Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương giải trình trách nhiệm tại các tập đoàn Nhà nước, các dự án thua lỗ

14/11/2016 14:35 PM | Xã hội

Ngày 14/11, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra Bộ Công Thương về tình hình triển khai các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và yêu cầu làm rõ 8 vấn đề còn khúc mắc.

Dẫn đầu tổ công tác là Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. Kết quả thống kê cho thấy, từ đầu năm tới ngày 5/11, Bộ Công Thương đã được giao 486 nhiệm vụ, đã hoàn thành 286 nhiệm vụ (trong đó đúng hạn 222, quá hạn 64); còn 187 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong hạn, 13 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn.

Tổ trưởng Tổ công tác yêu cầu Bộ Công Thương giải trình 13 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành (nêu rõ nguyên nhân, những khó khăn vướng mắc và thời gian dự kiến hoàn thành).

Ngoài ra, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương làm rõ, giải trình và báo cáo lại Thủ tướng 8 vấn đề sau:

1. Tái cơ cấu bộ máy cồng kềnh

Hiện Bộ có 30 vụ, cục, 32 trường đại học, cao đẳng, 11 tập đoàn, tổng công ty, với số lượng cán bộ, công chức, người lao động rất lớn.

Vừa qua, các cơ quan cũng đã kiểm tra công tác tiếp nhận, sử dụng, đề bạt, điều động, luân chuyển cán bộ ở Bộ Công Thương. Công tác cán bộ có vấn đề, Bộ cần nghiêm túc xem xét, rút kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước.

Thủ tướng cũng nhắc nhở khi cử tham tán thương mại ở nước ngoài phải chọn cán bộ bảo đảm tiêu chuẩn.

"Một nhiệm vụ lớn như thế, một vị trí quan trọng như vậy thì phải lựa chọn cán bộ đủ tiêu chuẩn, nếu sang đó quan tâm việc riêng hơn việc chung thì không ổn", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt.

2. Hiệu quả hoạt động của các dự án lớn

Dư luận rất quan tâm tới hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty lớn của Bộ Công Thương, nhất là một số dự án thua lỗ.

Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, chủ đầu tư với các dự án thua lỗ này ra sao, khi thẩm định, thẩm tra, phê duyệt chủ trương, đề xuất?

Phương án xử lý, tháo gỡ, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn Nhà nước thế nào?

3. Phản ứng chính sách và xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam

Bộ phải khẩn trương đề xuất giải pháp về các vấn đề: Tại sao than trong nước tồn đọng lớn như vậy mà vẫn phải nhập khẩu? Xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam như gạo, cà phê ra sao? Các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm dần vị trí của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam?

4. Đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước

Tinh thần của Thủ tướng là Chính phủ không bán bia, bán sữa, thoái vốn đề thu hút nguồn lực từ người dân, nhà đầu tư nước ngoài. Bộ cần quyết tâm thực hiện lộ trình thoái vốn càng sớm càng tốt.

5. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Bộ cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải cách, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, khởi nghiệp cho doanh nghiệp phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về thị trường, vốn…

6. Đẩy mạnh công tác quản lý thị trường

Bộ cần hết sức quan tâm công tác quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, đặc biệt bán hàng đa cấp.

7. Xử lý vấn đề môi trường liên quan tới các dự án nhiệt điện, thủy điện

Bộ cần hết sức quan tâm xử lý sớm những băn khoăn của người dân địa phương khi phát triển thủy điện. Tương tự là vấn đề ô nhiễm tại các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Duyên Hải, việc cấp phép xả thải tại các dự án như Formosa, cấp phép cho dự án thép ở Cà Ná..

8. Chiến lược phát triển năng lượng

Trong bối cảnh hiện nay, không để thiếu điện cho miền Nam, cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước.

M.Lan

Cùng chuyên mục
XEM