Thống kê cho thấy, gia đình có người "rời quê lên Hà Nội, TPHCM làm ăn" giàu có hơn và cuộc sống tốt hơn

10/05/2017 11:31 AM | Kinh tế vĩ mô

Báo cáo của UNU - WIDER đã phần nào vẽ lên bức tranh thu nhập của các hộ gia đình có con em, người thân trong gia đình rời quê hương để đến các đô thị lớn Hà Nội, TPHCM để học tập, làm việc

Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, những cuộc ‘di cư’ từ vùng này tới vùng khác, tỉnh này đến tỉnh, thành phố khác có lẽ không thể kể hết.

Theo số liệu của Tổng điều tra dân số năm 2009 thì giai đoạn 2004 – 2009, trên toàn Việt Nam có tổng cộng 6,6 triệu người di cư trong nội địa (rời quê lên thành phố sống, vào Nam làm ăn sinh sống, ra Bắc học tập…). Đồng thời, người ta cũng dự đoán rằng chỉ 2 năm nữa (2019), số người di cư nội địa “không được kế hoạch” sẽ chiếm đến 6,4% tổng dân số - bằng dân số cả một thành phố lớn.

Xa quê để làm gì?

Mới đây, Viện Nghiên cứu thế giới về Kinh tế Phát triển của Đại học Liên Hợp Quốc (UNU – WIDER), trực thuộc Liên Hợp Quốc đã công bố một báo cáo mang tên ‘Tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu và thay đổi ở nông thôn Việt Nam’, khắc họa lại những thay đổi lớn lao của nông thôn Việt Nam trong mấy chục năm qua, bao gồm cả vấn đề di cư.

Từ đây, một bức tranh toàn cảnh về câu chuyện ‘lên thành phố sống’ ở Việt Nam đã được mô tả rất rõ nét. Dưới đây là những thống kê cho thấy với những hộ gia đình có người ‘rời quê hương lên thành phố sống’, họ đã trở nên giàu có hơn hẳn so với trước kia:

Báo cáo nhắc lại số liệu từ cuộc điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2004 rằng có tới gần 89% số hộ gia đình có người rời quê hương đi thì nhận được tiền gửi về. Đây là một nguồn tài chính chủ yếu giúp các hộ gia đình này chi trả các khoản chi hàng ngày như cho giáo dục hoặc y tế.

Bằng những thủ thuật trong thống kê, UNU – WIDER với bộ số liệu trong 2 năm 2012 và 2014 đã chia các hộ gia đình trong các tỉnh thành 5 nhóm theo xếp hạng về mức thu nhập cao hay thấp (ngũ phân vị chi tiêu).

Từ đó, các số liệu đều thể hiện rằng chính nhóm các gia đình có thu nhập cao nhất cũng chính là nhóm các gia đình có nhiều người di cư nhất.


Báo cáo của UNU - WIDER.

Báo cáo của UNU - WIDER.

Năm 2012, nhìn chung trên cả nước thì trong nhóm các hộ gia đình giàu có nhất, có tới 29% số hộ là có người di cư và 30% số hộ có người di cư vì mục đích lao động. Tỷ lệ này bỏ xa các hộ gia đình có mức thu nhập thấp hơn (nhóm thu nhập cao thứ 4 chỉ có 19% số hộ là có người di cư và gần 17% số hộ có người di cư vì mục đích lao động).

Sang đến năm 2014, tỷ lệ của nhóm những hộ gia đình giàu có nhất thậm chí còn tăng lên so với 2 năm trước và tiếp tục bỏ xa các nhóm thu nhập còn lại.

Điều này, dù chưa rõ ràng, nhưng cũng giúp chúng ta hiểu được mối tương quan: các hộ gia đình có người rời bỏ quê hương thì sẽ trở nên giàu có hơn sau đó.

Có người xa xứ, nhà giàu hơn hàng xóm?

Trong Bảng 7.6 về đặc điểm của các hộ gia đình theo tình trạng di cư trong báo cáo, chúng ta có thể tìm được một so sánh có ý nghĩa giữa các hộ gia đình có người rời quê hương mà đi và các hộ gia đình không có.

Năm 2012, thống kê cho thấy với những hộ gia đình có 1 người đã di cư thì thu nhập họ đạt được trong một tháng là 2,27 triệu đồng.

Trong khi đó, với những hộ gia đình không có người di cư, thu nhập này chỉ là 1,82 triệu đồng, thấp hơn 1,2 lần so với những hộ có người di cư. Đến năm 2014, câu chuyện tương tự vẫn xảy ra khi mà thu nhập của những hộ có người di cư là gần 2,5 triệu đồng/tháng, còn các hộ không có người di cư có thu nhập tháng chỉ là khoảng 1,9 triệu. Vậy, mức chênh lệnh đã cao hơn sau 2 năm: 1,27 lần.

Hơn nữa, 2 thống kê ở 2 năm này được UNU – WIDER xếp ở mức ý nghĩa *** (có ý nghĩa ở mức ý nghĩa 1%, theo phép kiểm định thống kê). Điều đó có nghĩa là chúng đều có tính chính xác rất cao, mức cao nhất trong các mức mà UNU – WIDER kiểm định.

Lời kết

Cho đến thời điểm này, các báo cáo xem xét liệu rằng những hiện tượng ‘xa xứ lập nghiệp’, ‘lên thành phố sống’, ‘lên Hà Nội’, ‘vào Sài Gòn’…có thực sự tạo ra một cuộc sống mới tốt đẹp hơn như mong đợi thì vẫn chưa có nhiều.

Tuy nhiên, báo cáo UNU – WIDER, với những thống kê đơn lẻ về vấn đề trên có thể giúp ta tạm chấp nhận kết luận rằng: Việc nhiều người rời quê hương lên thành phố sinh sống tại Việt Nam đã và đang giúp cho chính cuộc sống của gia đình họ ở quê nhà tốt lên hàng ngày.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM