Thương chiến Mỹ - Trung leo thang: Doanh nghiệp Việt lo bị vạ lây
Các doanh nghiệp Việt bắt đầu lo ngại và tìm cách ứng phó với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tăng nhiệt.
Ngày 14-5, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết đang theo dõi sát tình hình cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc và bắt đầu bày tỏ lo ngại tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ.
Lo thiếu nguyên liệu từ Trung Quốc
Ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Argex Sài Gòn, cho biết động thái Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc, đồng thời cảnh báo có thể áp thuế thêm hơn 300 tỉ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc. Ngay lúc đó, Trung Quốc cũng thông báo nâng thuế với hàng ngàn sản phẩm hàng hóa của Mỹ từ ngày 1-6... khiến các DN Việt không thể ngồi yên được nữa. Argex Sài Gòn xuất khẩu thực phẩm, thủy sản chế biến sang Mỹ, lại nhập khẩu một số nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc (dù không nhiều) nên càng quan tâm tình hình thương chiến.
Có nhiều thách thức về hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu mà doanh nghiệp Việt phải đối mặt trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong ảnh: Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cát Lái, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
"Đồng nhân dân tệ giảm giá liên tục những ngày qua, USD tăng giá trên thị trường quốc tế và tỉ giá USD/VNĐ biến động đều ảnh hưởng tới các DN xuất nhập khẩu. Dù DN xuất khẩu hưởng lợi nhờ tỉ giá USD/VNĐ tăng nhưng nếu tỉ giá tăng cao, nhà nhập khẩu ở nước ngoài sẽ phải nhập giá cao, khó bán cho người tiêu dùng, khi đó DN Việt Nam cũng bị ảnh hưởng" - ông Phạm Hải Long phân tích.
Do đó, điều quan trọng lúc này là các DN kiến nghị nhà nước cần có chính sách ổn định tỉ giá, không để biến động quá mạnh.
Ông Phạm Xuân Trình, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Phong Phú, thừa nhận ngành dệt may đã chịu những ảnh hưởng nhất định từ diễn biến leo thang của cuộc chiến thương mại này. Cụ thể, DN dệt may nhập khẩu bông để sản xuất sợi cotton xuất khẩu, trong đó có thị trường Trung Quốc. Hiện giá bông nhập khẩu đã giảm gần 10% so với 2 tuần trước, khiến những DN đặt hàng trước đó gặp khó dù hàng chưa về đến cảng. Hàng dệt may Trung Quốc bị đánh thuế cao vào Mỹ sẽ giảm xuất khẩu, khi đó cũng tác động làm giảm nhu cầu nhập khẩu sợi cotton từ Việt Nam.
"Ai cũng nghĩ từ cuộc chiến thương mại này, hàng dệt may từ Trung Quốc qua Mỹ bị đánh thuế cao giúp Việt Nam và các nước khác hưởng lợi. Nhưng nhìn ở góc độ khác, DN Trung Quốc sẽ dịch chuyển sang Việt Nam và các nước trong khu vực để né thuế, khi đó DN Việt sẽ phải cạnh tranh về nguồn lao động" - ông Phạm Xuân Trình nói.
Quan trọng nhất, theo các DN dệt may, da giày, là Trung Quốc đang nắm thị phần lớn về cung cấp nguyên phụ liệu cho DN Việt. Nay, nếu không xuất được qua Mỹ, DN Trung Quốc sẽ thu hẹp sản xuất, chỉ cung cấp nguyên liệu cho nhu cầu trong nước, DN Việt sẽ gặp khó. Sản lượng toàn cầu giảm cũng tác động đến DN trong nước…
"Lúc này, vấn đề nội lực của DN trong nước sẽ quyết định bài toán cạnh tranh. Nếu không chủ động được nguồn nguyên liệu, rất khó để DN dệt may cạnh tranh. Riêng ở Phong Phú, DN có lợi thế lâu nay vẫn sản xuất từ kéo sợi, có nguyên liệu, sản xuất ra sản phẩm bán cả trong nước và xuất khẩu nên chưa thấy quá khó khăn. Nhưng để hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại này cần thêm thời gian khi các DN Mỹ hoặc Trung Quốc có nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp mới để né cuộc chiến" - ông Phạm Xuân Trình phân tích thêm.
