Việt Nam và TPP: Cuộc chiến doanh nghiệp nội - ngoại

09/11/2015 16:39 PM |

Theo hãng tin Bloomberg, nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 8 năm qua và một làn sóng công ty nước ngoài đang bị thu hút vào thị trường này. Tuy nhiên, số liệu lại cho thấy dấu hiệu không hoàn toàn lạc quan của các doanh nghiệp trong nước trước những thông tin kinh tế vĩ mô tích cực.

Từ đầu năm đến nay, các công ty quốc tế đã chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tăng 44% so với 5 năm trước đó. Đây là một tín hiệu tích cực cho thị trường Việt Nam, nhưng điều này cũng làm gia tăng lo ngại về rủi ro tiềm tàng đối với nền kinh tế trong trường hợp các doanh nghiệp ngoại rút vốn.

Trong khi xuất khẩu của các doanh nghiệp ngoại tăng trưởng 21% vào quý III/2015, xuất khẩu của những công ty Việt Nam lại có sự suy giảm 10% cùng kỳ.

Sự phân hóa trong số liệu xuất khẩu của doanh nghiệp quốc tế và nội địa cho thấy dấu hiệu dễ bị tổn thương của thị trường Việt Nam nếu các công ty nước ngoài tìm kiếm nước khác có chi phí lao động rẻ hơn như trường hợp đã diễn ra tại một số quốc gia láng giềng.

Cách đây vài năm, xu thế công nghiệp hóa ở một số nước đã thúc đẩy doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào một số quốc gia, nhưng những biến động thị trường đã khiến các công ty nước ngoài này giờ đây tìm kiếm các thị trường có chi phí lao động rẻ như Việt Nam để chuyển nhà máy sản xuất.

Bên cạnh đó, mục tiêu tái cơ cấu ngành ngân hàng và giảm nợ xấu đang khiến nhiều doanh nghiệp Việt khó tiếp cận nguồn vốn vay, qua đó càng làm các công ty nội địa gặp khó trong cạnh tranh với doanh nghiệp quốc tế.

Chuyên gia Trinh Nguyen của Natixis nhận định những số liệu không khả quan của các công ty trong nước cho thấy dấu hiệu đáng lo ngại về dài hạn của kinh tế Việt Nam khi lợi thế cạnh tranh của thị trường này vẫn chủ yếu dựa vào lao động giá rẻ.

Nếu xu thế hiện nay còn tiếp tục, sự phát triển lâu dài của kinh tế Việt Nam sẽ bị tổn thương. Đây là một mô hình phát triển không bền vững và nếu chính phủ Việt Nam không có những biện pháp đối phó, khi chi phí lao động tại đây tăng lên thì kinh tế Việt Nam sẽ phải chịu thiệt hại.

Những nỗi lo khác

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong tháng 10 đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên ít nhất là 6,5%. Nếu điều này trở thành sự thực, đây sẽ là năm Việt Nam có tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2007.

Xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu dựa vào ngành máy tính, điện tử gia dụng, may mặc và giày dép. Những công ty nước ngoài, bao gồm Samsung, chiếm vị thế chủ đạo trong các ngành này và đóng góp khoảng 99% cho kim ngạch xuất khẩu 34,3 tỷ USD trong lĩnh vực máy tính, điện tử gia dụng giữa tháng 1 và tháng 9/2015.

Ngoài ra, các doanh nghiệp quốc tế cũng đóng góp 67% kim ngạch xuất khẩu 25,7 tỷ USD trong ngành may mặc và giày dép cùng thời kỳ.

Các công ty nội địa của Việt Nam có thế mạnh trong ngành nông nghiệp và xuất khẩu thủy sản, nhưng những mảng kinh doanh này lại đang gặp trở ngại khi giá hàng hóa ngũ cốc trên thế giới suy giảm. Chỉ số giá hàng hóa theo dõi bởi Bloomberg (Bloomberg Commodity Index) trong tháng 8/2015 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999.

Theo một quan chức chính phủ, các công ty nội địa Việt Nam đang gặp khó trong lĩnh vực xuất khẩu do giá hàng hóa, nông sản và thủy hải sản trên thị trường quốc tế đang suy giảm. Hơn nữa, sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc tế cũng khiến các doanh nghiệp nội địa gặp khó trong xuất khẩu.

Trong khi đó, những công ty trong nước của Trung Quốc và Malaysia lại đang cho thấy dấu hiệu bắt kịp với những doanh nghiệp nước ngoài.

Chuyên gia kinh tế Sandeep Mahajan của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng kinh tế Trung Quốc đã phụ thuộc vào các công ty có đầu tư trực tiếp nước ngoài trong nhiều năm, nhưng từ cuối thập niên 90, những doanh nghiệp trong nước đã dần tăng tốc và bắt kịp. Hiện nay, các công ty nội địa Trung Quốc ngày càng đóng vai trò quan trọng trọng nền kinh tế cũng như xuất khẩu của nước này.

Hiện nay, tập đoàn Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam và chiếm đến 18% kim ngạch xuất khẩu năm 2014.

Chuyên gia Trinh Nguyen của Natixis cho biết các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để tận dụng chi phí nhân công giá rẻ. Khi nhiều công ty đã đầu tư vào Việt Nam, thị trường lao động sẽ gặp áp lực tăng tiền lương. Nếu chi phí nhân công tăng và thị trường Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh khác, các công ty quốc tế cần sử dụng nhiều lao động sẽ dịch chuyển đến các nước có chi phí rẻ hơn.

Quan điểm tích cực do hiệp định TPP

Nhiều chuyên gia hiện nay đều cho rằng Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất sau khi Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.

Theo ước tính, thỏa thuận thương mại này có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP lên 11% trong 10 năm tới, tương đương 36 tỷ USD, và xuất khẩu thêm 28% trong cùng kỳ. Ngoài ra, WB cũng dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh hơn so với bình quân các nước trong khu vực ASEAN tính đến năm 2017.

Hãng Fitch Ratings cũng đánh giá triển vọng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam sẽ được tăng cường đáng kể nếu hiệp định TPP được phê chuẩn bởi các thành viên tham gia hiệp định.

Phó Giám đốc Andrew Fennel khá chắc chắn về tiềm năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam bởi mô hình kinh tế dựa vào xuất khẩu trên đã được nhiều nước ứng dụng.

Mặc dù hệ thống chuỗi cung ứng của thị trường Việt Nam tại thời điểm này không hoàn toàn đủ mạnh nhưng điều đó sẽ được cải thiện trong tương lai. Kinh tế Việt Nam rõ ràng cần một khoảng thời gian để thích nghi.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM