Xuất khẩu rau quả: Thị trường Châu Âu, Bắc Mỹ cộng lại không bằng số lẻ của Trung Quốc

15/05/2015 08:46 AM |

Thị trường Trung Quốc chỉ cần nhức đầu, sổ mũi qua biên giới, nhiều sản phẩm rau quả của Việt Nam tất bị shock tức thời..

Nội dung nổi bật:

- “Xuất khẩu đi các nước Châu Âu, Bắc Mỹ, hoặc 10 nước Đông Nam Á cộng lại không bằng số lẻ của Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc, đối với thanh long, chỉ cần nhức đầu, sổ mũi qua biên giới, trong kia bị shock tức thời liền”

- Mặc dù củng cố ngôi vị số 1 về thị trường xuất khẩu rau quả, gấp tới 6 lần thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam là Nhật Bản, thị trường nước láng giềng này lại không hề bền vững. Bằng chứng là hàng chục xe tải chở dưa hấu của Quảng Nam tháng trước đã ùn tắc tại cửa khẩu nhiều ngày, và giải pháp cho việc tồn ứ dưa hấu ở cửa khẩu là giải pháp “nghĩa tình”.


Tương lai vẫn phải “bám” Trung Quốc

“Những năm trước mắt, chúng ta có thể mở cửa xuất khẩu sang các thị trường khác, nhưng vẫn phải đánh giá Trung Quốc là thị trường phải thúc đẩy, bám vững, đẩy mạnh” - ông Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết tại Hội nghị bàn các giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ rau quả, trái cây theo hướng bền vững tổ chức chiều 14/5.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, dù rau quả Việt Nam được xuất khẩu đi trên 40 quốc gia, nhưng Trung quốc vẫn là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất Việt Nam, thường chiếm tỷ trọng khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thị phần xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2014 đã giảm 7,3% so với năm trước đó. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Thị phần xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2014 đã giảm 7,3% so với năm trước đó. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Trong 3 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả sang Trung Quốc tăng rất mạnh, đạt 131 triệu USD, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2014. Trong các sản phẩm rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc, thanh long chiếm tới 58,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đối với quả thanh long, dù rằng định hướng tiếp tục phát triển thị trường nội địa, quan tâm thị trường xuất khẩu gồm 10 nước ASEAN, các nước ASEAN + 1, ASEAN + 6, Châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng thị trường Trung Quốc vẫn áp đảo.

Xuất khẩu đi các nước Châu Âu, Bắc Mỹ, hoặc 10 nước Đông Nam Á cộng lại không bằng số lẻ của Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc, đối với thanh long, chỉ cần "nhức đầu, sổ mũi" qua biên giới, trong kia bị shock tức thời liền” – Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận Ngô Minh Hùng cho biết.

Dù quả thanh long chiếm phần lớn trong kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc, tuy nhiên, Bình Thuận cũng đang “khóc dở mếu dở” trước tình trạng rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh thanh long tỉnh này có thể nói là đổ vỡ do thương lái Trung Quốc mua trực tiếp.

“Lãnh đạo tỉnh có văn bản chỉ đạo giao công an, nhưng rất khó. Ví như chỉ đạo kiểm tra khách du lịch “núp bóng” để mua thanh long, nghe tin họ xếp vali, xuống khách sạn nghỉ là thành khách du lịch. Luôn luôn như vậy, rất khó thực hiện” - lãnh đạo Sở Công thương tỉnh than.

“Gần đây, thương lái Trung Quốc lại đang vào Bình Thuận thu mua thanh long”.

Không hiểu Trung Quốc mua kiểu gì, bán thế nào?

Mặc dù củng cố ngôi vị số 1 về thị trường xuất khẩu rau quả, gấp tới 6 lần thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam là Nhật Bản, thị trường nước láng giềng này lại không hề bền vững. Bằng chứng là hàng chục xe tải chở dưa hấu của Quảng Nam nhiều tuần trước đã ùn tắc tại cửa khẩu Lạng Sơn nhiều ngày, và giải pháp cho việc tồn ứ dưa hấu ở cửa khẩu là giải pháp “nghĩa tình”, vận chuyển dưa hấu về các điểm bán ở các thành phố lớn tiêu thụ giúp.

