Quán bún bò có nội quy lạ và "độc chiêu" tiếp thị

03/04/2015 10:37 AM | Marketing

Có phải khi treo tấm bảng thông báo đầy tính trào phúng đó lên, ông chủ quán bún bò gân cũng không thể ngờ tới hiệu ứng lan tỏa của nó như hiện nay?

Những nội quy hài hước đã làm nên "tên tuổi" quán ăn vỉa hè của anh Dũng ( vỉa hè chung cư Tôn Thất Thuyết, P.1, Q.4, TP.HCM). Một cơn "bão" cư dân mạng xã hội chia sẻ hàng loạt hình ảnh nội quy hài hước của một quán bún bò gân, sau đó họ “dậy sóng” khi biết các bảng này bị tịch thu.

Và đến nay tên tuổi quán ăn nổi như cồn, khách hàng đến quán phải xếp hàng chờ được... thưởng thức.

Liệu rằng đây có phải là một chiêu thức marketing hay chỉ là sự “vô ý tự nhiên thành” của một ông chủ quán bún bò thích hài hước?

Nhờ thông điệp sáng tạo, chứ không “thơm”

Theo một chuyên gia tiếp thị lâu năm,  đây là một chiêu PR (chính xác là tiếp thị viral - tiếp thị truyền miệng) đáng để cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, và những doanh nghiệp mới… ra ràng “học hỏi”.

Vì sao? Vì chi phí truyền thông hiện nay ngày càng trở nên đắt đỏ, các doanh nghiệp khó có thể với tới được. Hơn nữa, người tiêu dùng ngày càng “bội thực” với các quảng cáo. Do đó dù có chi nhiều tiền cho quảng cáo, hiệu quả chưa chắc được như ý muốn, nếu như không có những thông điệp sáng tạo.

Truyền thông xã hội (social media) như facebook, youtube đã tạo cơ hội miễn phí cho các doanh nghiệp, thương hiệu - bất kể dù nhỏ hay lớn, lâu đời hay mới “khai sinh”.

Cơ hội thì ai cũng có. Vấn đề là ai tạo ra được những ý tưởng độc đáo để cho mọi người tò mò, quan tâm, rồi chia sẻ.

Và “Bún bò gân” của ông chủ Dũng Đinh đã làm được như vậy. Vì ý tưởng của ông Dũng khiến mọi người quan tâm là từ sự khác biệt.

Thay vì làm "bốc thơm” sản phẩm của mình, “Bún bò gân” chấp nhận “ế bán tiếp” hoặc “dở thì không được chê”. Việc chấp nhận (ế bán tiếp), đâu đó, cũng là một cách kêu gọi mọi người “đến ủng hộ”. Và thực tế là nhiều người hiếu kỳ đã đến.

Ngoài ra, bảng thông báo cũng được thể hiện theo kiểu “nội quy” (tất nhiên là hài hước) theo kiểu ngược đời.

Nghĩa là, đã là khách hàng thì phải được đối xử như thượng đế, chứ không phải là “không được cái này, không được cái kia”.

Và vì nó ngược đời như vậy nên được nhiều người tò mò, quan tâm. Đáng chú ý hơn, việc “làm khó làm dễ” của chính quyền địa phương, lại càng như “đổ dầu thêm vào lửa”, càng làm cho nhiều người quan tâm hơn.

Ở góc độ chuyên môn, nếu đánh giá hiệu quả của một người chưa từng là doanh nghiệp,  nhưng đã tạo ra được một kết quả như vậy, quả là “không phải dạng vừa đâu”!

Nếu so với các thương hiệu/doanh nghiệp lớn thì rõ ràng ông chủ quán “Bún bò gân” đã tạo ra một cú viral (truyền miệng) tuyệt đẹp hoàn toàn miễn phí, hiệu quả gấp nhiều lần các chiến dịch truyền thông tốn kém khác.

Điều đáng nói hơn, là ông chủ hoàn toàn “đơn thân độc mã” chứ không phải là ban bệ cùng với hỗ trợ “tiền hô hậu ủng” của các công ty dịch vụ (agency).

"Tôi cũng thấy một điều thế này: tên thương hiệu “Bún bò gân” đã được viết rõ trên bảng thông báo. Nhưng cá nhân tôi nghĩ, chắc ông chủ cũng muốn gởi gấm một thông điệp gì đó qua cách đặt tên, vì tôi thấy nó mang cả hai nghĩa: "gân của thịt bò và gân của ông chủ !". Nên nhìn một cách tổng thể, quả thật Đinh Dũng là người “có nghề”. Rất nghề." - Chuyên gia này nhận định.

Kịch tính hơn "nhờ" chính quyền

Trong khi đó, ông Trần Bảo Minh, tổng giám đốc Công ty CP sữa Quốc tế IDP cho rằng nếu cách đây nhiều năm, khi internet và các phương tiện truyền thông chưa thật sự có nhiều tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội như bây giờ, thì những gì ông chủ quán “Bún bò gân” thể hiện chưa chắc đã được nhiều người biết đến để mà chia sẻ, bình luận, nhận xét và thậm chí đánh giá.

Và cách đây nhiều năm, nếu một doanh nghiệp nào chọn cách quảng bá thương hiệu như cách mà ông chủ quán bún đã làm, thì thất bại là điều chắc chắn, khi mà các yếu tố cộng hưởng nói trên không có, hoặc chưa xuất hiện để có thể giữ vai trò tác động, hoặc có thể chi phối mạnh mẽ đến mọi tầng lớp, thành phần trong xã hội đã và đang gắn rất chặt với đời sống, nhịp thở theo thời đại công nghệ, truyền thông mạng như bây giờ.

Nói điều  này để thấy không thể phủ nhận ông chủ quán đã có một ý tưởng rất tốt để hiện thực hóa việc kinh doanh của mình theo hướng hiệu quả nhất, khi mà nguồn lực tài chính lại khá khiêm tốn để nghĩ đến việc marketing theo cách truyền thống thông thường.

Tôi không cho rằng ông chủ “đơn thương độc mã” trong toàn bộ câu chuyện đã xảy ra, nhất là khi nút thắt cuối cùng thật sự được tháo gỡ và mọi người đã biết rõ nhân thân của ông chủ quán trước khi chuyển sang kinh doanh là gì.

Cách tạo hình ảnh như thế thật ra không mới trong phương thức PR một nhãn hàng/thương hiệu nào đấy mà phương tiện truyền thông đã sử dụng khá nhiều với một số nhân vật của công chúng, như ca sĩ, vận động viên, diễn viên...

Có chăng, sự quan tâm của cộng đồng mạng, của người dân (nếu có biết đến câu chuyện này) càng đẩy sự kiện của ông chủ “Bún bò gân” đi lên một mức độ lớn hơn, “kịch tính” hơn khi các cách xử lý của chính quyền địa phương có liên quan đến chỗ ông chủ quán đang kinh doanh nảy sinh nhiều phản ứng trái chiều từ nhiều phía.

Xét cho cùng, đây cũng là một sự…thành công trong chiến lược thu hút sự quan tâm của những người tiêu dùng mà ông chủ quán muốn hướng tới trong hiện tại, và cả tương lai.

Cá nhân tôi thấy rằng, với sự dí dỏm và thông minh của mình, ông chủ “Bún bò gân” đã làm được một việc vừa vặn với năng lực của mình, trong đó “vừa vặn” ở yếu tố tài chính đã làm nên sự thành công trong cách làm thế nào có ít tiền nhất, nhưng vẫn xây dựng được một “thương hiệu”, là một điều cần được ngợi khen.

Còn quan trọng hơn, nếu sự hài hước này không gây hại đến ai thì cứ để cho họ được tự do sáng tạo, vì đó cũng là điều cần thiết để phát triển công việc kinh doanh của mình một cách hiệu quả.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM:

Được quảng cáo những điều không cấm

Ở khía cạnh pháp luật, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng người dân có quyền quảng bá cho sản phẩm của mình theo những hình thức mà pháp luật không cấm.

“Việc thông báo ở quán bún bò, theo tôi cũng là một hình thức quảng cáo và sẽ được điều chỉnh bởi luật quảng cáo nếu như có sự vi phạm”, ông Hậu chia sẻ.

Ông Hậu chỉ ra những điều cấm theo luật quảng cáo như quảng cáo thuốc lá, rượu, quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng, quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam...

Nếu trong những điều cấm không quy định thì người dân được quyền quảng cáo, ông Hậu nói. (TRÀ MY ghi)

>> ABC về quảng cáo

Theo TRẦN VŨ NGHI

Cùng chuyên mục
XEM