Thói quen buổi sáng cực hại sức khỏe, "dẫn lối" cho bệnh tật: Nhiều người vẫn làm mỗi ngày

23/03/2022 09:41 AM | Sống

Đây là thói quen xấu nhiều người vẫn mắc hàng ngày, có thể gây tổn hại đến sức khỏe, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm.

Tờ Daily Mail của Anh đưa tin một cuộc khảo sát được thực với 2.000 người trưởng thành thường xuyên bỏ bữa sáng cho thấy 45% những người bỏ bữa sáng thừa nhận họ cảm thấy cực kỳ đói bụng vào buổi sáng, 30% cảm thấy thiếu năng lượng và không mấy nhiệt tình với công việc, 14% chia sẻ rằng họ trở nên mệt mỏi và cáu kỉnh với tất cả mọi thứ khi nhịn ăn sáng.

Bỏ bữa sáng - "dẫn lối" cho 6 căn bệnh

1. Viêm loét dạ dày

Đầu tiên, việc bỏ bữa sáng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa của con người.

Thông thường, trong vòng 6 tiếng kể từ khi ăn tối, lượng thức ăn sẽ được tiêu hóa từ dạ dày và đi dần xuống ruột. Nếu bạn không ăn sáng thì khoảng thời gian bụng trống rỗng sẽ kéo dài từ tối hôm trước đến trưa ngày hôm sau. Và ngay cả khi đói bụng, axit dạ dày và các loại men tiêu hóa khác nhau trong dạ dày vẫn sẽ được tiết ra và nó sẽ “tự tiêu hóa” niêm mạc dạ dày.

Lâu dần, chức năng của các tế bào niêm mạc dạ dày sẽ bị phá hủy, dễ gây ra các bệnh về hệ tiêu hóa như viêm loét dạ dày hành tá tràng.

Thói quen buổi sáng cực hại sức khỏe, dẫn lối cho bệnh tật: Nhiều người vẫn làm mỗi ngày - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Bỏ ăn sáng có thể gây ra viêm loét dạ dày.

2. Lượng đường trong máu thấp

Sau một đêm, lượng thức ăn của ngày hôm trước đã được tiêu thụ hết và chỉ số đường huyết thấp hơn vào buổi sáng.

Lúc này, nếu bạn không ăn sáng để bổ sung lượng đường trong máu, cơ thể sẽ sử dụng glycogen dự trữ trong cơ và gan, tạo gánh nặng cho cơ và gan, khiến tay chân yếu đi.

Ngoài ra, hạ đường huyết còn có thể dẫn đến tình trạng không cung cấp đủ năng lượng cho tim và các tế bào não, gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, ngất xỉu, gây tổn thương nghiêm trọng đến não và tim.

3. Tăng nguy cơ sỏi mật

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Texas, Hoa Kỳ cho rằng mọi người không nên bỏ bữa sáng chỉ vì vội đi làm hoặc bận ngủ nướng vào buổi sáng. Bởi vì, khi nhịn ăn, dịch mật dễ tích tụ lại trong túi mật và đường ruột, có thể gây ra sỏi mật.

4. Tăng nguy cơ mắc tiểu đường

Insulin là chất có tác dụng hạ đường huyết. Nếu bạn không ăn sáng, lượng đường trong máu sẽ xuống thấp. Lúc này insulin do cơ thể tiết ra sẽ không có “công dụng”, lâu dần sẽ dễ gây ra tình trạng kháng insulin, gây ra rối loạn chuyển hóa và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Thói quen buổi sáng cực hại sức khỏe, dẫn lối cho bệnh tật: Nhiều người vẫn làm mỗi ngày - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Bỏ ăn sáng làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường.

5. Dễ bị rối loạn chu kỳ kinh nguyệt

Nữ giới thường xuyên không ăn sáng sẽ dễ gặp tình trạng kinh nguyệt bất thường hơn, bao gồm cả đau bụng kinh nghiêm trọng, kinh nguyệt ra không đều và có thể bị mất một hoặc vài kỳ kinh.

6. Bệnh tim mạch

Catherine Collins, chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện St. George ở London, cho rằng việc bỏ bữa sáng trong thời gian dài có thể làm lắng đọng lipoprotein mật độ thấp trong niêm mạc mạch máu, dẫn đến xơ cứng động mạch.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng thực hiện một số nghiên cứu và chỉ ra rằng người bỏ bữa sáng trong thời gian dài có nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim và các bệnh lý về tim mạch khác cao hơn nhiều so với những người ăn sáng bình thường.

Bữa sáng cần chú ý điều gì?

1. Uống nước ấm trước khi ăn sáng

Sau khi thức dậy vào buổi sáng, bạn nên uống một chút nước trước. Hãy uống khoảng 200ml nước trước khi ăn sáng để bổ sung lượng nước đã mất sau một đêm dài. Việc uống nước trước khi ăn cũng giúp tăng cường trao đổi chất và quá trình bài tiết ở hệ tiêu hóa, giúp nhuận tràng.

Thói quen buổi sáng cực hại sức khỏe, dẫn lối cho bệnh tật: Nhiều người vẫn làm mỗi ngày - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Uống một cốc nước ấm trước khi ăn sáng có lợi cho sức khỏe.

2. Không nạp quá nhiều calo cho bữa sáng

Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ba bữa ăn hàng ngày vì vậy buổi sáng mọi người nên ăn uống lành mạnh và nên kiểm soát năng lượng nạp vào cơ thể (khoảng 500kcal).

Các món ăn trong bữa sáng nên đa dạng và đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể ví dụ như:

- Các món giàu tinh bột: bánh bao, bánh mì, bột yến mạch, mì, cháo,...

- Những thực phẩm cung cấp đầy đủ protein giúp no lâu như trứng, sữa, đậu,...

- Trái cây và rau quả có thể cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa tự nhiên.

- Một lượng nhỏ các loại hạt vì các loại hạt rất giàu khoáng chất cũng như giàu vitamin, có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Các axit béo không bão hòa trong các loại hạt cũng rất tốt cho sức khỏe tim mạch.

3. Bữa sáng có cả món nước và món khô

Để xoa dịu dạ dày và tăng cường khả năng hấp thu, mọi người nên kết hợp ăn các món khô kèm với món nước. Ví dụ như ngoài việc ăn bánh mì bao, bánh mì,... thì mọi người cũng nên dùng thêm các món nước như cháo, súp, canh,....

4. Bữa sáng nhẹ nhàng thanh đạm 

Bữa sáng nhẹ nhàng, thanh đạm, ít dầu mỡ, ít muối sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như béo phì, mỡ máu cao, huyết áp cao.

5. Thời điểm ăn sáng

Thời điểm tốt nhất để ăn bữa sáng là khoảng 6-7 giờ, muộn nhất là trước 8 giờ sáng. Bởi vì, ăn sáng sớm có thể kéo dài khoảng cách giữa bữa sáng và bữa trưa để cơ thể kịp tiêu hóa thức ăn. Mặt khác, ăn sáng sớm giúp tăng cảm giác ngon miệng và tăng cường khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể.

Bỏ bữa sáng có thể đem lại nhiều tác hại không mong muốn cho cơ thể và sức khỏe con người. Vì vậy, dù bận đến mấy bạn cũng nên ăn sáng đầy đủ và đúng giờ để đảm bảo sức khỏe của bản thân.

Nguồn: 360

Theo Huyền My

Cùng chuyên mục
XEM