Bộ Giao thông vận tải 'phủi' trách nhiệm trong vụ án Dương Chí Dũng

13/12/2013 17:20 PM |

Vụ án Dương Chí Dũng và các đồng phạm cố ý làm trái gây thiệt hại hơn 366 tỉ đồng của NN nhưng đại diện các Bộ ngành liên quan cho rằng không biết,không có trách nhiệm trong việc kiểm tra phát hiện sai phạm.


Đại diện bộ GTVT trả lời trước tòa; bị cáo Mai Văn Phúc nguyên tổng giám đốc Vinalines
Đại diện Bộ Giao thông vận tải trả lời trước tòa

Trong phần thẩm vấn ngày 13.12, Hội đồng xét xử đã mời các bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án nêu quan điểm.

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan quản lý ngành, có chức năng tham gia kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn, đánh giá kết quả kinh doanh của Vinalines trong quá trình phê duyệt thực hiện dự án.

Tuy nhiên, trong thời gian dài, Bộ này đã không cập nhật, kiểm tra, giám sát đểVinalines xảy ra nhiều sai phạm, gây thiệt hại rất lớn nên phải kiểm điểm, có biện pháp xử lý nghiêm đối với những cán bộ liên quan.

Trả lời trước tòa về trách nhiệm trong vụ án, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho rằng Bộ chỉ quản lý Vinalines về mặt chuyên ngành, Vinalines là Tổng công ty 91 do Chính phủ quản lý, vì vậy thẩm quyền thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ nên Bộ không có thẩm quyền kiểm tra.

Khi chủ tọa hỏi"Bộ có giám sát và biết doanh nghiệp mua ụ nổi hay không?".Đại diện Bộ Giao thông vận tải trả lời: “Đây là thẩm quyền của doanh nghiệp, của Hội đồng quản trị tự quyết định. Bộ không can thiệp được!”.

Trong khi đó, trả lời luật sư, bị cáo Trần Hải Sơn, Dương Chí Dũng cho biết khi mua ụ nổi, Vinalines đã có văn bản gửi xin ý kiến của Bộ Giao thông vận tải. Việc mua ụ nổi do doanh nghiệp tự huy động, không sử dụng vốn ngân sách nên không thông qua đấu thầu.

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho rằng, trong vụ việc này, cán bộ của Cục (Lê Văn Dương, đăng kiểm viên) đã làm đúng chức trách, đúng nhiệm vụ được giao.

Tương tự, đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng không thể biết và nói được gì hơn về việc kiểm tra phát hiện sai phạm ở Vinalines, vì các đơn vị thuộc Bộ có báo cáo nhưng không nắm được.

Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử, ông Lê Trung Thanh, Phó tổng giám đốc Vinalines cho biết, ụ nổi 83M đang neo tại cảng thuộc tỉnh Long An, hiện nay đã bàn giao cho nhà máy sửa chữa tàu biển với mức phí chỉ 1 tỉ đồng để neo đậu, trông coi.

Tuy nhiên, khi Hội đồng xét xử hỏi tổng chi phí từ khi mua về, sửa chữa và các chi phí đến nay hết bao nhiêu thì ông Thanh cho rằng chưa có số liệu trong tay nên không trả lời được.

“Đối với thiệt hại này thì Vinalines có đề nghị gì không?”, chủ tọa hỏi.

Ông Thanh cho biết không đề nghị gì và “tuân thủ phán quyết của tòa”, dù đã 2 lần được chủ tọa nhắc nhở, giải thích vai trò đại diện cho tài sản Nhà nước.

Trả lời thẩm vấn của luật sư, bị cáo MaiVăn Phúc cho biết việc mua ụ nổi cũ là giải pháp của “nhà nghèo ít tiền” vì mua mới giá sẽ cao gấp nhiều lần.

Theo bị cáo này, trong 2 năm làm Tổng giám đốc Vinalines,ôngđã có nhiều thành tích, giúp công ty này phát triển mạnh nhất trong lịch sử của doanh nghiệp, được Thủ tướng Chính phủ khen.

Theo Thái Sơn

cucpth

Cùng chuyên mục
XEM