Không ai nói xuất khẩu cho Trung Quốc là bền vững, nhưng chúng tôi vẫn phải bán cho Trung Quốc. Trong khi đó, thị trường thông tin từ Trung Quốc chưa nhiều. Lâu nay, chúng tôi vẫn không biết thị trường Trung Quốc mua theo kiểu gì, bán như thế nào... Cứ Trung Quốc mua nhiều nông dân lại trồng ào lên, mua ít lại phá đi”, ông Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – than thở.

Hiện nông dân Quảng Nam đang hối hả trồng vụ dưa mới. Diện tích trồng dưa hấu của Quảng Nam khoảng 10.000 ha, cho năng suất 18 tấn/ha, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc.

Câu chuyện dưa hấu không lạ, không mới, cứ tháng 4 hàng năm chúng ta lại gặp, ông Ánh cho biết. “Chúng tôi trồng rau, trồng quả nhưng không thể không nói đến mùa vụ. Nói đến mùa vụ thì cứ đến thời điểm nó lại rộ lên” – ông Ánh nói.

Nhận định về thị trường Trung Quốc, bà Lê Hoàng Oanh - Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á – Bộ Công thương cho biết: Thời gian gần đây, phía Trung Quốc thắt chặt quản lý theo hướng chặt chẽ, quy phạm hơn tại các cửa khẩu trao đổi thương mại biên giới đường bộ Việt – Trung, là nơi tập trung hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam.

Trong khi đó, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chủ yếu được thực hiện qua con đường tiểu ngạch, các đối tác phía Trung Quốc thường xuyên áp dụng các chính sách thương mại biên giới của địa phương với các hình thức buôn bán không ổn định nên việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn và rủi ro bất thường.

Bên cạnh đó, theo bà Oanh, nông sản xuất khẩu của Việt Nam thì chất lượng tuy có cải thiện nhưng chưa nhiều, phương thức kinh doanh chưa chủ động, còn hạn chế trong khi nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc tăng lên.

Các giải pháp đưa ra để giải quyết tình trạng này, theo bà Oanh, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng nông sản, đồng thời tăng cường quảng bá sản phẩm tại thị trường này. “Chúng ta cần sử dụng ngôn ngữ tiếng Trung trong tuyên truyền quảng bá sản phẩm ở Trung Quốc”, bà Oanh gợi ý.

Bà Oanh cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt nên chủ động tham gia vào thương mại điện tử - thị trường đang rất sôi động ở nước bạn.

Ông Trương Quang Hoài Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ – góp ý thêm: Cái yếu của nông nghiệp Việt Nam là trong phân công bộ ngành vắng mặt Bộ Khoa học Công nghệ. Đây là một trong những bộ quan trọng nhất, giúp cho năng suất phát triển bền vững.

Năm 1995, khi hội nhập ASEAN, báo cáo hội nhập nói tổn thất sau thu hoạch nông sản ở mức 25 -30%. Đến giờ, tỷ lệ tổn thất này vẫn vậy. Chúng ta không có tiến bộ gì”.

“Chúng ta cần một chính sách hết sức rõ ràng trong đầu tư công nghệ sau thu hoạch với những ưu đãi cụ thể”, ông Nam khuyến nghị.

Tháng 4 – mùa thu hoạch dưa hấu, hành tím - đã qua. Chỉ 1 tháng nữa, vải thiều lại vào vụ. “Vải thiều sẽ xuất khẩu mạnh ở cửa khẩu Lào Cai, và vẫn bán mạnh như mọi năm ở thị trường Trung Quốc”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam thở dài...

>> Nhiều doanh nghiệp gỗ “chết đứng” vì phụ thuộc Trung Quốc

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM