Vingroup sẽ tham gia dự án lấn biển trị giá 1,5 tỷ USD
Do chủ đầu tư của dự án là công ty CP Khu đô thị du lịch Cần Giờ (CTC) không thực hiện dự án hiệu quả, Vingroup đã được UBND TP.HCM lựa chọn là đối tác chiến lược tiếp tục thực hiện dự án này.
Dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ (Saigon Sunbay) được chủ đầu tư cũ là công ty CP Khu đô thị du lịch Cần Giờ (CTC) khởi công thực hiện từ năm 2007 trên diện tích 600 ha.
Sau khi hoàn tất công tác đền bù đến năm 2010 công ty hoàn thành thiết kế kiến trúc dự án và ký kết hợp đồng thi công giai đoạn 1 với nhà thầu Liên danh Đại Phú Gia – South Construction.
Tuy nhiên do năng lực nhà thầu yếu kém đến năm 2013 CTC ký kết gói thầu thi công công trình thủy công thuộc phần 1 giai đoạn 1 của dự án với nhà thầu liên doanh Lũng Lô – Sao Mai. Việc thay đổi nhà thầu đã khiến CTC không thực hiện dự án được hiệu quả, dẫn tới dự án bị chậm tiến độ.
Tiến độ dự án đến 30/10/2014 theo công bố của CTCCorp
UBND thành phố cho biết chính quyền thành phố rất quan tâm đến việc đầu tư, phát triển tại huyện Cần Giờ nói chung và phát triển thế mạnh về du lịch tại huyện này nói riêng.
Phối cảnh toàn dự án Saigon Sunbay
Việc Vingroup tham gia đầu tư là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy nhanh dự án trên toàn bộ diện tích 821 héc ta, và chính quyền thành phố kỳ vọng khi có nhà đầu tư đủ năng lực, dự án sẽ được thực hiện nhanh, tạo động lực phát triển cho Cần Giờ.
Dự án sẽ được bổ sung thêm các hạng mục như bệnh viện, trường học, gắn kết khai thác mô hình du lịch với Khu di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác, nghiên cứu kỹ yếu tố môi trường, biến đổi khí hậu, để phát triển khu đô thị du lịch xanh, phát triển bền vững.
Dự án dự kiến sẽ được bổ sung thêm nhiều hạng mục
Nhà đầu tư mới dự kiến sẽ triển khai phần diện tích 821 héc ta trước, còn phần mở rộng 300 héc ta tiếp theo trên diện tích mặt biển sẽ được tiếp tục xem xét sau khi đã thực hiện giai đoạn 1. Giai đoạn 2 theo kế hoạch ban đầu sẽ tiếp tục hoàn thành phần cơ sở kỹ thuật hạ tầng và sẽ hoàn tất các công trình vào giữa năm 2016.
Cơ cấu sử dụng đất của dự án theo phê duyệt
Huyện Cần Giờ với 70.000 héc ta rừng đước, dừa nước sở hữu một khu rừng ngập mặn đan xen với hệ thống rạch dày đặc và các hệ sinh thái mang tính đa dạng sinh học cao. Cần Giờ được xem như một lá phổi của TPHCM, trong đó, một nửa diện tích là khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận vào năm 2000.