Bạn tin không? Mỹ phẩm cao cấp Shiseido chẳng khác “thường dân” Pond’s là mấy…

21/10/2015 19:15 PM | Thương hiệu

Shiseido và Pond’s công thức là như nhau, chỉ khác nhau ở cái tên. Người tiêu dùng đang bỏ tiền gấp 20 lần để mua một mỹ phẩm tương tự vì cho rằng nó là thương hiệu lớn với nhiều công dụng…

Shiseido được coi như một dòng mỹ phẩm cao cấp từ Nhật Bản. Trên trang chủ của Shiseido, các sản phẩm dưỡng da từ Essence (tinh chất dưỡng) đến Cream (kem dưỡng) có mức giá xê dịch từ 28 – 260 USD (625.000 – gần 6.000.000 đồng/sản phẩm), tùy theo từng dòng sản phẩm dưỡng ẩm, dưỡng trắng đến chuyên sâu.

Trong khi đó, Pond’s – một thương hiệu mỹ phẩm của Unilever gắn bó hơn với các thế hệ sinh viên – được coi như một thương hiệu giá rẻ. Trên trang thương mại điện tử Tiki, Pond’s được phân phối với giá từ 60.000 – gần 300.000 đồng/sản phẩm, tức chỉ bằng 1/20 – 1/10 mức giá của Shiseido.

Nhưng thực tế, một chuyên gia cho biết 2 thương hiệu này đang sử dụng công thức tương tự nhau.

“Các bạn đang bỏ tiền ra gấp nhiều lần chỉ để mua một mặt hàng mỹ phẩm tương tự. Ngành mỹ phẩm đã chứng minh giá trị mỹ phẩm các bạn mua chỉ chiếm chưa đến 3% mức giá các bạn bỏ ra”, một chuyên gia từng làm việc tại Unilever – tiết lộ.

Vị này cho biết ông từng được gặp những người phụ trách các dòng hàng mỹ phẩm cao cấp để học hỏi. Và ông phát hiện ra rằng: Nguyên liệu được dùng để làm một chai nước hoa chỉ có giá 1 USD, chai đựng có giá 10 USD. Và chai nước hoa hàng hiệu đó được bán tới tay khách hàng với giá 300 USD.

“Với người tiêu dùng, cái chai và trải nghiệm quan trọng hơn”, ông nói.

Cái giá của hàng hiệu

Theo GS. Hà Tôn Vinh - Chủ tịch Stellar Management, giá trị thực của sản phẩm hoàn toàn khác xa giá trị trong mắt khách hàng, hay nói cách khác là cái giá mà khách hàng đồng ý chi trả.

Giá trị thực của một chiếc túi Louis Vuitton chỉ khoảng 13%, tức nếu chiếc túi đó giá 1.000 USD, giá trị thực của nó chỉ khoảng 130 USD. 870 USD còn lại, khách hàng đang mua cảm giác hãnh diện, để cảm nhận bản thân là người thành đạt, có đẳng cấp.

GS. Vinh trích thống kê từ các sản phẩm nước hoa của Chanel và Victoria Secret cho biết, giá trị thực một chai nước hoa của 2 hãng này chỉ ở mức 2,5%, tức khi bạn bỏ 100 USD để mua 1 chai nước hoa, thì giá trị thực của nó chỉ có 2,5 USD.

Sự thật về giá trị của nước hoa đã được Ashley Pearson đưa ra trên Daily Mail từ hồi 2008 với nhận định cho rằng “chất lỏng có trong chai nước hoa chỉ có giá bằng 3% giá bán của chai nước hoa đó”. Một phần chi phí cho bao bì, marketing, quảng cáo. Và mức giá bán cao chót vót cho phép nhà sản xuất có thể hưởng mức biên lợi nhuận tới 95%.

Bí mật của chai nước hoa hàng hiệu một lần nữa được Daily Finance "bóc mẽ" với nhiều khoản chi phí sản xuất cụ thể hơn. Daily Finance cũng so sánh khá chua chát khi cho rằng hương liệu 'đổ' vào 1 chiếc bình xịt nước hoa có giá không bằng 1 cốc café cappuccino.


Đồ họa: Thùy Phương. Nguồn: Daily Finance.

Đồ họa: Thùy Phương. Nguồn: Daily Finance.

Nhưng, ở góc độ giá trị thương hiệu, khách hàng hoàn toàn hài lòng khi bỏ một số tiền lớn mua những sản phẩm nói trên. Đấy là lý do có những thương hiệu nước hoa tồn tại đến cả trăm năm.

“Louis Vuitton không bán túi, họ bán cho bạn đẳng cấp xã hội. Chanel không bán nước hoa, họ bán cho bạn sự lôi cuốn”, GS. Vinh nói.

“Những thương hiệu nước hoa có thể sống hàng trăm năm không phải nhờ mùi nước hoa đơn thuần, mà nó nằm trong chính tên thương hiệu mà doanh nghiệp đã xây dựng nên”, vị chuyên gia trên cho biết. “Để khi bạn mua một chai nước hoa đó, tức là bạn đang mua sự hấp dẫn, mua sự tinh tế, mua một cái gì đó thể hiện bản thân mình”.

DN nước ngoài lo xây thương hiệu, DN Việt lo lợi nhuận

“Thương hiệu mạnh mang lại một giá trị cạnh tranh cực lớn, có khả năng ngăn các đối thủ cạnh tranh bước vào thị trường của bạn”, ông Nguyễn Đình Toàn - Giám đốc Marketing của Công ty Masan Beverage cho biết tại sự kiện Vietnam Brand Matters tuần trước.

Tuy nhiên, trong khi các công ty toàn cầu lấy thương hiệu làm chính yếu thì doanh nghiệp Việt đang lấy lợi nhuận kinh doanh làm định hướng.

“Knorr 15 năm tại Việt Nam chấp nhận lỗ - chuyện không thể có ở các công ty Việt Nam”, ông Toàn nói.

“Thường khi gia nhập thị trường, các công ty Việt Nam chơi một trò chơi rất đơn giản dù đôi lúc trò này cũng tỏ ra hiệu quả: Bán giá rẻ. Nhưng giá rẻ chỉ tồn tại được một thời gian. Nhưng nếu có ước muốn xây dựng một thương hiệu mạnh, chiến lược này lại rất nguy hiểm”.

“Trong marketing, luôn tồn tại những sản phẩm giá rẻ. Nhưng ngay cả hàng giá rẻ, bạn cũng phải khác biệt”.

Nguyên Bảo

Cùng chuyên mục
XEM