Người giàu chọn thương hiệu, người thông minh chọn chất liệu

22/03/2016 19:07 PM | Sống

Việc đầu tư cho bộ suit Savile Row Bespoke, mặc dù “đắt xắt ra miếng” nhưng vẫn khá tốn kém. Tuy nhiên, thay vì đầu tư vào những bộ suit hàng thửa của Anh Quốc, doanh nhân có thể đầu tư vào những bộ suit may đo trong nước, nhưng được may bằng chất liệu thực sự cao cấp!

Một bộ suit hàng thửa (bespoke) của những thương hiệu Anh Quốc ở Savile Row như Gieves & Hawkes hay Dunhill là ước mơ với không chỉ những doanh nhân trẻ thành đạt, mà ngay cả với các doanh nhân đứng tuổi, đây cũng là thứ trang phục khiến họ khao khát và mong muốn.

Nói là ước mơ bởi giá của một bộ suit may bằng chất liệu tốt của những nhà may này không hề rẻ, thường có giá khởi điểm khoảng trên 4.500 bảng. Nhưng đó mới là giá khởi điểm, tùy thuộc chất liệu lựa chọn mà mức giá này có thể tăng lên nhiều lần (chứ không hề có giảm đi).

Nếu trong lĩnh vực thời trang nữ giới, đỉnh cao là Haute Couture; với thời trang nam giới, đỉnh cao thực sự lại là Bespoke. Một số hãng thời trang nam giới của Ý, giới thiệu một dịch vụ cũng rất đẳng cấp là Su Misura.

Ngay cả một bộ suit Made-to-Measure của một thương hiệu ở Savile Row như Gieves & Hawkes cũng có giá khởi điểm cả trên ngàn bảng. Và dù Gieves & Hawkes đã có đồ may sẵn (Ready – To – Wear) với mức giá phù hợp hơn nhưng dù vậy, nó vẫn khá cao so với các doanh nhân vừa khởi nghiệp.

Không thể phủ nhận tay nghề may đo siêu việt của các thợ may đo thủ công của Anh Quốc nhưng với giá khoảng 150 triệu/bộ suit thì đây không hề là một con số nhỏ.

Bản thân tôi làm trong ngành ngân hàng, mới thấy, chỉ các doanh nhân hay các banker thuộc hàng “thứ dữ” mới có thể chi trả cho “thú vui” với đồ bespoke của các thương hiệu ở Savile Row.


Chất liệu yêu thích của tôi là của nhà dệt vải cao cấp Dormeuil!

Chất liệu yêu thích của tôi là của nhà dệt vải cao cấp Dormeuil!

Thực tế, khi nhìn vào một bộ suit, rất ít người có thể nói đây là đồ suit của hãng nào. (Sự lịch lãm của đàn ông vốn không đi cùng với những logo – đặc biệt là trên những bộ đồ quan trọng như đồ suit, vậy nên đừng hi vọng tìm thấy các nhãn mác ở những bộ trang phục này.)

Thay vào đó, người ta sẽ thường chỉ đánh giá dựa trên các chi tiết, độ fit (độ vừa vặn). và cuối cùng trên tất cả, người ta sẽ nhìn vào chất liệu để đánh giá bộ đồ suit đó có “đủ chất” hay không.

Một nguyên tắc quan trọng khi mua đồ suit là bạn cần phải cắt tag thương hiệu (như trong hình dưới, người đàn ông đã sai quy cách khi cố tình khoe mác Tommy Hilfiger) được đính trên cổ tay áo khoác.

Tạp chí GQ dành cho đàn ông đã nhấn mạnh rằng, thương hiệu là bí mật giữa bạn và người may đồ suit.

Đây chính là lúc bạn phải ra quyết định khó khăn hoặc là chọn suit may đo cao cấp của Savile Row (và nó sẽ khiến tài khoản ngân hàng của bạn bốc hơi không ít, nếu không nói là khánh kiệt bởi chẳng lẽ bạn chỉ định có một bộ suit?).

Hoặc bạn chọn một bộ đồ suit được may bằng chất liệu của những nhà may nội địa nhưng sử dụng vải của các thương hiệu cao cấp như Zegna, Loro Piana, hoặc Dormeuil. Chi phí sẽ giảm đi rất nhiều.

Một nhà phân phối thời trang cao cấp Việt Nam năm rồi cũng chào mời các vị khách đẳng cấp dịch vụ bespoke do các nghệ nhân may đo người Sing thực hiện với chất liệu vải của hãng Loro Piana. Giá của mỗi bộ suit này ở mức khởi điểm vào khoảng $3.000 – nghĩa là vẫn cao nhưng đã giảm đi không ít so với mức 4.500 bảng.

Hãy nên quan tâm tới chất liệu vải trước khi bạn quan tâm tới thương hiệu. Bởi chất liệu chính là điều đầu tiên giúp bạn có được một bộ suit hoàn hảo!

Dễ hiểu bởi chi phí may đo của những nghệ nhân người Singapore sẽ cao hơn nhiều so với các thợ may của Việt Nam. Nên, gợi ý của tôi là nếu bạn vẫn muốn tiết kiệm, bạn có thể tìm tới các nhà may đo nội địa như Xuân Lê, Cao Minh, HQ-Empire đang có dịch vụ may đo suit với các loại vải như Loro Piana, Zegna, Dormeuil và nhờ thực hiện những bộ suit như mong muốn.

Cần nhớ, việc có thể cung cấp loại vải cao cấp và chất lượng cũng là một trong những tiêu chí đánh giá đẳng cấp của những nhà may nội địa. Bởi không phải thương hiệu nào cũng có thể và đủ dũng cảm xử lý những chất liệu vải nhập ngoại từ những cái tên như Zegna hay Dormeuil.

Đó là chưa kể việc nhập những loại vải này về cũng không hề dễ dàng gì.

Bí mật từ mép vải

Hệ thống phân loại chất liệu vải này có từ khoảng thế kỷ 18 và được dùng để thể hiện chất lượng của một cây vải.

Vào thời đó, những sợi chỉ tơ dệt vải thường được cuộn thành những cuộn dài khoảng 560 yard (khoảng 512m) và được gọi là một con sợi. Hệ thống S cho biết có bao nhiêu con sợi/pound (0,4kg) len.

Chẳng hạn loại vải 180s là loại vải được dệt từ loại sợi rất mảnh khi chỉ 0,4kg len nhưng có tới 180 con sợi. Như vậy,nếu đem nối sợi từ các con sợi lại với nhau, bạn sẽ có một sợi chỉ dài 92,6km. Còn nếu tính theo đơn vị kg như cách chúng ta vẫn thường tính, 180s là loại vải được dệt từ loại sợi mà cứ 01kg len có thể kéo dài thành một sợi chỉ dài 230km.

Vải được dệt từ loại sợi càng mảnh mặc sẽ càng thích bởi nó xốp, mát, thoáng khí, không bị nóng, rất nhẹ.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói với công nghệ mới việc có được loại sợi mảnh như 180s hay thậm chí là trên 200s không còn điều khó khăn nữa. Chỉ có những thương hiệu dệt thực sự nổi tiếng mới có thể dệt ra những tấm vải chất lượng. Tất nhiên, vải chất lượng đồng nghĩa với việc bộ suit may cũng chất lượng và rất đắt tiền.

Đỗ Quang Vinh

Cùng chuyên mục
XEM