Tiền tiết kiệm như cái bàn ủi, có thể là phẳng mọi gập ghềnh trong đời bạn: Nỗ lực kiếm tiền quan trọng, tiết kiệm tiền còn quan trọng hơn!

22/09/2020 20:04 PM | Sống

Thế sự đổi thay như ván cờ, tình người như tờ giấy mỏng, chỉ có dựa vào mình mới là bền vững nhất, chỉ có tiền mới đủ tự tin ngước nhìn cao xanh một cách đường hoàng và thanh thản.


01

Cách đây một thời gian, anh Giang, họ hàng của tôi, bị tai nạn xe hơi. Khi người vợ tên Lan đến bệnh viện, anh đã bất tỉnh và được đưa vào phòng mổ. Bác sĩ nói tình trạng rất nghiêm trọng, yêu cầu người vợ ký tên, nhanh chóng lo viện phí. Nghĩ cảnh nhà không có tiền tiết kiệm, người vợ gọi điện cho bố mẹ đẻ nhờ giúp đỡ. Họ đến, mang theo 17 triệu đồng. "Em trai con vừa kết hôn năm nay, tiêu rất nhiều tiền. 17 triệu này là bố mẹ chạy vạy của mấy cô chú hàng xóm", cha mẹ chị nói.

Lúc sau, người em chồng đến, hỏi thăm qua loa rồi nói: "Chị dâu, nhà chúng ta không có nhiều tiền, nếu anh trai chữa được thì chị chữa. Không chữa được thì tính tới phương án xấu nhất đi thôi". Nghe xong, huyết áp chị Lan tăng vọt và ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, chị đã nằm trên giường bệnh. Bác sĩ nói chị không nên quá kích động vì tiền sử huyết áp cao. May lần này đang ở viện, cấp cứu kịp thời.

Vợ anh Giang nhìn bố mẹ đã ngoài 70 tuổi vẫn chầu chực ngoài hành lang viện, trái ngược đó là cảnh anh em trong họ nhà chồng ngồi xem điện thoại, nước mắt chị ứa ra, ấm ức. Chồng chị chưa biết sống chết, còn mình suýt bị đột quỵ.

Bố mẹ chị nói: "Sao con không gọi cháu Quang về?". Chị lưỡng lự vì con trai mới tìm được việc làm, lại tít tận TP.HCM, giờ về đột ngột e rằng sau này kiếm lại việc sẽ khó, nhất là thời kì sau khủng hoảng. Tuy nhiên cũng không còn cách nào khác. Ngay khi nghe tin cha gặp nạn, Quang trở về.

Cậu thay mẹ gõ cửa từng nhà họ hàng để vay, nhưng ai cũng bảo không có. Kỳ thực họ có tiền nhưng sợ gia đình chị Lan không trả nổi. Sau cùng, mẹ con chị quyết định bán mảnh vườn ông nội để lại. Anh Giang được cứu sống, nhưng gia sản chẳng còn lại bao nhiêu. Ngẫm "còn người còn của", vợ chồng chị bảo nhau vực lại tinh thần để sống và chiến đấu tiếp. 

Trải qua biến cố, người phụ nữ ngũ tuần đã nhìn thấu cả thế gian. Hóa ra giàu nghèo, nhiệt tình và lãnh đạm chỉ cách nhau một chiếc giường bệnh. Lúc này, thêm thấm thía, sống trên đời, vạn sự chẳng theo ý chúng ta. Sống không thể dựa dẫm, trông cậy vào bàn tay giúp đỡ của người khác. Dựa núi, núi sẽ lở. Dựa  cây, cây sẽ đổ, dựa nước, nước sẽ chảy. Chỉ có dựa vào chính mình mới có thể bằng an. Và, cũng chưa bao giờ, chị thấm thía nỗi khổ của cái nghèo đến thế. Nghèo đi cùng với hèn. Ngẫm tới lúc nguy khốn, muốn cậy nhờ họ hàng, nhưng đổi lại là thái độ thờ ơ, lãnh đạm của họ. Nỗi ê chề ấy cũng vì thiếu tiền mà ra. 

Kỳ thực, cả đời ki cóp, vợ chồng chị có 200 triệu để lo dưỡng tuổi già, nhưng đợt rồi cậu con trai duy nhất làm ăn thất bát, không đặng, vợ chồng chị rút toàn bộ lo cho con. Thành thử, khi biến cố ập đến, chẳng biết xoay vần đâu ra. 

Trải qua biến cố, con người mới nhận ra thế sự đổi thay như ván cờ, tình người như tờ giấy mỏng, chỉ có dựa vào mình mới là bền vững nhất, chỉ có tiền mới đủ tự tin ngước nhìn cao xanh một cách đường hoàng và thanh thản. 

Tiền tiết kiệm như cái bàn ủi, có thể là phẳng mọi gập ghềnh trong đời bạn: Nỗ lực kiếm tiền quan trọng, tiết kiệm tiền còn quan trọng hơn! - Ảnh 1.

02

Hai ngày trước, cậu bạn cũ lâu lắm không liên lạc bỗng nhắn tin cho tôi hỏi vay tiền. Nó vừa than thở vừa nói với tôi rằng nó mệt quá rồi, muốn bỏ việc về nhà. 

32 tuổi, đi làm 10 năm, tính tổng số tiền trong tất cả các thẻ nó có, cũng chỉ vỏn vẹn chưa nổi 1 triệu đồng. Vì hết tiền, nó đã phải ăn mì tôm nguyên 1 tháng trời, mặt cũng vì thế nổi mụn tùm lum, nội tiết tố rối loạn, tinh thần uể oải, thể trạng mệt mỏi. 

Nó từng làm phục vụ, từng làm công nhân, từng chạy xe ôm công nghệ, đổi qua rất nhiều công việc khác nhau, nhưng đến bây giờ, nó vẫn không có tiền. Dù đã có thời điểm nó có vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu trong tài khoản. Nhưng, chẳng hiểu thu vén ra sao, nó lại tiêu bằng sạch. Hiện tại, nó làm sale, lương ba cọc ba đồng, chỉ đủ trả tiền nhà với miễn cưỡng đủ no, thỉnh thoảng còn phải tự bỏ tiền ra mời khách uống nước. 

"Tớ đã quá coi thường những khoản tiền nhỏ. Cứ tặc lưỡi tiêu tiền, từng đồng nhỏ, rồi chớp mắt thấy số tiền lớn trong tài khoản bay sạch. Và tới giờ, cảm giác trắng tay quẩn quanh không suy nghĩ thấu đáo được việc gì", nó nói với tôi. 

Khả năng tiêu tiền vượt quá con số kiếm được, tiết kiệm ngày càng ít và trở về số 0, sức khỏe càng ngày càng kém, áp lực lại càng ngày càng lớn.

Câu nói được nhiều người nói nhất trong những ngày này là: "Không ai biết là ngày mai và bất trắc, cái nào đến trước". Thực tế và thật tàn nhẫn. Bởi thế, khi còn trẻ, nỗ lực kiếm tiền, nhưng cũng đừng quên tiết kiệm. Bởi lẽ tiền tích được như cái bàn ủi, có thể là phẳng mọi gập ghềnh trong đời bạn.

Hoa Chanh

Cùng chuyên mục
XEM