Việc SCIC thoái vốn sẽ không gây ra biến động thị trường

17/10/2015 08:24 AM |

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ thực hiện thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp lớn của Việt Nam theo yêu cầu của Chính phủ. Động thái này đã tạo ra sự chú ý của giới chuyên môn, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính về những vấn đề liên quan.

Thưa ông, thông tin SCIC thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp lớn, trong đó có nhiều doanh nghiệp hiện là các “blue chips” trên thị trường chứng khoán, sẽ tác động tới thị trường như thế nào?

Ông Đặng Quyết Tiến: Yêu cầu thoái vốn của SCIC được Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 1787/TTg-ĐMDN về đề án tái cơ cấu SCIC. Trong đó, nêu rõ, việc thoái vốn phải chọn thời điểm thích hợp và phải có phương án cụ thể, đảm bảo “đạt được lợi ích cao nhất.”

Theo yêu cầu của Chính phủ, các phương án thoái vốn của SCIC đều phải đảm bảo không làm ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, quyền lợi người lao động và không gây biến động trên thị trường.

Điển hình với trường hợp Vinamilk, việc thoái vốn của SCIC phải đảm bảo không gây ảnh hưởng tới thị trường sữa, người tiêu dùng….

Vinamilk là một doanh nghiệp lớn, một trong những công ty nắm quyền chi phối giá sữa trên thị trường. Do vậy, mặc dù Nhà nước tiến hành thoái vốn khỏi doanh nghiệp này nhưng vẫn phải đảm bảo quy tắc, quản lý thị trường theo đúng luật và quy định. Các nhà đầu tư mới nắm giữ lượng cổ phiếu sau khi được bán ra đều phải cam kết đảm bảo các yêu cầu mà Nhà nước và Chính phủ đã đề ra.

Việc thoái vốn này có nằm trong kế hoạch tái cấu trúc đầu tư của SCIC?

Ông Đặng Quyết Tiến: Quyết định này nằm trong tổng thể chung, chỉ đạo chung của Đảng và Nhà nước. Nó khẳng định quyết tâm mà Chính phủ đã thể hiện trong thông điệp được quy định ở Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước trong quản lý đầu tư doanh nghiệp. Đó là Nhà nước sẽ thu hẹp lại các lĩnh vực kinh tế mà thành phần kinh tế tư nhân có thể làm được.

Điều này có nghĩa là với những doanh nghiệp mà bản thân họ đã thực hiện tốt thì Nhà nước sẽ thu vốn về để đầu tư vào những lĩnh vực khác mà Nhà nước cần phải nắm giữ trong các vấn đề an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và đầu tư hạ tầng cơ sở…

Đây là định hướng và mục tiêu chung của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã đưa ra. SCIC là một đơn vị được Nhà nước giao quản lý, đầu tư theo mô hình doanh nghiệp. Vì vậy, SCIC cũng phải có một kế hoạch thoái vốn để tập trung nguồn lực đầu tư những mục tiêu mà Chính phủ đã quy định trong bốn lĩnh vực kể trên. Lộ trình thoái vốn tại các doanh nghiệp này sẽ do SCIC quyết định.

Đầu năm nay, Quốc hội đã thông qua mục tiêu giữ bội chi ngân sách 5%. Vậy có thể hiểu việc thoái vốn này của SCIC là nhằm mục đích ổn định ngân sách, giữ vững mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra?

Ông Đặng Quyết Tiến: Trần bội chi ngân sách và cân đối ngân sách là giải pháp liên quan tới phân bổ ngân sách và điều hành chung của Chính phủ và Bộ Tài chính. Có rất nhiều giải pháp khác nhau để điều hành kinh tế vĩ mô theo mục tiêu này.

Tuy nhiên, nguồn thu thoái vốn lần này đã được quy định trong Nghị quyết của Đảng từ Nghị quyết Trung ương 3 khóa 9 trong đó nêu rõ việc bán vốn Nhà nước là để tập trung tại một quỹ mà hiện nay đang được SCIC nắm giữ. Chính phủ đã quy định rõ về việc sử dụng như thế nào, mục tiêu của quỹ để tái đầu tư vào các ngành nghề, tới lĩnh vực mà Nhà nước phải nắm giữ khi thực hiện Nghị định.

Khoản tiền thu hồi sau thoái vốn sẽ được sử dụng để tái đầu tư cho nền kinh tế.

Hội nghị Trung ương khóa vừa rồi cũng quy định những mục tiêu mà Nhà nước đầu tư; trong đó ưu tiên hàng đầu cho những lĩnh vực mà Nhà nước vẫn phải nắm giữ, ví dụ như an sinh xã hội, bệnh viện, trường học hay an ninh quốc phòng, năng lượng.

Khi dùng nguồn vốn này để đầu tư thì ngân sách sẽ không phải bỏ ra để đầu tư và vốn đầu tư này sẽ đóng vai trò là nguồn vốn mồi để Nhà nước có điều kiện kêu gọi xã hội đầu tư vào.

- Xin cảm ơn ông.

Theo Thùy Dương

Cùng chuyên mục
XEM