Vì sao nên dùng thuốc “chay”?

21/03/2013 07:39 AM |

Một người sở dĩ bị bệnh khổ hành hạ, nhất là bị những chứng nan y thì nghiệp nhân căn bản của họ là do trong quá khứ đã giết hại quá nhiều.

Hỏi: Vừa qua, tôi được hướng dẫn phương cách bào chế một toa thuốc chữa bệnh nhưng phải giết một loại gia cầm để lấy thịt làm thuốc. Hiện một vài bạn bè của tôi có chứng bệnh ấy nhưng tôi chưa dám hướng dẫn lại vì sợ tạo nghiệp sát sinh cho bản thân mình và cả cho bạn nữa, nhưng không chỉ bày thì cũng cảm thấy hơi áy náy (vì biết đâu toa thuốc hiệu nghiệm thì sao). 

Tôi được biết trong kinh Phật không tán thành việc giết loài vật để làm thuốc hay để cúng tế thần linh cầu cho khỏi bệnh. Tôi rất mong quý Báo hoan hỷ hướng dẫn để tôi giải quyết vướng mắc nêu trên.

(Hướng Thiện, rongluacon@yahoo.com)

Đáp:

Bạn Hướng Thiện thân mến!

Với sự tiến bộ của y dược học hiện nay, đối với một chứng bệnh thông thường có thể dùng nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị lành bệnh. Ngay cả một số bệnh được xem là nan y, khó chữa nhưng y học hiện đại vẫn có thể chữa lành nhờ các loại thuốc có nguồn gốc hóa dược, hay thảo dược, hoặc phối hợp cả hai. 

Những loại thuốc mà thành phần có nguồn gốc động vật được bào chế sẵn tuy cũng có dược tính tốt nhưng người Phật tử vì lòng từ bi, tôn trọng sự sống nên không sử dụng hay hạn chế tiêu dùng. Riêng với việc trực tiếp giết hại các loài vật để bào chế thuốc thì người Phật tử không nên và không được làm, vì lợi bất cập hại, nghiệp bệnh khổ không chuyển hóa được mà ngược lại càng thêm chồng chất.

Để phục vụ cho sự sống còn của mình mà nhẫn tâm tước đoạt sự sống của các loài khác là một việc làm trái với tôn chỉ hiếu sinh của đạo Phật. Việc trực tiếp giết hại này bộc lộ sự tàn ác, vị kỷ, hẹp hòi, thiếu tuệ giác, gây khổ đau cho mình và mọi loài chung quanh. Theo lời dạy của Thế Tôn, một người sở dĩ bị bệnh khổ hành hạ, nhất là bị những chứng nan y thì nghiệp nhân căn bản của họ là do trong quá khứ đã giết hại quá nhiều. 

Người mang nghiệp sát này nếu quá nặng thì hiện đời bị đoạt mạng, chết “bất đắc kỳ tử” do bom đạn, tai nạn, thiên tai… Nếu nghiệp sát vừa và nhẹ thì hiện đời thân thể hay đau ốm, nhiều bệnh. Cho nên để chuyển hóa bệnh khổ thì ngoài việc điều trị bằng thuốc và điều chỉnh lối sống lành mạnh theo hướng dẫn của bác sĩ, theo Phật giáo, người bệnh cần phải sám hối nghiệp giết hại trong nhiều đời kiếp quá khứ, đồng thời tích cực tạo các nghiệp lành như phóng sanh, bảo vệ môi trường.

Khi có bệnh tật cần dùng thuốc, người Phật tử nên dùng những loại thuốc “chay”, tức thuốc với thành phần là hóa thảo dược. Theo Phật giáo, sự chữa bệnh bằng cách dùng thuốc hay các phương thức trị liệu nói chung chỉ có tính nhất thời. Sâu xa của vấn đề sức khỏe, thọ mạng của mỗi người là cá nhân họ cần phải sám hối nghiệp chướng cùng với việc tạo ra những nghiệp lành cứu sinh để chuyển hóa và cân đối với các nghiệp ác sát sinh mà mình đã vô tình hay cố ý tạo ra.

Do đó để tránh ác nghiệp, người Phật tử không giết hại các loài vật để làm thuốc trị bệnh cho mình.

Chúc bạn tinh tấn!

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM