìn đó. Trong 10 năm tới, Viettel IDC là đơn vị dẫn đầu về hạ tầng CNTT cho chuyển đổi số quốc gia, làm chủ nền tảng cloud do người Việt Nam tự nghiên cứu và phát triển. Tôi nghĩ những mục tiêu đó là một điểm rất hấp dẫn, thu hút và khiến người Viettel IDC tự hào vì mình là một phần trong sứ mệnh lớn đó...
Nhưng tầm nhìn đó có thực sự là động lực chứ không trở thành áp lực cho mọi người?
Trong tầm nhìn đó, chúng tôi đã cụ thể hóa thành các chiến lược hành động, mỗi vị trí phù hợp với năng lực khác nhau. Những người có tham vọng lớn, có năng lực thì cảm thấy hứng thú, cảm thấy mình làm việc có ích, trở thành một viên gạch xây nên tổ chức. Những người ở vị trí thấp hơn, họ cũng có một sứ mệnh riêng của họ. Bởi vì suy nghĩ như vậy nên ngoài những khen thưởng lớn cho những cá nhân xuất sắc nổi bật, Viettel IDC còn có những khen thưởng thi đua hàng tuần, hàng tháng, áp dụng cho tất cả CBNV kể cả nhân viên tạp vụ, lái xe… Bản thân mỗi CBNV làm tốt việc của mình tức là sẽ làm cho tổ chức tốt lên.
Và cứ 6 tháng 1 lần, ban lãnh đạo có buổi đối thoại với CBNV để nhìn lại chiến lược, kế hoạch xem có vấn đề hay không. Sau các buổi đối thoại như vậy, mọi người còn tích cực bổ sung cho nó đầy đủ hơn, phù hợp hơn, do đó không có gì là áp lực vượt sức của chúng tôi cả.
Có vẻ như Viettel IDC là một nơi "đất lành chim đậu"?
Tôi rất tự hào về một môi trường để mọi người cống hiến sáng tạo, tự tìm được giá trị cho bản thân mình bao gồm thu nhập, kiến thức, mối quan hệ, môi trường sáng tạo… Họ làm trong 1 tập đoàn lớn cùng hòa nhịp với sứ mệnh tầm nhìn lớn.
Có thể nói, ngoài cơ chế về thu nhập thì Viettel IDC còn có những phúc lợi không đơn vị nào có được. Đó là khám bệnh, bảo hiểm sức khỏe cho tứ thân phụ mẫu. Hàng năm cán bộ nhân viên xuất sắc được tặng gói bảo hiểm cho cả gia đình. Không chỉ là tặng, mà là mời bố mẹ lên, chúng tôi chịu trách nhiệm liên hệ bệnh viện, đưa đón đến khám sức khỏe.
Chúng ta là con, nhưng nhiều khi thấy bố mẹ vẫn khỏe, thi thoảng về biếu bố mẹ ít tiền, nghĩ là xong? Chúng tôi muốn làm sâu hơn nữa, bằng mức tiền không quá lớn nhưng có ý nghĩa lớn, tạo điều kiện để CBNV chăm sóc bố mẹ đồng thời cũng là sự tri ân của công ty đối với gia đình – hậu phương của CBNV.
Ngoài ra, đối với những cặp vợ chồng hiếm muộn, CBNV gặp bệnh hiểm nghèo, CBNV có con mắc bệnh nặng, phải điều trị kéo dài, chính sách của IDC và Tập đoàn hỗ trợ liên hệ bác sỹ, tài trợ những gói chữa bệnh, có những gói lên đến hàng trăm triệu. Hay các bạn trẻ lên Hà Nội lập nghiệp, chưa có nhà, có cống hiến thì công ty tạo điều kiện cho các bạn vay ngân hàng, trả tiền lãi tới 20 năm giúp các bạn.
Cái đó cũng xuất phát từ trách nhiệm với cán bộ nhân viên, với xã hội. Ban lãnh đạo muốn CBNV tập trung vào công việc thôi, không phải lo nghĩ gì nhiều, mọi chuyện có công đoàn và công ty lo.
Trong 13 năm phát triển, Viettel IDC đã nhiều lần tiên phong làm những điều đầu tiên trên thị trường. Đâu là những dấu mốc mà ông nhớ nhất?
Điều tôi ấn tượng nhất chính là năm cuối năm 2007, Tập đoàn dám lựa chọn 1 thị trường mới, ngành nghề mới và xây dựng Viettel IDC.
Khi đó, tất cả mọi người, cả báo chí truyền thông đều nói rất nhiều về Viettel vì các thành tích đáng nể. Hoạt động kinh doanh rất tốt, "tự nhiên" dấn thân sang mảng này – một lĩnh vực phải đầu tư rất lớn, cần đến 5 năm để khách hàng, thị trường làm quen và bắt đầu ứng dụng.
Thời đó, không ai có ý định mang toàn bộ cơ sở dữ liệu của mình đi thuê một ông khác. Nhưng lúc đó mà không dám chấp nhận, dấn thân thì không có Viettel IDC như bây giờ.
Đó thực sự là một quyết định táo bạo, sáng suốt và có tầm nhìn để thay đổi luật chơi, thay đổi sứ mệnh của mình khi thấy thời điểm có thể nâng cấp bản thân.
Ông có hình dung hình ảnh của Viettel IDC sau cuộc khởi tạo này sẽ như thế nào?
Sau 5 năm, chúng tôi muốn thấy Viettel IDC là một anh chàng 30 tuổi trẻ trung năng động, chín chắn, dám dấn thân, dám làm những việc khó và gánh trên vai sứ mệnh kiến tạo một hạ tầng vững chắc an toàn cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Mọi người dân Việt Nam hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào Viettel IDC để lưu trữ dữ liệu. Họ không cần lo lắng điều gì, chỉ cần tập trung vào hoạt động chính của mình, mọi việc đã có anh chàng Viettel IDC lo cho rồi.
Một triết lý của Viettel IDC là "dậy sớm – đi xa". Tại sao không phải là đi nhanh và đi xa mà phải "vất vả" dậy sớm?
Mỗi con người đều có tham vọng riêng cho mình. Những việc dễ thì tất cả mọi người đều muốn làm, nhưng việc khó thì không phải ai cũng làm được. Người Viettel thì trưởng thành trong khó khăn quen rồi, luôn chọn một hướng đi riêng, không tách khỏi cái chung nhưng không giống cái chung, đó là dậy sớm hơn một tí. Thực tế, nếu dậy sớm, ngủ sớm thì sức khỏe tốt hơn, sảng khoái hơn.
Chúng tôi lựa chọn cho mình cách mà ít ai muốn nhưng sẽ rèn luyện cho mỗi CBNV sự chuẩn bị tốt hơn cho những tình huống. Dậy sớm hơn, chuẩn bị tốt hơn thì dĩ nhiên sẽ đi nhanh hơn.
Cảm ơn ông!
Minh Trang
Thiết kế: Dương Lê
Nhịp sống kinh tế