Nhiều doanh nghiệp gỗ “chết đứng” vì phụ thuộc Trung Quốc

12/05/2015 15:14 PM | Kinh doanh

Làm ăn theo kiểu “phong trào” và quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (TQ) khiến hàng hoạt DN kinh doanh gỗ (chủ yếu gỗ có nguồn gốc từ Lào) đang khổ sở, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản... vì giá rớt thê thảm.

Hàng ngàn tấn gỗ “tồn kho”

Chưa tính các cá nhân, hùn hạp nhỏ lẻ, Quảng Trị có khoảng 150 DN tham gia mua bán gỗ Lào. Cách đây khoảng vài năm, đây là nghề hái ra tiền nên nhiều người lao vào. Người có tiền buôn gỗ đã đành, người không có tiền cũng đi vay nóng để hùn hạp. Có lúc, tại thị trấn vùng biên Lao Bảo (H.Hướng Hóa, Quảng Trị) hầu như không nhà nào không có “dây mơ rễ má” với gỗ.

Theo Cục Hải quan Quảng Trị, trong năm 2014, đã có 172.052m 3 gỗ (trị giá hơn 232 triệu USD) thông quan từ Lào qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và 77.744m 3 gỗ (trị giá hơn 87 triệu USD) thông quan tại Cửa khẩu quốc tế La Lay (H.Đakrông). Trong 3 tháng đầu năm 2015, có hơn 86.000m 3 gỗ (trị giá hơn 51 triệu USD) được thông quan ở 2 cửa khẩu quốc tế nêu trên.

Nhập gỗ về nhiều nhưng bế tắc đầu ra do đầu năm 2014 giá gỗ rớt thê thảm đối với tất cả các loại như: hương, cẩm xe, trắc, lim... biên độ giảm 15-30%. Chính vì thế, đi quanh các huyện, thị của Quảng Trị đều thấy những kho gỗ tồn chất đống. Đặc biệt tại TP.Đông Hà, dọc QL9, đường 9D, Khóa Bảo... là những đống gỗ khổng lồ được bao bịt bởi các tấm bạt, nhằm tránh mưa nắng. Những tấm bạt giờ đã bạc màu, thậm chí rách... nhưng gỗ thì chưa biết lúc nào mới bốc đi.

Khảo sát của TN cho thấy rất nhiều DN kinh doanh gỗ có tiếng tăm trên địa bàn như T.T, Th. Th, B.C... đều có gỗ tồn, ít thì vài ngàn khối, nhiều thì cả chục ngàn khối. Còn theo ông Võ Thái Hiệp, Chủ tịch hiệp hội DN kinh doanh xuất nhập khẩu lâm sản tỉnh Quảng Trị thì số lượng gỗ tồn đọng trên địa bàn hiện nay đã lên mấp mé 150.000 m 3 , trị giá trên dưới 30.000 tỷ đồng. Lượng tiền quá lớn đang “mắc kẹt” trong hàng trăm ngàn khối gỗ, không có vốn quay vòng, đã đẩy nhiều DN vào tình trạng khốn khổ...

Với hi vọng gỗ sẽ lên giá nên nhiều DN tiếp tục “ém gỗ” chờ thời nhưng cuộc chơi này chỉ dành cho những “đại gia” có nguồn vốn thực sự lớn. Và vấn đề nữa chính là câu hỏi “Bao giờ giá lên?” chẳng ai trả lời được, trong khi lần lượt các “đại gia” gỗ ở TP.Đông Hà phá sản, thậm chí vướng vòng lao lý.

Phụ thuộc thị trường TQ

Một thực tế mà các DN và các nhà quản lý tại Quảng Trị phải thừa nhận là việc kinh doanh gỗ hiện nay quá phụ thuộc vào thị trường TQ (có khoảng 80-90% đơn hàng xuất khẩu gỗ ở Quảng Trị sang thị trường này). Và do tập trung quá nhiều vào một thị trường lớn nên khi thị trường này có biến động, giá giảm, ngừng nhập khẩu thì DN... chết đứng. Theo một cán bộ của Cục Hải quan Quảng Trị thì gần đây thương lái TQ ít đến địa phương mua gỗ, nếu đến cũng bày rất nhiều thủ đoạn để ép giá.

“Phụ thuộc vào họ thì DN đành chịu thua thôi. DN chỉ có 2 lựa chọn đầy đau đớn. Một là bán tống bán tháo với giá rẻ, hai là trữ gỗ lại nhưng cũng ngột thở với các chi phí phát sinh”, vị này nói. Bản thân ông Hiệp cũng cho rằng: “Đối với mặt hàng mà chúng tôi kinh doanh, hầu như chỉ phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, cụ thể là TQ, chứ thị trường trong nước tiêu thụ không đáng kể. Chính vì thế, giờ có muốn đề xuất tỉnh hay T.Ư can thiệp cũng không được”.

Còn ông Nguyễn Đình Trâm, Phụ trách phòng xuất nhập khẩu và hội nhập (Sở Công thương Quảng Trị) cho hay có 2 phương án tạm thời các DN có thể xem xét là: xẻ gỗ thành phách nhỏ để vận chuyển đi bán ở các tỉnh thành khác hoặc kết hợp chế biến thành các sản phẩm gia dụng. Thêm nữa, ông Trâm khuyên các DN nên tìm các thị trường khác...

Nhưng về quan điểm chung, ông Trâm cho rằng việc kinh doanh gỗ Lào là “cơ hội tạm thời chứ không phải kinh doanh lâu dài của DN” bởi các quy định quốc tế đã bắt đầu hạn chế khai thác, sử dụng gỗ tự nhiên, mà chuyển qua sử dụng gỗ trồng, có chứng chỉ.

“Rồi phía bạn cũng sẽ đóng cửa rừng trong khi đối với mặt hàng này sẽ rất khó để xuất qua thị trường châu Âu, châu Mỹ... Ngày 8/12/2014, Bộ Công thương cũng đã yêu cầu tạm dừng cho thông quan các lô gỗ tạm nhập tái xuất có nguồn gốc từ Lào, Campuchia”, ông Trâm nói.

Theo ông Trâm, chính vì không nắm bắt được những diễn biến nêu trên và kinh doanh theo kiểu a dua, phong trào nên nhiều DN buôn gỗ ở Quảng Trị lãnh đủ là điều dễ hiểu. Còn ông Hiệp thì cảm thán: “Nếu tình hình giá gỗ vẫn không lên, anh em vẫn không bán được thì khả năng các DN thành viên của hiệp hội sẽ quay về thời kỳ... đồ đá hết”.

>> Ngành Gỗ và bài toán xuất 3 - nhập 1

Theo Nguyễn Phúc

Cùng chuyên mục
XEM