Vượt qua ngưỡng trẻ
Hai mươi tuổi vẫn là trẻ con trong mắt cha mẹ, 25 tuổi vẫn giữ chân pha trà rót nước mời đồng nghiệp lớn tuổi trong công sở, và có một thời nhà văn 40 tuổi vẫn được gọi là cây bút trẻ! Họ đành cố làm cái việc "vượt qua ngưỡng trẻ” để được coi là trưởng thành!
Trong tuần lễ ở Hàng Châu, Trung Quốc, tôi được mời đến xem một đêm trình diễn thời trang lớn do Hiệp hội Tơ lụa Trung Quốc tổ chức cho thành viên và quan chức Hiệp hội Tơ lụa Thế giới xem.
Người tham dự toàn các nhân vật quan trọng, có hàng chục năm lăn lộn trong ngành sản xuất tơ lụa và thời trang thế giới với những thị trường hàng trăm triệu khách hàng.
Buổi trình diễn vô cùng chuyên nghiệp và hoành tráng về quy mô tổ chức, quan khách tham dự đều thảng thốt về sự táo bạo và tính sáng tạo vượt trội của các bộ sưu tập thời trang váy cưới trên nền văn hóa truyền thống của người Trung Quốc. Người ta hình dung đây là tác phẩm của những nhà thiết kế nổi tiếng của các hãng dệt may khổng lồ Trung Quốc.
Và vô cùng ngạc nhiên khi đến cuối buổi diễn, một đoàn chừng hơn 20 gương mặt trẻ măng ra trình diện chào khách trong vai trò nhà thiết kế có tác phẩm dự thi.
Càng ngạc nhiên hơn khi ông Phi Giang Minh - Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa Hàng Châu, Tổng thư ký Hiệp hội Tơ lụa Thế giới - giải thích, các nhà thiết kế đều chưa tới 30 tuổi, và các chương trình thời trang lớn của Hàng Châu đều chú trọng mời các nhà thiết kế trẻ tuổi để tận dụng sự sáng tạo trẻ trung của những người nhiều nhiệt huyết và là đại diện cho chính khách hàng sử dụng sản phẩm.
Một thị trường rộng lớn hàng trăm triệu khách hàng nội địa, chưa kể thị trường xuất khẩu, dựa vào đội ngũ những nhà thiết kế trẻ, sao lại có những môi trường làm việc hạnh phúc như thế cho những người trẻ, lại ở ngay đất Trung Quốc vốn trọng truyền thống và tôn ti trật tự? Tại sao lãnh đạo các tập đoàn dệt may khổng lồ của Trung Quốc sẵn lòng đến dự một đêm diễn thời trang của các nhà thiết kế vô danh?
Có một khoảng cách rất xa giữa những người ăn mặc sang trọng, lạnh lùng nhìn lên sân khấu với sự trẻ trung, non nớt của những nhà thiết kế chưa đủ từng trải, thích sắm cho mình những bộ áo quần đẹp phù hợp với dịp này.
Ngồi cạnh tôi là ông chủ một thương hiệu thời trang cao cấp Hàng Châu. Ông ấy nói mỗi năm đều bỏ chút thời gian dự các đêm trình diễn tác phẩm của những người trẻ. Và dưới sự chỉ đạo của ông, các phòng chuyên môn sẽ lập hồ sơ về những người có sáng tạo cá tính nhất, dõi theo bước đường lập nghiệp, xu hướng họ theo để chọn những người giỏi nhất và phù hợp nhất mời về cộng tác với tập đoàn.
Sự cạnh tranh của những người khổng lồ phải bao gồm cả công việc rất tỉ mỉ về nhân sự như vậy, họ cần những tài năng trẻ? Sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Trung Quốc liệu có yếu tố này chăng? Gạt bỏ cái nhìn khắt khe về tôn ti trật tự để sử dụng những người có tương lai lâu dài hơn trên bước đường sự nghiệp nhờ tuổi còn trẻ!
Tôi cố hỏi thêm, liệu những gương mặt chưa đến 30 tuổi kia có phải là con, cháu của chính các vị, được gửi ra nước ngoài học từ tấm bé, nay về chuẩn bị kế nghiệp cha, ông?
Vị doanh nhân cười: "Thị trường của chúng tôi cạnh tranh khốc liệt lắm, quy mô càng lớn, sự khốc liệt càng nhiều, chỉ một cái đinh ốc không phù hợp, mất vài hợp đồng, cả chục ngàn công nhân thất nghiệp, liệu có nên vị nể thu xếp cho "con ông cháu cha" vào ngồi để cùng chết chìm không?".
Tôi nhớ đến nhà máy mới tham quan hồi chiều, những nhà xưởng cao 10 tầng, mà không phải một tòa nhà, có vài chục tòa nhà như vậy trong quy mô nhà máy khép kín từ dệt nhuộm, in đến thiết kế và may. Sự bền vững của một doanh nghiệp đặt vào nền tảng tìm kiếm tài năng trẻ?
Và tôi nghĩ đến hiện tượng hàng loạt cán bộ trẻ vừa mới được bổ nhiệm các chức vụ cao trong chính quyền ở Việt Nam, chịu trách nhiệm điều hành cả một thành phố, hay một quận, một ngành. Dư luận xôn xao, phần vì biểu hiện "con ông cháu cha", phần vì người Việt chưa bao giờ quen với việc trọng dụng người trẻ.
Hai mươi tuổi vẫn là trẻ con trong mắt cha mẹ, 25 tuổi vẫn giữ chân pha trà rót nước mời đồng nghiệp lớn tuổi trong công sở, và có một thời nhà văn 40 tuổi vẫn được gọi là cây bút trẻ! Họ đành cố làm cái việc "vượt qua ngưỡng trẻ” để được coi là trưởng thành!