Thưởng Tết thường được tính như thế nào?
Thưởng Tết luôn là khoản được người lao động mong chờ sau một năm lao động miệt mài. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ về cách tính thưởng Tết cũng như những quy định liên quan.
Luật lao động hiện hành không có quy định rõ ràng về thưởng Tết. Điều 104 Bộ Luật lao động 2019 đã quy định “Quy chế thưởng do doanh nghiệp quyết định và công bố công khai ở công ty sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với doanh nghiệp có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở”.
Như vậy, thưởng nói chung và thưởng Tết nói riêng không bắt buộc. Đó chỉ là khoản do doanh nghiệp tự nguyện đưa ra để khích lệ người lao động. Tùy thuộc vào tình hình kinh doanh và chất lượng hoàn thành công việc của nhân viên, các đơn vị có thể có hoặc không có thưởng Tết.
Mức thưởng Tết cũng sẽ có sự khác biệt giữa các công ty, doanh nghiệp. Tuy vậy, vẫn có quy chế phổ biến về mức thưởng Tết. Theo đó, nên doanh nghiệp “ăn nên làm gia”, thì thưởng Tết cho người lao động sẽ được trích từ lợi nhuận của doanh nghiệp.
Công thức tính thưởng Tết phổ biến là cách tính theo tiền lương trung bình.
Với nhân viên đi làm đủ 12 tháng trở lên, mức thưởng = tiền lương trung bình 12 tháng
Chẳng hạn, một nhân viên đã làm đủ 12 tháng trở lên, có mức lương từ tháng 1 đến tháng 8/2024 là 15 triệu đồng/ tháng; từ tháng 9 đến tháng 12/2024 được tăng lương lên 17 triệu đồng/ tháng. Thưởng Tết hay lương tháng 13 của anh được tính như sau:
[(15 triệu đồng x 8 tháng ) + (17 triệu đồng x 4 tháng)]/12 tháng = 15,67 triệu đồng.
Với nhân viên chưa làm đủ 12 tháng, mức thưởng = số tháng làm việc trong năm/ 12 (tháng) x tiền lương trung bình
Một số doanh nghiệp, thưởng Tết tỉ lệ thuận với năng suất lao động và thâm niên công tác thì công thức sẽ là:
Thưởng = Tỉ lệ thưởng (% năng suất lao động + % thâm niên công tác) x Tiền lương trung bình hàng tháng
Chẳng hạn một nhân viên có thâm niên làm việc 3 năm với mức lương hằng tháng là 15 triệu đồng, chất lượng công việc trong năm được đánh giá đạt 70%. Tỉ lệ thưởng với thâm niên công tác từ 2-3 năm là 50% thì mức thưởng được tính như sau:
Tiền thưởng Tết = 15 triệu đồng x (70% + 50%) = 18 triệu đồng.
Vì thưởng Tết là khoản thu nhập có tính chất tiền lương, tiền công nên cũng thuộc diện tính thuế thu nhập cá nhân.
Về mặt ý nghĩa, nhiều người nhầm lẫn thưởng Tết chính là lương tháng 13. Song đây lại là hai khoản chi trả khác nhau. Thưởng tết là khoản thưởng tỷ lệ thuận với khoản lợi nhuận và thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp. Việc thưởng Tết phụ thuộc vào quyết định của Giám đốc công ty, cần công khai nhưng không cần thỏa thuận trước với người lao động. Còn lương tháng 13 là khoản tiền mà doanh nghiệp thưởng cho người lao động dựa trên một thỏa thuận nhất định giữa người hai bên.
Mặc dù thưởng Tết là không bắt buộc, nhưng nếu giữa doanh nghiệp và người lao động đã có những thỏa thuận cụ thể về khoản này mà doanh nghiệp không chi, thì có thể xảy ra tranh chấp và cơ quan chức năng có thể sẽ vào cuộc xử lý theo quy định.