Banner quảng cáo trên xe buýt xuất hiện từ bao giờ?
Các quốc gia phát triển như Mỹ, Đức, Pháp là những nơi đầu tiên áp dụng hình thức này, sau đó lan ra các nơi khác trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và cả Việt Nam.
Lệnh cấm dán banner, áp phích tràn cửa kính xe buýt tại Hà Nội được ban hành, xóa tan ý định mở rộng diện tích poster của các thương hiệu khi thực hiện chiến dịch marketing đường phố. Hình thức quảng bá này xuất hiện ở Việt Nam từ 10 năm trước nhưng lại chỉ phổ biến ở các thành phố lớn miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng còn khu vực như Cần Thơ, Bình Dương, TPHCM lại không mấy phát triển.
Trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia phát triển, các nhà marketing vốn đã sử dụng cách thức này từ những năm cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, khi mà xe buýt thậm chí còn chưa xuất hiện.
Phương tiện công cộng kèm thêm mục đích quảng cáo
Chiếc xe ngựa đầu tiên được dán banner quảng cáo xuất hiện trên đường phố của bang New Orleans (Mỹ) vào năm 1890, mang theo thông điệp về một buổi trình diễn Opera với đầy đủ thời gian, địa điểm, giá vé. Quả nhiên, thông tin về sự kiện âm nhạc này đã lan tỏa hiệu quả theo những bánh xe và tiếng chân ngựa, dẫn đến việc vé đã được bán hết nhanh chóng.
Bắt đầu từ đó, người ta nghĩ đến một phương thức mới mẻ mà không hề tốn kém để quảng bá một thương hiệu hay một sự kiện nào đó thông qua những phương tiện công cộng. Khi xe buýt ra đời, với diện tích lớn hơn cũng như độ phủ rộng hơn, các chuyên gia marketing đã nhận thấy tiềm năng và không bỏ qua cơ hội đưa chúng vào chiến dịch quảng cáo của họ.
Các quốc gia phát triển như Mỹ, Đức, Pháp là những nơi đầu tiên áp dụng hình thức này, sau đó lan ra các nơi khác trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và cả Việt Nam.
Không dừng lại ở việc đặt áp phích ở các trạm dừng xe buýt, hay bản thân chiếc xe buýt cũng được dán banner và di chuyển tràn ngập đường phố. Từ hãng đồ ăn, nội thất, ô tô cho đến rạp chiếu phim, cứ mỗi lần ra mắt các sản phẩm mới đều đầu tư cho mình một vài chiếc xe với đầy đủ thông tin và hình ảnh hấp dẫn khách hàng – những người đi đường.
Có hai kiểu bố trí banner hay poster trên xe buýt, đó là bên trong và bên ngoài chiếc xe. Thường thì hình thức dán ngoài xe được ưa chuộng hơn, và ngay cả dán ngoài xe cũng có nhiều kiểu: dán ở sườn xe, tràn kính xe hay đuôi xe.
Việc lựa chọn dán như thế nào tùy thuộc vào chiến lược marketing từng thời điểm cũng như khả năng đàm phán của hãng với các chủ xe. Các thương hiệu lớn thường có tiềm lực để có cho mình những chiếc xe và banner phù hợp nhất.
Ví dụ, khi ra mắt dòng điện thoại thông minh Xperia, Sony đã đầu tư cho mình một chiếc xe buýt được dán toàn bộ logo, hình ảnh của sản phẩm từ trước đến sau, thận chí cả cửa kính xe trừ vị trí tài xế.
Có lẽ chỉ có nước Anh nổi tiếng với sự bảo thủ mới không cho phép xu thế này hiện diện trên những chiếc xe buýt đỏ hai tầng đặc trưng của mình.
Từ thế giới đến Việt Nam
Như đã đề cập ở trên, hình thức này có mặt tại Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây. Rất nhiều các mặt hàng đã áp dụng quảng bá trên rất hiệu quả, thậm chí là đài truyền hình Việt Nam khi công chiếu các bộ phim cũng dùng cách này để quảng cáo. Người dân đi đường có dịp “mãn nhãn” với những thông tin, hình ảnh đẹp mắt khắp các con phố.
Tuy nhiên, sau rất nhiều nghị định, thông tư cũng như các văn bản từ các Tổng Công ty vận tải, việc dán quảng cáo tràn lên cửa kính xe buýt từ được cho phép giờ đây đã bị cấm, chỉ cho phép dán ở sườn xe, trước mắt tại Hà Nội.
Điều này đã làm nên một làn sóng phản đối từ các nhãn hàng vốn quen “bành trướng” banner của mình lên cửa kính lâu nay. Từ việc thoải mái đăng tải đầy đủ thông tin, giờ đây các thương hiệu phải rút gọn hình ảnh cũng như thông điệp sao cho súc tích nhất, vì diện tích sườn xe có giới hạn.
Không chỉ các nhãn hàng cảm thấy không hài lòng, bản thân các công ty vận tải cũng chịu nhiều thiệt thòi khi nhận được yêu cầu tạm dừng hình thức quảng cáo này từ các cơ quan quản lý nhà nước để có thời gian xem xét các khía cạnh của việc triển khai chính thức.