Việt Nam đứng thứ 9 thế giới về lạc quan kinh tế

06/02/2015 09:48 AM |

Niềm tin của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam tiếp tục cải thiện mạnh mẽ trong Quý IV/2014.

Nội dung nổi bật:

- Theo Nielsen, người tiêu dùng Việt Nam cảm thấy tốt hơn khi nhắc đến viễn cảnh của công việc cũng như tài chính cá nhân và lạc quan hơn về tương lai của nền kinh tế.

- Tình trạng của nền kinh tế hiện tại là mối quan tâm chính của NTD.

- NTD Việt Nam tiết kiệm nhất thế giới với tỷ lệ lên đến 77%. Đứng vị trí thứ 3 toàn cầu về tiết kiệm là NTD Indonesia (70%). Tỷ lệ này ở Malaysia là 67%, Philippine và Thái Lan là 63%, Singapore là 62%.


Điều này đã giúp Việt Nam đứng thứ 9 trong số các quốc gia lạc quan nhất về nền kinh tế trên toàn thế giới, với chỉ số đạt được 106 điểm (tăng 4 điểm so với Quý III/2014), theo báo cáo về Chỉ số Niềm tin NTD mới nhất được công bố bởi Công ty Nielsen.

Theo ông Vaughan Ryan, Tổng giám đốc Công ty Nielsen Việt Nam, trong hai Quý vừa qua, chỉ số niềm tin NTD Việt Nam đã có một sự tăng trưởng ý nghĩa. NTD Việt Nam cảm thấy tốt hơn khi nhắc đến viễn cảnh của công việc cũng như tài chính cá nhân và lạc quan hơn về tương lai của nền kinh tế. Ngày càng nhiều người xem xét để chi tiêu cho các kì nghỉ, quần áo mới và các thiết bị công nghệ mới. Đây là những dấu hiệu tốt cho nền kinh tế.

Cuộc khảo sát hơn 30.000 người sử dụng internet tại 60 quốc gia của Nielsen, cho thấy, NTD khu vực Đông Nam Á lạc quan nhất thế giới. Cụ thể, cùng đạt 120 điểm, NTD Indonesia và Philippines duy trì vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng các quốc gia lạc quan nhất toàn cầu, trong đó, mức tăng chỉ số niềm tin NTD của Philippines cao nhất thế giới trong Quý này (tăng 5 điểm so với Quý 3).

Thái Lan xếp thứ 5 trong bảng xếp hạng với 111 điểm (giảm 2 điểm). Mức độ niềm tin NTD của Việt Nam và Singapore cùng ở mức 100 điểm. Trong khi đó, chỉ số niềm tin NTD của Malaysia giảm 10 điểm (đạt 89 điểm), mức giảm lớn nhất toàn cầu.

Tình trạng của nền kinh tế hiện tại là mối quan tâm chính của NTD. Khoảng 1 trong số 5 NTD (chiếm 18%) được hỏi trong khu vực khẳng định nền kinh tế vẫn là mối quan tâm lớn nhất của họ trong vòng sáu tháng tới.

Tỷ lệ này ở Thái Lan là 49% và Malaysia là 38% là cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ NTD cùng chia sẻ mối quan tâm này ở Indonesia và Việt Nam lần lượt là 33% và 28% trong khi mức độ trung bình của toàn cầu về vấn đề này là 25%.

Đảm bảo việc làm được xếp là mối quan tâm thứ hai của NTD ở khu vực Đông Nam Á với tỷ lệ 14%. Singapore và Thái Lan đạt tỷ lệ 28%, Việt Nam 27%. Các mối lo lắng khác của NTD trong khu vực bao gồm: cân bằng giữa cuộc sống và công việc, vấn đề sức khỏe và sự gia tăng giá cả.

Dù vẫn rất lạc quan về nền kinh tế nhưng NTD Đông Nam Á rất “chịu khó” tiết kiệm. Có hơn 2/3 số người được hỏi (chiếm tỷ lệ 69%) tại Đông Nam Á cho biết đã chuyển số tiền nhãn rỗi vào các tài khoản tiết kiệm, tỷ lệ này trên toàn cầu là 48%.

NTD Việt Nam tiết kiệm nhất thế giới với tỷ lệ lên đến 77%. Đứng vị trí thứ 3 toàn cầu về tiết kiệm là NTD Indonesia (70%). Tỷ lệ này ở Malaysia là 67%, Philippine và Thái Lan là 63%, Singapore là 62%.

Không những tiết kiệm, khoảng 33% NTD Malaysia, 32% NTD Indonesia và 30% NTD Thái Lan chuyển tiền nhàn rỗi vào các quỹ đầu tư, trong khi 32% NTD Phlippine và 31% Singapore sử dụng số tiền đó để trả các khoản nợ còn 24% NTD ở Singapore và 22% Maylaysia dùng tiền nhàn rỗi để dành cho các khoản chi tiêu sau khi nghỉ hưu - mức này cao gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu (11%).

Ông Vishal Bali, Giám đốc điều hành bộ phận Nghiên cứu hành vi NTD Công ty Nielsen khu vực Đông Nam Á, Bắc Á và châu Á Thái Bình Dương, cho rằng: “NTD khu vực Đông Nam Á đang xây dựng kế hoạch chu toàn cho tương lai tài chính của họ. Với các khoản thu nhập sẵn có hiện tại nhiều hơn bao giờ hết, NTD trong khu vực đang sử dụng cho hai mục đích chính là đầu tư và tiết kiệm, điều này đã làm gia tăng mạnh nhu cầu về dịch vụ của ngành ngân hàng và tài chính”.

Trong khi việc thiết lập các khoản tài chính an toàn được NTD khu vực quan tâm thì việc chi tiêu cho các kỳ nghỉ lại là xu hướng của gần một nửa NTD Singapore (49%) và 2/5 NTD Thái Lan (44%). Tỷ lệ này ở Indonesia và Việt Nam là 40%, Malaysia là 39%. Bên cạnh đó, khoảng 1/3 NTD ở Philippine và Việt Nam (35%) sẵn sàng chi tiêu cho việc mua sắm quần áo mới.

Dù vẫn chi cho du lịch và mua sắm nhưng NTD đã bắt đầu thay đổi thói quen tiêu dùng. Khảo sát của Nielsen cũng chỉ ra rằng, có 88% NTD Thái Lan, 86% NTD Việt Nam, 85% NTD Malaysia , 80% NTD Indonesia và Philippine đã điều chỉnh thói quen mua sắm nhằm hạn chế chi tiêu cho gia đình vì họ nghĩ rằng nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi suy thoái.

Có đến 75% NTD Malaysia và 62% NTD Philippine đang giảm dần chi tiêu cho các khoảng mua sắm quần áo mới trong khi 60% NTD Việt Nam và 56% NTD Thái Lan, Malaysia đang cắt giảm các khoản dành cho việc vui chơi giải trí bên ngoài.

NTD cũng đang chú trọng giảm chi cho việc nâng cấp các thiết bị công nghệ và tiếp cận các nhãn hàng bán lẻ giá rẻ, tiết kiệm chi phí.

>> Người tiêu dùng Việt Nam: lạc quan về tương lai, thực tế với hiện tại

Cùng chuyên mục
XEM