Lãnh đạo Việt và lời xin lỗi bất ngờ trên Facebook
Cách ứng xử của Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy cách xử lý “mẫu mực” trong việc xử lý khủng hoảng truyền thông. Đặc biệt là tại Việt Nam, nơi các chính khách vẫn có một khoảng cách nhất định với công chúng.
Mới đây, trên trang cá nhân của mình, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã đưa ra một lời xin lỗi chân thành tới Đài tiếng nói Việt Nam VOV.
Nguyên nhân của lời xin lỗi này đến từ bài báo có tiêu đề “Quan chức và hình ảnh công chúng” được đăng tải trên báo điện tử VOV. Bài báo đã thẳng thắn chỉ ra những hành vi, thái độ thiếu chừng mực, thậm chí là “không xứng với tầm vóc của một chính khách” với ekip làm chương trình cuối năm của VOV.
Dù bài báo nêu rõ chức vụ, nhưng lại không nêu đích danh vị chính khách. Đáp trả lại bài viết khá nặng nề của VOV, thay vì im lặng, lờ đi hay phản bác như một số quan chức từng làm, ông Hùng lại đưa ra một câu trả lời khá lạ: Dẫn link bài viết về Facebook cá nhân kèm theo việc hoàn toàn đồng tính với VOV, và nhận hoàn toàn lỗi về mình.
Ông Hùng viết trên trang cá nhân:
“Tôi thấy đây là một bài viết rất hay và đúng, nhân vật được hướng đến trong bài viết là cá nhân tôi.
Trước tiên cho phép tôi cám ơn tác giả bài viết và lấy đây là một bài học quan trọng cho bản thân mình, đặc biệt là trong ứng xử xã hội.
Tôi hoàn toàn nhất trí với tác giả bài viết về quan điểm yêu cầu những người cán bộ, công chức phải có trách nhiệm thương xuyên tu dưỡng bản thân, rèn luyện kỹ năng sống, tránh gửi những thông điệp làm ảnh hưởng đến cơ quan, tổ chức và vị trí công việc mà mình được giao.
Một lần nữa, xin cám ơn nhà báo Minh, lãnh đạo VOV về bài học này.
Tôi cũng xin nhận khuyết điểm vói cơ quan, lãnh đạo, đồng nghiệp về những ứng xử thiếu kiềm chế của mình.
Đồng thời xin gửi lời xin lỗi tới các cô, bác, anh chị, bạn bè luôn dành tình cảm và sự ủng hộ cho tôi.
Tôi hứa sẽ sửa chữa và khắc phục ngay!
Trân trọng”, .
Có thể nói, cách hành xử của ông Hùng cho thấy sự “mẫu mực” trong việc xử lý khủng hoảng truyền thông. Đặc biệt là tại Việt Nam, nơi các chính khách vẫn có một khoảng cách nhất định với công chúng. Trước ông Hùng, người ta chưa thấy một hành động nào tương tự. Vì vậy, những phản hồi của cộng đồng đối với ông cũng rất tích cực, hầu hết đều tỏ ra cảm thông, chia sẻ.
Hành động của ông Hùng cho thấy sự thay đổi trong cách xây dựng hình ảnh của lãnh đạo trước công chúng. Vài năm gần đây, một số chính khách tại Việt Nam đã bắt đầu để tâm tới việc xây dựng hình ảnh cho mình. Có thể kể tới bộ trưởng giao thông Đinh La Thăng, và mới đây là bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Cuối năm ngoái, Quảng Ninh còn gây ấn tượng mạnh khi tất cả các vị lãnh đạo, từ Tỉnh Ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân của tỉnh cùng xuất hiện trong một clip truyền thông quảng cáo cho Quảng Ninh mang tên “Nụ cười Hạ Long”.
>> 4 cái sai của Tân Hiệp Phát có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tồi tệ
Hoàng Vân