Thụy Điển: Thiên đường của người lao động nay đã mất

01/06/2020 14:15 PM | Xã hội

Tại Thụy Điển, lao động có thể nghỉ ốm dài ngày nhưng vẫn nhận khoảng 80% mức lương do chính phủ thanh toán qua hệ thống an sinh xã hội. Số tiền này sẽ không vượt quá 774 Krona, tương đương 83 USD/ngày và người lao động phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh mình bị bệnh.

Thụy Điển vốn nổi tiếng là một nơi đáng sống cho người lao động khi nhân viên cân bằng được cuộc sống giữa làm việc và gia đình. Thế nhưng, ngày càng nhiều bạn trẻ tại thiên đường này xin nghỉ việc vì cùng một lý do: Stress.

Tại Thụy Điển, môi trường làm việc khá thoải mái với những bữa sáng thảnh thơi và những buổi chiều thứ 6 có thể trốn về sớm. Tinh thần làm việc cao khiến năng suất lao động của người Thụy Điển khá hiệu quả dù thời gian lao động không nhiều như Châu Á.

Các số liệu chính thức cho thấy chưa đến 1% lao động Thụy Điển phải làm quá 50 tiếng mỗi tuần, tương đương mỗi ngày 10 tiếng không tính cuối tuần. Bất kỳ công dân Thụy Điển nào cũng được đảm bảo ít nhất có 5 tuần nghỉ phép có lương.

Thụy Điển: Thiên đường của người lao động nay đã mất - Ảnh 1.

Văn hóa làm việc lưu động tại Thụy Điển khá phổ biến trong khi chế độ thai sản cho cả bố lẫn mẹ tại đây cũng vô cùng ưu đãi. Bởi vậy những cảnh tượng nhân viên quá tải vì công việc hay không có thời gian chăm sóc gia đình thường hiếm thấy tại Thụy Điển.

Thế những trong những năm gần đây, lao động Thụy Điển mà đặc biệt là những bạn trẻ đang ngày càng chịu áp lực nhiều hơn về công việc. Số liệu năm 2018 của Cơ quan bảo hiểm xã hội Thụy Điển (SSIA) cho thấy hơn 20% nguyên nhân nghỉ việc của lao động nước này là do công việc quá áp lực, một điều hiếm thấy tại quốc gia có chế độ làm việc thoải mái nhất thế giới.

Thậm chí, tỷ lệ nghỉ việc vì stress trong khoảng 2013-2018 đã tăng tới 144% với tầng lớp lao động 25-29 tuổi. Đặc biệt phái nữ tại Thụy Điển là đối tượng nghỉ việc vì stress nhiều nhất khi họ vừa phải lao động vừa phải chăm lo cho gia đình.

Siêu áp lực

Cô Natali Suonvieri, một lao động 27 tuổi tại Thụy Điển là một trong những người phải nghỉ việc vì quá stress. Cô cho biết mình vốn là giám đốc marketing cho một startup và đã phải nghỉ việc vào năm 2017 do không chịu nổi áp lực. Thông thường khung giờ làm việc của nhân viên văn phòng tại Thụy Điển là từ 8h sáng đến 5h chiều hoặc họ có thể lao động tự do mà không bó buộc tại công ty. Tuy nhiên, những người như cô Suonvieri phải liên tục làm thêm giờ và ở tại văn phòng để giải quyết công việc.

"Tôi bị stress vô cùng nặng. Trên thực tế tôi đã phải xin nghỉ phép đến hơn 1 năm và nằm trên giường 3-4 tháng vì quá mệt. Hiện tôi gặp vấn đề trong khả năng tập trung cũng như ghi nhớ vì quá stress", cô Suonvieri ngậm ngùi.

Thụy Điển: Thiên đường của người lao động nay đã mất - Ảnh 2.

Cô Natali Suonvieri

Trong khi nhiều quốc gia chưa thừa nhận các bệnh trạng vì stress hay quá tải công việc là một lý do y tế chính đáng của người lao động thì Thụy Điển đã công nhận nó từ năm 2003.

Giáo sư Marie Asberg của Viện nghiên cứu y khoa Karolinska Institute cho hay vấn đề không chỉ nằm ở việc người lao động cảm thấy quá tải và áp lực mà chúng còn có hệ lụy lâu dài đến sức khỏe tinh thần, thể chất nhân viên. Những người từng bị stress thường sẽ có cảm giác hồi hộp, nhạy cảm hơn với sự việc cũng như khó tập trung hoặc ghi nhớ được như lúc bình thường.

"Một khi bạn bị dính bệnh thì sẽ tốn rất nhiều thời gian để hồi phục. Nếu não bộ của bạn không hoạt động đúng quy trình thì sẽ rất khó để đi làm việc bình thường trở lại", Giáo sư Asberg nhấn mạnh khi nói rằng ngày càng nhiều lao động Thụy Điển mắc căn bệnh stress trong những năm gần đây.

Trên thực tế để so sánh liệu lao động Thụy Điển có stress nhiều hơn các nước khác không là rất khó bởi không nhiều quốc gia thừa nhận căn bệnh này khi nhân viên xin nghỉ việc. Tuy vậy giáo sư Asberg cho việc Thụy Điển có hệ thống trợ cấp người lao động khá tốt nên mới đo lường được mức độ nghiêm trọng của vấn đề chứ không mù mờ như những nền kinh tế khác.

Tại Thụy Điển, lao động có thể nghỉ ốm dài ngày nhưng vẫn nhận khoảng 80% mức lương do chính phủ thanh toán qua hệ thống an sinh xã hội. Số tiền này sẽ không vượt quá 774 Krona, tương đương 83 USD/ngày và người lao động phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh mình bị bệnh.

Môi trường làm việc tốt như vậy nhưng người Thụy Điển vẫn stress nặng. Chuyên gia Pia Webb của Hội đồng hướng dẫn và đào tạo Châu Âu (EMCC) nhận định ngày càng nhiều bạn trẻ Thụy Điển cho rằng việc ra về đúng giờ hành chính có cảm giác như là vô trách nhiệm với công việc đã khiến áp lực lao động đi lên.

Bên cạnh đó, tư tưởng luôn phải cố gắng để có thân hình đẹp, luôn cảm giác bận rộn và phải trông hoàn hảo ở mọi khía cạnh đang khiến người Thụy Điển gặp áp lực ngày một lớn.

Thụy Điển: Thiên đường của người lao động nay đã mất - Ảnh 3.

Cô Cecilia Axeland

Theo khảo sát của Eurobaromater, khoảng 1/3 số người Thụy Điển tập thể dục 5 lần mỗi tuần hoặc hơn. Mặc dù thói quen này khiến nâng cao sức khỏe nhưng chúng cũng kích thích người dân cạnh tranh nhau để có một thân hình lý tưởng, qua đó tạo sự quá tải không cần thiết khi đã quá áp lực về công việc hay gia đình.

Cô Cecilia Axeland, 25 tuổi, đồng ý với quan điểm trên. Bản thân cô Axeland đã phải đi lại rất nhiều và làm thêm giờ với mảng công việc bán hàng (Sale). Tuy nhiên, chính áp lực phải tập thể dục để có một thân hình lý tưởng mới là nguyên nhân chính khiến cô lâm vào tình trạng stress, qua đó buộc phải nghỉ việc cách đây 2 năm.

"Tôi cảm thấy quá áp lực, kiểu như bạn cứ phải ăn uống điều độ, sống lành mạnh. Đáng lẽ ra bạn có thể sống thoải mái nhưng lại cứ phải ra ngoài tham gia các hoạt động để chứng tỏ điều gì đó. Hệ quả là tôi chẳng bao giờ thực sự được nghỉ ngơi thực sự và điều đó rút cạn năng lượng trong tôi", cô Axeland cho biết.

Áp lực trường kỳ

Giáo sư Asberg cho biết não bộ của con người không phân biệt được đâu là lao động và đâu là giải trí. Những hoạt động như cố lên kế hoạch dã ngoại trong thời gian rảnh hay tham gia những hoạt động ngoại khóa theo sở thích, thức đêm xem mạng xã hội… đều khiến não bộ hoạt động chẳng khác gì như bạn đang làm việc.

"Não bộ của chúng ta chẳng quan tâm xem công việc bạn đang làm có được trả lương hay không. Bởi vậy nhiều người bị thiếu ngủ và áp lực trầm trọng. Họ muốn thành đạt trong mọi mặt đời sống và cố quá sức của mình", Giáo sư Asberg nhận định.

Thụy Điển: Thiên đường của người lao động nay đã mất - Ảnh 4.

Một yếu tố nữa khiến các bạn trẻ Thụy Điển ngày càng áp lực là cạnh tranh từ xã hội. Chế độ an sinh xã hội tốt khiến nhiều bạn trẻ buộc phải ganh đua từ sớm nhằm tránh bị coi thường trong xã hội.

Chuyên gia Pia Webb cho biết trong khi những nền văn hóa khác như Châu Á coi trọng giá trị của gia đình, qua đó giúp con trẻ có thời gian nghỉ ngơi và hưởng thụ cuộc sống thì tại Thụy Điển, tư tưởng buộc con cái phải tự lập từ sớm khiến áp lực lên các bạn trẻ là vô cùng nhiều.

Suy cho cùng, sống trong một xã hội mà ai ai cũng khỏe mạnh, chăm chỉ và thành đạt không phải là điều dễ dàng.

AB

Cùng chuyên mục
XEM