Thận trọng chọn lọc vốn FDI
Trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư để né chiến tranh thương mại, Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) Trung Quốc, nhờ triển vọng tăng trưởng kinh tế cao, môi trường kinh doanh đang cải thiện, chi phí cạnh tranh… Khảo sát gần đây của Hiệp hội DN Mỹ (Amcham) tại Trung Quốc và một số khảo sát khác cho thấy, ít nhất 30% DN Mỹ và gần 50% DN các quốc gia khác tại Trung Quốc đang có ý định dịch chuyển đầu tư sang Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Thực tế, một số DN Trung Quốc đã và đang chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam, như trường hợp Công ty Sintai Furniture chuyên sản xuất bàn ghế nội thất của Trung Quốc đang chuyển 20% hoạt động sản xuất sang Việt Nam để tránh thuế của Mỹ. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy 4 tháng đầu năm, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 187 dự án, tổng vốn đăng ký cấp mới 1,31 tỉ USD và vốn đăng ký điều chỉnh thêm 116 triệu USD. Theo các chuyên gia, vốn FDI dịch chuyển sang Việt Nam là tín hiệu tốt và cũng là cơ hội để cơ quan quản lý chọn lọc dự án đầu tư, hướng đến các dự án có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, không ô nhiễm môi trường…
Dưới góc nhìn của DN, động thái dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam khiến DN trong nước đang bị cạnh tranh gay gắt về nguồn lao động. Có DN Trung Quốc vừa mới thành lập, chưa hoạt động đã đăng thông báo tuyển dụng 10.000 lao động.
Một mối lo khác của nhiều DN xuất khẩu dệt may, da giày, sắt thép là các hoạt động sản xuất hàng Trung Quốc ở Việt Nam rồi gắn mác "made in Việt Nam" xuất qua Mỹ để tránh xuất xứ. Thực tế đã có trường hợp bị phát hiện hàng giả hoặc giày dép ở khu vực biên giới đóng mác "made in Việt Nam" rồi xuất ra nước ngoài. Lúc này, DN cần sự hỗ trợ, vào cuộc của cơ quan quản lý nhằm bảo vệ hàng Việt. Về lâu dài, nếu không có hàng rào phòng vệ thương mại, quản lý thị trường sẽ ảnh hưởng đến những DN xuất khẩu làm ăn chân chính.
Nhiều DN cho rằng thương chiến Mỹ - Trung đã kéo dài gần 1 năm nhưng thời gian qua DN Việt chưa được hỗ trợ thông tin đầy đủ trong tìm kiếm các giải pháp ứng phó. Do đó, họ kiến nghị nhà nước cần thông tin nhanh, kịp thời các chính sách để giúp DN nắm bắt kịp thời, tránh nguy cơ thiệt hại từ cuộc chiến thương mại này.
Ông PHẠM NGỌC HƯNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM:
Liên kết để tận dụng, khai thác tốt cơ hội
Ở góc độ khách quan, thương chiến Mỹ - Trung leo thang, Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn. Trước tiên là lợi ích xuất khẩu, xu hướng DN Trung Quốc và nhà đầu tư các nước dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các thị trường, trong đó có Việt Nam sẽ tạo thuận lợi cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực tại Việt Nam. Có thể dự đoán được thời gian tới, bất động sản công nghiệp sẽ phát triển tốt, bất động sản thương mại có cơ hội tăng trưởng thêm, nhu cầu sử dụng lao động tăng cao, DN lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có thêm nhiều khách hàng tiềm năng là những nhà sản xuất lớn… Vấn đề là làm sao tận dụng, khai thác tốt những thuận lợi này, kết nối giữa DN trong nước và nhà đầu tư nước ngoài nhằm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, hàng xuất khẩu Việt Nam.
Lo ngại lớn nhất hiện nay đối với nhiều DN là hàng Trung Quốc "đội lốt" Việt Nam để xuất sang Mỹ. Nếu tình trạng này không được kiểm soát chặt, phía Mỹ phát hiện và trừng phạt thì chúng ta sẽ thiệt hại lớn. Tuy nhiên, DN không có cách gì để phòng ngừa rủi ro bởi trách nhiệm "gác cửa", kiểm soát là của cơ quan nhà nước. Điều DN có thể làm được ngay lúc này là xây dựng chính sách phát triển phù hợp, có chiến lược giữ chân lao động, đặc biệt là lao động tay nghề cao để cạnh tranh với DN ngoại.
Ông NGUYỄN QUỐC KHANH, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM:
Lên kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp
Để tránh tác động từ cuộc chiến thương mại, thời gian qua nhiều DN Trung Quốc đã đối phó bằng cách dịch chuyển sang Việt Nam đầu tư. DN trong nước còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm nên bị cạnh tranh về nhiều mặt, từ giá cả, lao động, nhân sự kể cả mặt bằng... Hiện hiệp hội đã có kế hoạch giúp đỡ DN gỗ trong nước theo hướng phát triển bền vững từ việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho DN, quảng bá thương hiệu gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế, tìm kiếm đối tác khách hàng ở các thị trường…
N.Hải - T.Nhân