Buồn của Thái Lan: Không chỉ thua bóng đá, nền kinh tế cũng gặp nhiều thách thức, đang trở thành quốc gia ‘tiêu dùng quá độ’
Tờ Bangkok Post nhận định nếu như không phải kinh tế Pakistan còn tồi tệ hơn thì Thái Lan đã trở thành nền kinh tế tệ nhất Châu Á năm 2024 chứ không riêng gì ĐNÁ.
Câu chuyện đội tuyển bóng đá Thái Lan để vuột mất chức vô địch AFF Cup 2024 vào tay tuyển Việt Nam đang là tâm điểm của giới truyền thông.
Thế nhưng theo tờ Bangkok Post, câu chuyện của bóng đá chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi nền kinh tế nước này đối mặt rất nhiều thách thức. Thậm chí tờ Bangkok Post còn dẫn chứng tiêu đề của một tờ báo địa phương với câu hỏi: “Thái Lan liệu có trở thành người bệnh tại Đông Nam Á (ĐNÁ)?”
Nếu như không phải kinh tế Pakistan còn tồi tệ hơn thì Thái Lan đã trở thành nền kinh tế tệ nhất Châu Á chứ không riêng gì ĐNÁ.
Bất ổn
Cách đây vài chục năm, Thái Lan còn là nền kinh tế lớn thứ 2 tại ĐNÁ sau Indonesia nhưng với tốc độ tăng trưởng thấp như hiện nay thì mọi chuyện sẽ sớm thay đổi.
GDP danh nghĩa của Việt Nam vào đầu năm 2024 đạt khoảng 466 tỷ USD, gần đuổi kịp so với 548 tỷ USD của Thái Lan.
Nếu Việt Nam duy trì quỹ đạo tăng trưởng 6% trong khi nền kinh tế Thái Lan tăng trưởng 3% mỗi năm, nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua quy mô GDP của Thái Lan vào năm 2030.
Thậm chí chính Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo quy mô GDP của Việt Nam có thể vượt Thái Lan vào năm 2028.
Chính tờ Bangkok Post đã thừa nhận 20 năm bất ổn khiến chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi nền kinh tế Thái Lan bộc lộ những rắc rối to lớn.
Trong nhiều thập kỷ, nền kinh tế Thái Lan đã chứng tỏ khả năng phục hồi kỳ lạ sau các cuộc khủng hoảng nhưng lần này lại là một câu chuyện khác.
Tờ Bangkok Post cho hay nếu không có những cải cách, Thái Lan có thể sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng thấp với nguy cơ trì trệ kéo dài.
Trong giai đoạn 40 năm trước cuộc khủng hoảng kinh tế 1997-1998, Thái Lan vẫn xoay sở để tăng trưởng 7%/năm.
Số liệu của Ngân hàng thế giới World Bank cho thấy con số này giảm xuống còn 5%/năm trong khoảng 1999-2005.
Năm 2023, con số này giảm mạnh xuống còn 1,9% và theo dự báo của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), con số này sẽ chỉ là 2,6% cho năm 2024, thấp hơn nhiều mức 6,4% của Việt Nam.
Thế nhưng sự tụt hậu không chỉ dừng lại ở mức tăng trưởng GDP.
Hào quang quá khứ
Trong mảng xe hơi, tờ Nikkei Asian Review cho hay Malaysia đã vượt qua Thái Lan để trở thành thị trường ô tô lớn thứ hai của ĐNÁ mặc dù quy mô thị trường nói chung của Thái Lan lớn gấp đôi Malaysia.
Xin được nhắc rằng ngành ô tô chiếm 11% GDP Thái Lan.
Những đối tác Nhật Bản truyền thống làm nên tên tuổi xe hơi Thái Lan đang phải cân nhắc liệu có nên tiếp tục ở lại đây hay dịch chuyển nhà máy đi nơi khác trong bối cảnh chính quyền Bangkok có ý định ưu tiên xe điện Trung Quốc.
Tương tự, Thái Lan từng nổi tiếng trong quá khứ vì thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng mọi chuyện đã thay đổi. Nền kinh tế này đã tụt xuống vị trí thứ 5 trong số các nền kinh tế thành viên ASEAN vào năm 2022, từ vị trí thứ hai vào năm 2010, khi so sánh về FDI.
Số liệu của ban thư ký ASEAN cho thấy những quốc gia láng giềng như Indonesia, Việt Nam và Malaysia đã gia nhập Singapore vượt qua Thái Lan về thu hút FDI.
Ngay cả ở trong mảng hàng không, cuộc khảo sát AirlineRatings.com năm 2024 cho thấy hãng hàng không nổi tiếng Thai Airways International không hề có mặt trong bảng xếp hạng 25 hãng hàng không cao cấp hàng đầu khu vực.
Xin được nhắc rằng ngay cả Vietnam Airlines cũng đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng này.
Thậm chí ngay cả các trường đại học Thái Lan cũng đã tụt hạng trên bảng xếp hạng toàn cầu. Tờ Bangkok Post cho hay không có gì ngạc nhiên khi điểm Pisa (chương trình đánh giá học sinh quốc tế) của học sinh Thái Lan vào tháng 12/2024 là thấp nhất từ trước đến nay.
Cũng theo Bangkok Post, trong khi các quốc gia lân cận như Malaysia đang cố gắng đưa gõ code và công nghệ thông tin vào chương trình giảng dạy trung học của họ, thì Thái Lan được cho là vẫn chậm chân với tư tưởng giáo dục cũ.
“Nhiều người không đủ can đảm đối mặt với thực tế rằng Thái Lan đã và đang tụt hậu”, tờ Bangkok Post kết luận.
Vì đâu nên nỗi?
Theo Bangkok Post, mọi người bao gồm cả World Bank và IMF đều dự đoán tăng trưởng GDP của Thái Lan sẽ vào khoảng 3,6% đến 4% đầu năm 2023 vì khả năng ngành du lịch hồi phục hậu đại dịch Covid-19.
Quả thật khách du lịch đã tăng 154% từ 11 triệu lên 28 triệu, nhưng tăng trưởng năm 2023 lại chỉ là 1,88%.
Vậy điều gì đã khiến Thái Lan nhìn nhầm khi quá phụ thuộc vào ngành du lịch?
Tờ Bangkok Post nhận định có 4 nguyên nhân chính: Thanh khoản tín dụng không đủ, nợ xấu cao, sức sản xuất suy giảm và cạnh tranh từ Trung Quốc.
Đầu tiên, thanh khoản nội địa không đủ khiến các ngân hàng và doanh nghiệp phải đi vay nước ngoài.
Thanh khoản đầy đủ là yếu tố cốt lõi của tăng trưởng kinh tế. Các ngân hàng cần tiền để mở rộng danh mục cho vay của họ. Với tín dụng tăng từ các ngân hàng, người tiêu dùng sẽ tiêu dùng nhiều hơn và nhà sản xuất sẽ sản xuất nhiều hơn.
Năm 2020, hệ thống tiền tệ của Thái Lan có thanh khoản dư thừa (Excess Liquidity) là 658 tỷ Baht và tổng tăng trưởng tín dụng, bao gồm cả vay của chính phủ, là 4,4%.
Thế nhưng đến tháng 3/2024, thanh khoản dư thừa đã xuống mức âm 796 tỷ Baht và tổng tăng trưởng tín dụng giảm xuống còn 2%.
Lý do duy nhất khiến các ngân hàng Thái Lan có thể đủ khả năng mở rộng tín dụng vào thời điểm thanh khoản dư thừa âm là họ đang nhận được thanh khoản bổ sung từ các nguồn nước ngoài.
Tính đến quý IV/2023, các ngân hàng Thái Lan đã vay 36,4 tỷ USD (khoảng 1,3 nghìn tỷ Baht) để hỗ trợ các hoạt động cho vay của họ.
Thật không may, việc mở rộng tín dụng trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của khu vực doanh nghiệp Thái Lan. Khu vực doanh nghiệp đã tự vay 121 tỷ USD từ nước ngoài.
Xin lưu ý rằng khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp cao hơn 3,3 lần so với khu vực ngân hàng.
Việc bị hạn chế nghiêm trọng về thanh khoản và sự phụ thuộc lớn vào nguồn vốn nước ngoài khiến kinh tế Thái Lan đối mặt nhiều thách thức.
Tiếp theo, Thái Lan đang nợ xấu (NPL) quá nhiều.
Tờ Bangkok Post dựa trên dữ liệu của Văn phòng tín dụng quốc gia (NCB) khi cho rằng mức nợ xấu ở Thái Lan là 12,6% tính đến quý IV/2023, cao hơn nhiều mức công bố chính thức là 2,66%.
Xin được nhắc rằng nền kinh tế Nhật Bản và Hoa Kỳ đã từng rơi vào khủng hoảng tài chính khi mức nợ NPL của họ vượt quá 5%.
Vấn đề thứ 3 của Thái Lan là nền kinh tế này đang trở thành một “nền kinh tế tiêu dùng quá mức” (Over-Consumption), nghĩa là Nhu cầu tiền mặt để tiêu dùng vượt quá nguồn cung tiền mặt từ thu nhập.
Do đó, thanh khoản trong nước trở nên không đủ và nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào nguồn tài chính nước ngoài. Nhu cầu tiêu dùng không được kiểm soát đã tạo ra mức nợ không bền vững, đẩy tỷ lệ nợ hộ gia đình lên 91,3% GDP.
Tiếp đó, vấn đề sản lượng sản xuất của Thái Lan cũng gặp vấn đề. Chỉ số sản xuất MPI của nước này vào tháng 1/2019 là 108,5 thì đến tháng 1/2024 chỉ còn 99,9, tương đương mức giảm 8,5%.
Một số chuyên gia viện dẫn nhu cầu yếu hậu đại dịch Covid-19 nhưng thực tế không phải vậy.
Số liệu của Bangkok Post cho thấy nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh ở mức 6,2% vào năm 2022 và 7,1% năm 2023, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tiêu dùng trung bình 3,4% trước khi dịch Covid bùng phát.
Rõ ràng, người tiêu dùng Thái Lan đã chi tiêu, vấn đề là họ không tiêu thụ sản phẩm nội địa.
Điều này dẫn đến vấn đề thứ 4 là sự cạnh tranh từ hàng hóa giá rẻ Trung Quốc.
Nhập khẩu từ Trung Quốc vào Thái Lan đã tăng từ 9,3% GDP năm 2019 lên 13,8% GDP năm 2023, khiến thâm hụt thương mại tăng gấp đôi từ 676 tỷ Baht lên 1.295 nghìn tỷ Baht.
Rõ ràng, kinh tế Thái Lan từng hưởng lợi từ du khách Trung Quốc thì giờ đây lại đang gặp rắc rối với chính dòng lũ hàng giá rẻ từ thị trường này.
Liệu nền kinh tế Thái Lan có vượt qua được những thách thức này để tỏa sáng trở lại một lần nữa hay không thì vẫn cần thời gian để trả lời.
*Nguồn: Bangkok Post, IMF, World Bank