Tiềm năng “ẩn giấu” của ngành lúa gạo

21/12/2023 20:10 PM | Kinh doanh

Dù là quốc gia có sản lượng lúa gạo thuộc top đầu cũng như đang có nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng xuất khẩu, không ít doanh nghiệp ngành lúa gạo trong nước vẫn liên tục “mất mùa”. Chương trình Bí mật đồng tiền mùa 2, số 41 mới đây đã thảo luận về những “hạt sạn” này, cũng như dư địa ngành trong năm tới.

Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt mức kỷ lục 8 triệu tấn, trị giá khoảng 4,5 tỷ USD. Dự báo về tình hình xuất khẩu gạo năm 2024, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, giá gạo xuất khẩu có thể vẫn ở mức cao và không thể giảm xuống dưới 640-650 USD/tấn. Nguyên nhân là do lượng lúa gạo giao dịch trên thế giới đang khan hiếm dần, còn Việt Nam nắm giữ cơ hội về xuất khẩu gạo.

Dù trong điều kiện ấy, có một sự thật là nhiều doanh nghiệp lúa gạo nói riêng và ngành lương thực nói chung vẫn liên tục báo lỗ. Đưa ra quan điểm, anh Nguyễn Văn Phú - Chủ tịch CTCP Lương thực A An chia sẻ, câu chuyện nằm ở việc doanh nghiệp lúa gạo Việt Nam hiện nay mới chủ yếu tập trung vào các công đoạn ở phần “ngọn” thay vì các công đoạn “gốc” như sấy, sơ chế, lưu trữ và bảo quản. Các hợp đồng mua bán, xuất khẩu vốn thường được ký kết cho tương lai, nhưng vì không có kho lưu trữ, nên không ít doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng khi giá gạo đang ở mức thấp và phải trả hàng khi giá đã lên cao, dẫn tới tình trạng thua lỗ.

Tiềm năng “ẩn giấu” của ngành lúa gạo - Ảnh 1.

Để tạo ra một quy trình sản xuất tự chủ, độc lập hơn, hướng đi bắt buộc cho các doanh nghiệp là đẩy mạnh liên kết với nông dân sản xuất theo chuỗi. Đối với doanh nghiệp, mô hình chuỗi cung ứng sẽ giúp ổn định nguồn cung, giảm rủi ro về nguồn nguyên liệu đầu vào. Ngoài ra, kiểm soát, duy trì, thậm chí nâng cao chất lượng thương hiệu thông qua nâng cao chất lượng nguồn cung, chuyển sản phẩm nông nghiệp thành một thương phẩm, đảm bảo yêu cầu chuẩn mực của thị trường. Đối với nông dân, việc tham gia liên kết với doanh nghiệp cũng sẽ giúp họ tự tin sản xuất do được đảm bảo đầu ra.

Ngoài ra, anh Phú cũng nhấn mạnh, với việc các thị trường đang ngày càng trở nên khó tính, liên kết theo chuỗi sẽ giúp doanh nghiệp quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn một cách đồng bộ và hiệu quả hơn.

Đánh giá về triển vọng xuất khẩu lúa gạo nói riêng và lương thực - thực phẩm nói chung trong năm 2024, anh Phú chia sẻ: ngành đang có tương lai khá xán lạn. Các dữ liệu liên quan tới xuất khẩu gạo của Việt Nam đang ở mức cao nhất trong 34 năm qua và được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Lượng gạo tồn kho toàn cầu cũng đang giảm, trong khi nhu cầu của thị trường thế giới tiếp tục tăng. Indonesia, một trong những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam cũng được dự báo sẽ gia tăng nhu cầu lên tới gần 600.000 tấn trong năm sau. Đặt trong bối cảnh ngành lúa gạo Việt Nam mới tối ưu hóa giá trị theo chuỗi cung ứng khoảng 20%, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin về khả năng gia tăng giá trị.

Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM