Thương hiệu Việt trong vòng xoáy thâu tóm

29/03/2016 07:31 AM | Kinh doanh

Một số tìm "nơi trú ngụ” ở thị trường nông thôn, một số đang chịu sức ép lớn từ các đối thủ ngoại, đó là tình trạng của nhiều thương hiệu Việt khi nền kinh tế càng hội nhập sâu với thế giới.

Nhiều thương hiệu dần thuộc về nhà đầu tư Thái

Trả lời phóng viên về đặc trưng của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong hai năm trở lại đây, ông Đỗ Nhất Hoàng Cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), cho rằng, nhà đầu tư (NĐT) Thái Lan và cả NĐT nước ngoài tại Thái rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, đặc biệt kể từ khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành (cuối năm 2015).

Sự dịch chuyển sang Việt Nam của các NĐT Thái Lan bắt từ năm 2014, chủ yếu thông qua hình thức mua bán - sáp nhập (M&A). Không ít thương hiệu đứng đầu ngành công nghiệp, bán lẻ của Việt Nam dần được kiểm soát bởi NĐT Thái.

Theo thống kê của StoxPlus, năm 2015, sau bất động sản, ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 về M&A (khu vực NĐT nước ngoài thâu tóm thương hiệu trong nước) với 17 thương vụ, đạt giá trị 178,18 triệu USD.

Đáng chú ý với ngành sản xuất bao bì, thông qua công ty con là TC Flexible Packaging Co., Ltd, Tập đoàn SCG của Thái Lan đã chi hơn 44 triệu USD để sở hữu 80% cổ phần của Công ty CP Bao bì Tín Thành, một trong 5 nhà sản xuất bao bì lớn nhất Việt Nam, với thương hiệu Batico, có hơn 20 năm hoạt động và thị phần rải đều cả nước lẫn xuất khẩu sang Úc, Mỹ, các quốc gia châu Á...

Đó chưa phải là lần đầu tiên doanh nghiệp (DN) Thái Lan "nhòm ngó” các thương hiệu mạnh của Việt Nam. Trước khi đến với Tín Thành, SCG đã là cổ đông lớn tại Công ty CP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) thông qua công ty con là The Nawaplastic Industries Co., Ltd.

Bà Nguyễn Thị Kim Yến, Phó tổng giám đốc Công ty Nhựa Bình Minh, cho biết, trong hơn 38 năm hoạt động, Nhựa Bình Minh vẫn giữ được thị phần đa số trong thị trường ống nhựa Việt Nam (với hơn 1.200 cửa hàng phân phối, tính đến cuối năm 2014).

Đồng thời, sau 11 năm cổ phần hóa, Nhựa Bình Minh đã mở rộng sản xuất với việc sở hữu hơn 200.000m2 nhà xưởng thuộc 4 nhà máy tại Hưng Yên, Bình Dương, TP.HCM và Long An. Trong đó, nhà máy ở Long An với quy mô 160.000m2 là nhà máy trang bị dây chuyền công nghệ hiện đại bậc nhất khu vực.

Hiện, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang nắm 29% vốn điều lệ của Nhựa Bình Minh. Đại diện Nhựa Bình Minh cho biết, với chủ trương nới room cho NĐT nước ngoài, đối tác ngoại trong HĐQT của Công ty bày tỏ mong muốn được sở hữu 100% cổ phần của Nhựa Bình Minh.

Từ đầu năm 2015 đến nay, Tập đoàn bán lẻ hơn 90 năm tuổi từ Thái Lan là Central Group đã thực hiện nhiều thương vụ thâu tóm DN Việt. Điển hình, đầu năm 2015, Power Buy, trực thuộc Central Group, đã mua 49% cổ phần của Công ty CP Đầu tư Phát triển công nghệ và Giải pháp mới (NKT).

NKT là đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ điện máy Nguyễn Kim, thương hiệu luôn nằm trong top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời, dẫn đầu thị phần phân phối điện máy trong nước với khoảng 21 siêu thị (từ thời điểm thành lập 2001 đến lúc Central Group thực hiện M&A).

Điều đáng chú ý, những DN mà NĐT Thái "mạnh tay" thâu tóm không chỉ dẫn đầu trong chính lĩnh vực họ kinh doanh mà còn có hệ thống phân phối vững mạnh.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, đầu tư của NĐT Thái Lan vào Việt Nam thể hiện rõ hai xu hướng: hoặc là tạo ra sản phẩm nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu, đã có cơ sở sản xuất ở Thái Lan nhưng muốn dịch chuyển sang Việt Nam nhằm giảm thiểu chi phí, hoặc là những DN thuộc nhóm ngành hàng thiết yếu, sang Việt Nam để mở rộng kinh doanh lẫn thị trường tiêu thụ.

"Giải cứu" thương hiệu Việt

Không chỉ sản xuất công nghiệp, trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), Việt Nam cũng sở hữu nhiều thương hiệu mang giá trị truyền thống và cả tiềm năng để phát triển.

Song, ngoại trừ Vinamik, sau hơn 40 năm phát triển và 10 năm niêm yết trên sàn chứng khoán vẫn giữ được vị thế nhà sản suất sữa lớn nhất Việt Nam với 50% thị phần (trong chiến lược kinh doanh, Vinamilk đặt mục tiêu trở thành 50 công ty sữa lớn nhất trên thế giới và đạt doanh số 3 tỷ USD vào năm 2017), các thương hiệu như mì Miliket, kem đánh răng Dạ Lan... đều bị "lép vế” trước các NĐT ngoại.

Chẳng hạn, Miliket, vốn được xem là thương hiệu độc quyền trên thị trường mì gói vào thập niên 1970 - 1980 nhưng mấy năm gần đây, vị trí dẫn đầu đã thuộc về NĐT Nhật Bản - Vina Acecook (50% thị phần).

Nhìn sang Thái Lan, dù họ mở cửa thị trường sớm hơn Việt Nam nhưng thương hiệu mì MAMA của Công ty Thai President Foods PCL (có từ năm 1972) vẫn chiếm lĩnh thị trường trong nước với 53% thị phần.

Hiện nay, mì gói MAMA của người Thái đã mở rộng sản xuất ở Myanmar, Campuchia, Hungary và sản phẩm đã bán tại nhiều nước châu Âu, với mức tăng trưởng doanh số hàng năm từ 10 - 20%.

Để thương hiệu mang tính toàn cầu, họ chủ yếu tung hàng hóa vào các kênh phân phối lớn, trong đó có Tesco, một trong 10 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới.

Với ngành hàng FMCG, để tăng độ phủ và doanh số, bên cạnh chính sách liên kết chặt chẽ giữa kênh phân phối hiện đại lẫn truyền thống, chiết khấu, khuyến mãi, DN thường dành ngân sách khá lớn cho quảng bá, truyền thông nhưng Miliket lại chủ yếu bán hàng thông qua kênh hàng Việt về nông thôn, chợ đầu mối, đại lý...

Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến lượng tiêu thụ mì Miliket chỉ đạt 3%, dù độ nhận biết về thương hiệu của người tiêu dùng trên 50% (theo DI Marketing, tỷ lệ này ở thương hiệu mì Hảo Hảo của Vina Acecook là 34% và 84%).

Theo danh sách 100 công ty có giá trị nhất Đông Nam Á 2015 do Tạp chí Nikkei Asian Review (Nhật Bản) bầu chọn, trong khi Việt Nam chỉ có 5 đại diện (Vinamilk là công ty có vốn hóa lớn nhất, với hơn 6,6 tỷ USD) thì cả Singapore, Indonesia và Thái Lan dẫn đầu với 25 công ty, Philippines và Malaysia chia đều với 22 đại diện mỗi quốc gia.

Những công ty có giá trị này không chỉ được nhìn nhận ở khía cạnh kinh doanh, mà còn sở hữu tài sản vô hình nhưng quý giá, đó là thương hiệu mạnh của quốc gia, có sức đề kháng tốt...

Một chuyên gia tư vấn quốc tế cho nhiều thương hiệu nước ngoài vào Việt Nam lẫn đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới cho rằng, để có được thương hiệu mạnh, trước hết, bản thân DN phải thay đổi tư duy kinh doanh, không thể giữ mãi cách làm cũ.

Và để có được "đội ngũ thương hiệu quốc gia", cơ quan quản lý nhà nước phải đồng hành và tạo điều kiện cho DN, trong đó có nguồn vốn giá rẻ và tiếp cận thị trường nhanh. Điều này thì người Nhật, Hàn Quốc, Singapore làm khá tốt.

Theo NGUYÊN BẢO - HẢI ÂU

Cùng chuyên mục
XEM