4 bức ảnh ấn tượng kêu gọi giới trẻ Việt "đừng bị động"

31/10/2015 18:27 PM | Sống

Đừng ngồi chờ công việc tốt, đừng đợi cô giáo đọc cho chép, đừng chờ đợi may mắn… hãy tích cực, chủ động cuộc sống của mình là thông điệp của bộ ảnh này.

Bộ ảnh “Đừng bị động” đang được lưu truyền trên mạng xã hội là tác phẩm của các bạn sinh viên câu lạc bộ Nguồn nhân lực – ĐH Ngoại thương.

Bộ ảnh gồm 4 bức ảnh cùng mang thông điệp: “Mong muốn các bạn sinh viên nhìn thấy bản thân trong đó, nhận thức rõ sự bị động nằm sâu con người mình, qua đó dần thay đổi để chủ động hơn trong cuộc sống”.

Về cách thể hiện, mỗi bức ảnh trong bộ “Đừng bị động” phản ánh suy nghĩ bị động trong mỗi giai đoạn của đời sinh viên:

Bức ảnh miêu tả giai đoạn năm nhất. Lúc này sinh viên chìm đắm trong môi trường tự do của Đại học, họ bị động và lơ là trong học tập.

Giai đoạn năm thứ 2 - 3 . Lúc này sinh viên lưu tâm tới việc học tập hơn. Tuy nhiên, họ vẫn quen lối suy nghĩ của học sinh: chỉ học là đủ, học tốt là được. Họ không chủ động rèn luyện các kỹ năng mềm, kỹ năng tuyển dụng, tích lũy kinh nghiệm làm thêm để chuẩn bị cho tương lai.

"Học đã, tính sau". Đã biết bao lần bạn tự nhủ với bản thân như vậy trước mỗi cơ hội mới? Những thử thách ngoài kia đang chờ đợi bạn chinh phục và trải nghiệm. Những kiến thức bạn trau dồi đã quá nhuần nhuyễn, đến bao giờ mới được phát huy sức mạnh của chúng? Và tới lúc bạn bắt buộc phải đối mặt với thực tế, liệu chúng có đủ nếu như bạn chưa từng thử? Có quá nhiều câu hỏi đang đợi bạn trả lời. Và lời giải đáp bạn kiếm tìm vẫn đang trong tầm tay. Đừng mãi trốn trong vòng an toàn của bản thân và bắt đầu bước đi ngay hôm nay!

Giai đoạn năm thứ 3 - 4. Lúc này sinh viên đã quan tâm đến tương lai của mình, họ băn khoăn đam mê, định hướng nghề nghiệp của mình là gì. Thế nhưng thay vì tìm câu trả lời, họ không chủ động tìm hiểu, dấn thân và trải nghiệm. Họ tự an ủi mình bằng những suy nghĩ như “Khi nào đam mê đến thì sẽ biết”.

Nhóm tác giả trường cho biết, bộ ảnh mang thông điệp muốn các bạn sinh viên nhìn thấy bản thân trong đó, nhận thức rõ sự bị động nằm sâu con người mình, qua đó dần thay đổi để chủ động hơn trong cuộc sống.

Tư duy bị động vốn đã gắn chặt vào suy nghĩ của sinh viên Việt Nam sau 12 năm ngồi trên ghế nhà trường. Suốt 12 năm này, học sinh đã quen với lối học tập, suy nghĩ bị động: Bài ghi cô giáo đọc; Bài tập về nhà cô giáo giao; Đề luyện thi cô giáo soạn…

Phần đông học sinh Việt Nam không có khả năng tự ra sáng kiến, tự hành động. Mà luôn luôn có tư tưởng là mọi thứ cần thiết sẽ được người khác đặt ra trước mắt mình. Điều này rất nguy hiểm khi lên môi trường Đại học, nơi mà các sinh viên phải chủ động tìm kiếm kiến thức, rèn luyện kĩ năng.

Khi không chủ động thì sinh viên sẽ không có thêm kiến thức mới, rèn luyện và trau dồi kĩ năng mới. Vì vậy, dù có nhiều nguồn tri thức rộng lớn đến đâu, thầy cô hướng dẫn có xuất sắc đến đâu, được trao bao nhiêu cơ hội thì chúng cũng không thể tận dụng hết những điều đó nên không thể phát triển hết tiềm năng. Ở đây, các tác giả đã sử dụng băng dính cuốn quanh người để thể hiện sự trói buộc, kìm hãm.

Các tác giả hi vọng rằng bộ ảnh này sẽ có tác động tích cực tới các bạn sinh viên nói riêng và giới trẻ nói chung. Bộ ảnh là một phần nằm trong chiến dịch phát động cuộc thi Ứng viên tài năng của CLB Nguồn nhân lực.

Hoàng Vân

Cùng chuyên mục
XEM