Lợi nhuận của giáo dục tư nhân tại Việt Nam: Nhìn từ RMIT, VUS và FPT

09/11/2015 14:16 PM | Kinh doanh

Giáo dục, trong cơ chế thị trường không còn đơn thuần là lĩnh vực “trồng người” nữa, mà đã trở thành một lĩnh vực thu hút đầu tư với lợi nhuận hấp dẫn. Cái giá của bụi phấn quả thật không nhỏ một chút nào.

Không phải ai thành công cũng là kết quả của việc học hành, nghiên cứu. Không phải tỷ phú nào cũng tốt nghiệp đại học. Không phải tất cả những gì được dạy ở nhà trường đều hữu dụng…. Ai cũng biết điều đó. Nhưng đầu tư thời gian và tiền bạc vào việc học hành chưa bao giờ “lỗi mốt”. Dấu ấn của giáo dục lên con đường thành công của mỗi cá nhân, là điều không ai có thể phủ nhận được.

Theo thống kê, trong khoảng thời gian từ năm 2000 – 2013, số trường Đại học, cao đẳng (công lập/ngoài công lập) tăng trưởng không ngừng. Từ con số 178 trường năm 2000, con số đã lên tới 427 trường vào năm 2013. Tỷ lệ tăng trưởng bình quân mỗi năm lên tới 6,5%. Tốc độ tăng số trường ĐH – CĐ thậm chí còn nhanh hơn tốc độ tăng sinh viên trong giai đoạn 2000 – 2013 (bình quân tăng 6,1%/năm).

Nhìn con số các trường Đại học, cao đẳng tăng nhanh đủ để thấy mức độ hấp dẫn của lĩnh vực đầu tư này. Giáo dục, trong cơ chế thị trường không còn đơn thuần là lĩnh vực “trồng người” nữa, mà đã trở thành một lĩnh vực thu hút đầu tư với lợi nhuận hấp dẫn. Cái giá của bụi phấn quả thật không nhỏ một chút nào.

Một điểm khác nhau cơ bản giữa khối trường công lập và ngoài công lập là nguồn thu. Học phí chiếm khoảng 45% nguồn thu của các trường công lập, nhưng lại là phần lớn nguồn thu của các trường ngoài công lập. Áp lực kinh doanh, lãi lỗ đối với các trường ngoài công lập chưa bao giờ nhẹ nhàng khi họ phải loay hoay trang trải chi phí trong một ngành kinh doanh vốn có nhiều đặc thù.

Hiện các Trường học, trung tâm giáo dục tư nhân mọc lên như nấm, nhất là sau những chính sách cởi mở của Nhà nước về lĩnh vực đầu tư giáo dục. Thế nhưng, doanh thu, lợi nhuận của các cơ sở nhìn chung vẫn là một ẩn số.

RMIT Vietnam, Anh văn hội Việt Mỹ (VUS), FPT Education và Trung tâm tiếng Anh Apollo là 4 trong rất nhiều trường tư tên tuổi  hiện nay hoạt động tại Việt Nam.

Trong 4 tên tuổi nói trên, RMIT không phải là trường thành lập sớm nhất (năm 2000 mới bắt đầu hoạt động tại Việt Nam), nhưng lại là cơ sở có doanh thu ấn tượng nhất, trên 1.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây cũng là tổ chức phi lợi nhuận duy nhất trong 4 tổ chức hàng đầu này.

Tính chất phi lợi nhuận của RMIT được hiểu với việc toàn bộ lợi nhuận của trường sẽ được tái đầu tư. Có nghĩa là cổ đông của RMIT sẽ không bao giờ được chia cổ tức hay các lợi ích liên quan.

Có lẽ, với tính chất này, RMIT cũng là trường có biên lợi nhuận thấp nhất, mặc dù doanh thu thực sự nổi trội. Biên lợi nhuận của RMIT chỉ ở mức 5,5%. Có nghĩa là với 100 tỷ đồng doanh thu, RMIT chỉ đạt được 5,5 tỷ đồng LNTT.

2 trung tâm tiếng Anh Apollo và VUS mặc dù tính chất hoạt động tương đối giống nhau, nhưng kết quả hoạt động khác biệt rõ rệt. Thành lập sau Apollo 4 năm (năm 1998), chỉ hoạt động ở Tp.HCM, VUS lại có doanh thu thuần gấp 3 lần so với Apollo. So sánh số trung tâm 2 trường có, thậm chí số trung tâm của Apollo vẫn nhỉnh hơn với 19 cơ sở trên khắp các thành phố lớn ở Việt Nam, VUS chỉ có 15 trung tâm tại Tp.HCM.

Không những thua kém về doanh thu, biên lợi nhuận của Apollo cũng thấp hơn hẳn so với VUS, chỉ đạt 7,1% trong khi VUS đạt 22,36% - là một tỷ lệ tương đối lớn đối với bất kỳ ngành kinh doanh nào.

Thế nhưng, FPT Education mới là trường/cụm trường ấn tượng nhất về hiệu quả hoạt động, nếu xét về doanh thu và lợi nhuận.

Là con đẻ của Tập đoàn FPT (FPT sở hữu 100% vốn), FPT Education bao gồm gồm các đơn vị đào tạo: Trung học Phổ thông, Cao đẳng, Đại học, Liên kết Quốc tế, Phát triển Sinh viên Quốc tế, Viện Quản trị Kinh doanh, Viện Nghiên cứu Công nghệ. Ngoài ra, còn có Công ty Sáng tạo FPT Toàn cầu, các Ban chức năng và các dự án ươm tạo…

Năm 2014, FPT Education đạt 590 tỷ đồng doanh thu thuần nhưng lợi nhuận đạt được lên tới 171 tỷ đồng. Biên lợi nhuận của FPT Education lên tới 29% - là con số đáng mơ ước đối với không ít doanh nghiệp. Mặc dù đóng góp không quá nhiều vào kết quả kinh doanh của Tập đoàn, kết quả hoạt động của FPT Education xứng đáng để các trường học tư nhân học tập.

Theo Đan Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM