Thủ tướng chỉ đạo không để "ngáo đá" gây nguy hiểm cho bà con

24/12/2016 09:57 AM | Xã hội

“Một gia đình có một người nghiện thì cả nhà đó sẽ nghèo, khổ cực lắm. Chúng ta cần nhận thức rõ điều này để có quyết tâm mạnh mẽ, chứ không phải vì công to, việc lớn mà bỏ qua những việc rất cụ thể này”.

Đây là chia sẻ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống ma túy và cai nghiện ma túy diễn ra chiều qua (23/12).

Theo Thủ tướng, tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy là một vấn đề bức xúc của xã hội, gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, cả hệ thống chính trị, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội phải kiên quyết đấu tranh, phòng chống và đẩy lùi, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, để đem lại hạnh phúc, chất lượng giống nòi.

Cần coi công tác phòng chống ma túy là của toàn dân, coi nghiện ma túy là bệnh cần được chữa trị. Từng địa phương cần có dự toán ngân sách cũng như tìm các nguồn lực hợp pháp khác phục vụ công tác này.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, cần thực hiện tốt mảng công tác quan trọng này, chứ không chỉ coi trọng kinh tế. “Một gia đình có một người nghiện thì cả nhà đó sẽ nghèo, khổ cực lắm. Chúng ta cần nhận thức rõ điều này để có quyết tâm mạnh mẽ, chứ không phải vì công to, việc lớn mà bỏ qua những việc rất cụ thể này”, Thủ tướng cho hay.

Cả nước hơn 210.000 người nghiện

Theo báo cáo của Bộ Công an, trên tuyến biên giới Tây Bắc và Bắc miền Trung, các lực lượng chức năng thường xuyên phát hiện các đường dây vận chuyển ma túy vào nội địa với số lượng lớn. Đáng chú ý là tình trạng vận chuyển ma túy tổng hợp từ Lào về Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2015.

Tình hình mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp dạng “đá” tiếp tục tăng. Trong khi đó, Hà Nội chiếm 55,8% tổng số vụ ma túy tổng hợp bị bắt. Ngoài ra, việc mua bán một số chất hướng thần nguy hại như “Cỏ Mỹ”, “Nước vui”, “Tem giấy”, “Bùa lưỡi”… gia tăng ở nhiều địa phương.

Số người nghiện ma túy tăng gần 20%/năm

Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cả nước có 210.751 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 10.617 người so với năm 2015.

Có thể thấy, việc quản lý người nghiện, người sử dụng ma túy tổng hợp, đặc biệt đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện “ngáo đá” (hành vi loạn thần, hoang tưởng) chưa có giải pháp hiệu quả.

Trong 3 năm 2014-2016, cả nước chỉ tổ chức cai nghiện cho 66.552 lượt học viên.

Địa phương phải nắm danh sách đối tượng "ngáo đá"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho từng Bộ, cơ quan ngành, địa phương trong công tác đẩy lùi tệ nạn ma túy.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phải tiếp tục tìm nguồn, bố trí bổ sung có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả cho công tác phòng, chống ma túy.

Bộ Công an và các lực lượng chức năng phải tăng cường tấn công trấn áp tội phạm ma túy. Tổng kết vụ án sản xuất ma túy đá ở Hà Nội để đưa ra phương thức đấu tranh cụ thể. Truy tố, xét xử nghiêm các đối tượng cầm đầu.

Bộ Y tế kiểm soát các chất ma túy và tiền chất ma túy, đẩy nhanh việc nghiên cứu, triển khai ứng dụng các phương pháp điều trị những rối loạn do sử dụng, nghiện ma túy tổng hợp để kiểm soát ngáo đá, gây hậu quả xấu cho xã hội.

Bộ Y tế, Bộ Công an tăng cường điều trị Methadone trong cộng đồng, trong trại giam.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội mở rộng cai nghiện tại cộng đồng bằng các loại thuốc của Việt Nam đã sản xuất được và đã được cấp phép như thuốc Cedemex.

Tòa án nhân dân các cấp xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật để răn de tội phạm ma túy.

Các cơ quan truyền thông báo chí cần có các bài viết, chuyên mục, chuyên trang, video clip để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về vấn đề này.

UBND các tỉnh, thành phố phải hoàn thành việc chuyển đổi các Trung tâm chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội thành các cơ sở điều trị nghiện, chậm nhất là quý I/2017.

Trước việc xảy ra một số vụ án giết người đau thương do "ngáo đá" thời gian qua, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải nắm danh sách đối tượng "ngáo đá", không để nguy hiểm cho bà con.

M.Lan

Cùng chuyên mục
XEM