Chiến lược Đại dương xanh và chiếc bình thị trường

10/12/2014 11:52 AM | Marketing

Thị trường được ví như một chiếc bình, các sản phẩm đầu tiên xuất hiện được ví như hành động bạn bỏ đá vào bình, các sản phẩm tiếp theo là sỏi, sau sỏi là cát và thậm chí vẫn chưa hết, bạn vẫn có thể đổ nước vào để lấp đầy những kẻ hở bị bỏ trống.

Blue Ocean Strategy – Chắc hẳn bạn đã từng nghe nói đến chiến lược đại dương xanh. Đại dương xanh ý chỉ thị trường còn nguyên sơ, có thể là mới tinh do chính bạn tạo nên, một mình một ngựa trên đường đua cho đến đi có kẻ nhảy vào cạnh tranh biến nó thành đại dương đỏ.

Đã từng thấy “đại dương xanh” ở đâu chưa? Thị trường được ví như một chiếc bình, các sản phẩm đầu tiên xuất hiện được ví như hành động bạn bỏ đá vào bình, các sản phẩm tiếp theo là sỏi, sau sỏi là cát và thậm chí vẫn chưa hết, bạn vẫn có thể đổ nước vào để lấp đầy những kẻ hở bị bỏ trống.

Công nghệ

1981, chiếc laptop đầu tiên ra đời nhằm giải quyết tính cơ động cần thiết trong công việc, đặc biệt là trong quân sự và hàng không. NASA đã đem theo một chiếc laptop vào không gian vào 1985 trên tàu con thoi Discovery. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các phi hành gia đem theo những chiếc PC cồng kềnh vào không gian? Chắc phải cột CPU sau lưng, giắt bàn phím trước bụng, nhét chuột trong túi quần và một tay cầm màn hình…

Với sự cơ động cực kỳ cao của mình, có phải laptop đã tạo ra sân chơi riêng cho mình?

Nhưng, dường như mọi công nghệ tiên tiến nhất của nhân loại được xuất hiện trong vòng 5 năm trở lại đây. Nó phát triển với một tốc độ nhanh không tưởng. Đến mức phát kiến tuyệt vời như laptop cũng chịu lép vế trước sự ra đời của một đòn mạnh của Apple: iPad. iPad bây giờ nhiều và phổ biến đến mức ở chốn công cộng, nơi nào có trẻ em là nơi đó có iPad. Người lớn có thể dùng iPad để theo dõi con trẻ và có thể phát cho mỗi bé một máy, thế là bé ngồi im re “quẹt quẹt” cho bố mẹ làm việc, trao đổi công việc. Tablet (máy tính bảng) chính là một loại sỏi đá gì đó lai tạp giữa laptop và điện thoại di động (mobile).

Ta có thể bỏ tiếp sản phẩm gì vào giữa hai ngách laptop – tablet và tablet – mobile?

Sự ra đời của dòng Samsung Galaxy Note từng bị chế giễu là lố bịch kệch cỡm về cái thứ điện thoại màn hình quá khổ như vậy cho đến khi doanh thu của nó đạt mức đủ cho các hãng còn lại phải giật mình. Sự thành công của Galaxy Note thể hiện qua con số 50 triệu thiết bị được bán ra trong vòng 2 năm qua, tính đến Tháng 10/2013. Phablet (Phone + Tablet : Điện thoại lai máy tính bảng) là câu trả lời cho cặp tablet – mobile.

Thế còn laptop – tablet thì sao? Hiện giờ chưa có “viên sỏi” nào cho thị trường này. Thậm chí, giữa tablet và phablet, liệu còn kẻ hở nào cho “nước” chảy qua hay không? Nhu cầu của con người là vô tận và các nhà thiết kế, nhà nghiên cứu (R&D) được trả lương là để vẽ ra nhu cầu để moi tiền người dùng. Mấy ai có iPad và chỉ có iPad mà không có laptop và mobile? Nó ra đời như một phân khúc hoàn toàn mới và người dùng phải móc thêm hầu bao cho sản phẩm lai này. Phablet thì khác, người ta có thể sở hữu phablet và bỏ qua mobile.

Có sản phẩm nào lai giữa laptop – tablet? Có đấy! Thứ nhất, Ultrabook, thứ hai máy tính bảng Surface của Microsoft. Vì sao Ultrabook và Surface ra đời? Chúng khắc phục những ưu điểm mà laptop không làm được : Tính di động cao hơn nữa, “ngủ” và khởi động lại trong vòng 2 giây, hệt như tablet chỉ cần bật/tắt màn hình để sử dụng, không như laptop trước đó là phải tắt máy sau mỗi lần sử dụng và đợi khá lâu để khởi động lại và sau cùng là trang bị bàn phím lẫn màn hình cảm ứng. Dù tablet có cảm ứng nhạy và màn hình rộng như thế đi chăng nữa, nhưng khi cần soạn thảo văn bản hay dùng ứng dụng văn phòng (bộ Office nói chung) thì bàn phím vật lý luôn là lựa chọn tuyệt vời hơn.

Giải khát

Pepsi hay Coca Cola là một trong những hãng tự lấp đầy chiếc bình thị trường bằng chính các sản phẩm của mình. Thoạt đầu, hai doanh nghiệp này chỉ góp mặt trên thị trường bằng hai sản phẩm chủ lực là Pepsi Cola và Coca Cola. Nhưng nhu cầu của mỗi chúng ta là không chỉ nạp nước đường vào suốt ngày. Nó chỉ có thể là đá cuội, thậm chí đá sỏi trong chiếc bình vì chúng ta sẽ ưu tiên uống nước trắng vì tốt cho sức khỏe hơn.

Vì vậy, họ đã bỏ ra rất nhiều tiền để nghiên cứu hành vi và thói quen uống nước của một người trong suốt 24 giờ mỗi ngày. Để từ đó, họ cho ra đời nhiều dòng sản phẩm mang tính thành phần cho chiếc bình hơn. Đơn cử như, để giải quyết câu chuyện “uống” trong nhu cầu cơ bản nhất là “ăn uống”, đó là thị trường của Aquafina, Dasani. Bạn có cảm giác uống Aquafina ngon hơn khi uống các sản phẩm đóng chai tương tự như vô danh? Chúng chỉ khác ở chỗ logo Aquafina xuất hiện trên các sàn Catwalk hàng đầu Thế Giới.

Trong những cơn nóng bức hay trong bữa ăn, nước lọc có vẻ kém hấp dẫn hơn nước giải khát có gas như Pepsi Cola, 7UP, Sting, Coca Cola, Sprite. Nhưng nước có gas thường được “xử lý” khá nhanh gọn lẹ, để giải khát với thời gian uống kéo dài hơn, nước không gas như Twister, Splash được ưu tiên hơn. Chưa dừng lại tại đó, thêm đủ loại “sỏi” khác, nhỏ hơn, tiếp tục được chêm vào bình. Nước chuyên dành cho cơ thể các chất cần thiết sau vận động thì có 7UP Revive, Powerade, NOS và gần đây là Mountain Dew; Những sản phẩm mang hơi hướng tốt cho sức khỏe (vốn do Tân Hiệp Phát vẽ ra) như Ô Long Tea+, Real Leaf…

Gần như, các đại diện giải khát này bỏ qua phân khúc thức uống có cồn vì có thể họ sợ ảnh hưởng đến hình tượng thương hiệu (Brand Image) khi mà mọi người luôn cho rằng thức uống có cồn là không tốt cho sức khỏe.

Và không biết rằng liệu sáng trưa chiều tối bị phủ hết bởi các sản phẩm của chính họ nhưng sẽ có thêm sự xuất hiện của sản phẩm nào đóng vai trò “cát” hay “nước” trong chiếc bình giải khát này nữa hay không?

Có một người nói rằng, kinh doanh ngành FMCG là ngành “bất tử”. Chỉ có chúng ta làm không tốt thì chúng ta sẽ “tử nạn” trước đối thủ chứ con người còn sống thì còn phải ăn uống. Càng ngày, con người càng thông minh hơn, sáng tạo hơn, đông đảo hơn, nhiều điều kiện thuận lợi hơn và chiếc bình cũng sẽ chật hơn. Nhưng bạn biết không, dù có đổ nước vào tràn ngập bình thì ngay bản thân của nước cũng chứa những bọt khí trong nó. Thị trường không bao giờ cạn!

>> Ưu thế của nhãn hàng riêng

Theo Vũ Hoàng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM