Vì sao tiền điện cao bất thường?
Hàng loạt hộ tiêu dùng điện ở các đô thị lớn như TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ… la hoảng với các hóa đơn tiền điện cao bất thường.
Bà Nguyễn Thị Thanh Trang (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM) sửng sốt khi chỉ số điện năng tiêu thụ của mỗi tháng 5 và tháng 6-2015 cao hơn 4,5 lần so với tháng trước.
Cụ thể, trong tháng 4-2015 gia đình bà chỉ trả hơn 176.000 đồng nhưng liên tiếp hai tháng sau số tiền điện trên 810.000 đồng/tháng. Tuy vậy, đây chưa phải là “khủng” vì TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế nói: “Tôi đã cầm trên tay một hóa đơn tiền điện tăng gấp tám lần so với bình quân các tháng trước đó. Có gia đình đi vắng hai tháng nhưng hóa đơn tiền điện vẫn tăng gấp đôi”.
Sốc với tiền điện tăng
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thủ Đức, từ ngày 16-3 giá điện áp theo mức giá mới. Ngoài ra, trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6-2015 do trời nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện tăng.
“Khi thời tiết nắng nóng, việc sử dụng máy điều hòa sẽ tốn điện hơn lúc mát mẻ. Đây là những nguyên nhân chính yếu làm chỉ số điện tiêu thụ gia tăng, dẫn đến tiền điện nhiều khách hàng phải trả tăng theo. Tuy nhiên, với các trường hợp cụ thể (như bà Trang - NV), chúng tôi sẽ kiểm tra lại.
Trường hợp khách hàng có nghi ngờ về tính chính xác của đồng hồ điện thì chúng tôi sẽ kiểm tra, trả lời ngay. Nếu vẫn không đồng tình, khách hàng được quyền đưa đồng hồ điện đi kiểm định ở một đơn vị độc lập” - ông Phong khẳng định.
Khách trả tiền điện theo bậc thang lũy tiến.
Liên quan đến việc tăng giá điện, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) cũng đưa ra bản so sánh giữa đơn giá điện sinh hoạt cũ (áp dụng từ ngày 1-6-2014) và mới (áp dụng từ ngày 16-3-2015) cho thấy giá điện mới chỉ tăng 96-188 đồng/kWh, tùy sản lượng điện tiêu thụ. Như vậy, giá điện mới tăng không quá 8% so với giá cũ.
Tuy vậy, giám đốc một điện lực khu vực trực thuộc EVN HCMC cho biết chính vì thông tin giá điện tăng không quá giá điện mới tăng bình quân 7,5% đã làm nhiều người phản ứng. “Họ đặt vấn đề vì sao giá điện bình quân chỉ tăng 7,5% nhưng thực tế tiền điện chi trả lại tăng gấp nhiều lần.
Tuy nhiên, đây chỉ là mức tăng bình quân, còn thực tế khách hàng sử dụng điện sinh hoạt phải trả tiền theo bậc thang lũy tiến. Cho nên khi xài điện nhiều gấp đôi thì tiền điện phải trả có thể gấp 2,5-3 lần so với trước” - vị này nói.
Cần tính lại biểu giá điện sinh hoạt
Theo Thanh tra Sở Công Thương TP.HCM (đơn vị chuyên giải quyết khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực điện - NV), vừa qua có một số người dân phàn nàn giá điện tăng cao bất thường song đơn vị chưa nhận được đơn yêu cầu giải quyết cụ thể nào. Tuy vậy, người dân sử dụng điện sinh hoạt ở nhiều quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Phú… (TP.HCM) đã có phản ánh về giá điện.
Tình trạng này cũng diễn ra nhiều nơi ở khu vực miền Tây, do Tổng Công ty Điện lực miền Nam phân phối điện. Theo TS Long, một trong những nguyên nhân chính khiến việc tiền điện của nhiều hộ dân tăng cao, gây ra phản ứng mạnh hơn so với các lần trước là việc áp dụng biểu giá điện mới, tính lũy tiến theo bậc thang.
Cụ thể, theo biểu giá điện mới, một hộ dân xài 200 kWh/tháng thì chỉ trả gần 362.395 đồng (đã có VAT). Nhưng nếu xài đến 300 kWh/tháng (tăng 50% lượng điện) thì số tiền phải trả hơn 609.000 đồng (tăng gần 1,7 lần). Tương tự, nếu lượng điện tăng gấp đôi (từ 200 kWh lên 400 kWh/tháng) thì số tiền phải trả tăng hơn 2,4 lần (với số tiền hơn 1.453.000 đồng)… TS Long cho rằng giá điện sinh hoạt vốn cao (cao nhất đến 2.587 đồng/kWh), trong khi giá điện bình quân chỉ 1.600 đồng/kWh.
Ngoài ra, cách tính giá điện theo biểu lũy tiến hiện nay có lợi cho ngành điện. Theo cách tính này, người sử dụng điện sinh hoạt càng nhiều phải trả tiền càng cao. Điều này ngược với nguyên lý thị trường là càng sử dụng nhiều một loại hàng hóa, dịch vụ nào đấy thì giá càng rẻ.
“Do vậy, Bộ Công Thương và EVN nên tính toán lại biểu giá điện. Theo đó, mức tiêu dùng sinh hoạt chủ yếu hiện nay 100-300 kWh nên cần tính toán lại biểu lũy tiến ở trong khung này cho phù hợp” - TS Long đề nghị.
Không loại trừ tiền tăng do ghi sai
Một số bạn đọc nêu nghi vấn với Pháp Luật TP.HCM về việc “đẩy” tiền điện, đặc biệt trong các tháng cao điểm, nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Ví dụ, trong tháng 4-2015 lượng điện tiêu thụ của một hộ là 250 kW. Nhưng nhân viên chỉ ghi 200 kW và “chuyển” 50 kW cho tháng sau. Đến tháng 5-2015 vào cao điểm nắng nóng, lượng điện sử dụng khoảng 351 kW (tăng so với tháng trước 100 kW). Nhưng cộng thêm lượng điện “để dành” thì hóa đơn tính tiền điện của tháng 5-2015 sẽ là 401 kW thì tiền điện người dân trả càng cao do áp vào biểu giá mức cao hơn.
Thực tế điều này đã xảy ra. Cách đây vài ngày ngành điện kiểm tra, xác nhận nhân viên ghi không đủ lượng điện trong tháng 4-2015 đã để dồn qua tháng sau. Do vậy, số tiền điện mà người này trả trong kỳ tháng 6-2015 tăng cao. Sau đó điện lực đã giảm lượng điện từ 380 kWh xuống còn 270 kWh và hoàn lại số tiền thu vượt cho người dân.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Trưởng ban Quan hệ cộng đồng, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM, khẳng định: “EVN HCMC đã khuyến cáo rõ đối với toàn thể nhân viên, nếu để xảy ra tình trạng này sẽ mất việc ngay. Giả sử nếu có việc dồn chỉ số điện thì bản thân người ghi chỉ số điện hay ngành điện cũng không có lợi vì việc thu chi phải theo nguyên tắc tài chính chặt chẽ. Do vậy, nếu có thì đây là tình trạng cá biệt, xuất phát từ sự sơ sót, thiếu trách nhiệm của cá nhân cụ thể”.
Tăng7,5% giá điện, doanh thu tăng 13.000 tỉ đồng
Từ năm 2007 đến nayđã có tám lần giá điện được điều chỉnh và trong đó đợt tăng giá mới đây lên tới 7,5%.
Tháng 1-2015, EVN có tờ trình xác định các chi phí đầu vào tăng khoảng 12,8% nhưng kiến nghị tăng 9,5%.Sau đó Chính phủ quyết mức 7,5%.Với mức này, dự kiến doanh thu năm 2015 của EVN tăng khoảng 13.000 tỉ đồng.
Giá điện ở Việt Nam không minh bạch!
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) luôn lấy số liệu so sánh đầu ra với các nước khác trong khu vực để dẫn chứng giá điện trong nước rẻ hơn các nước khác, trong khi đó chi phí đầu vào của giá điện rất thấp. Đơn cử Malaysia, Singapore là những nước sản xuất điện bằng dầu, giá cũng chỉ có 7 cent/kWh nhưng ở Việt Nam, thủy điện chiếm 40% nguồn phát điện giá rẻ nhưng giá điện lại xấp xỉ với các nước.
TS NGÔ TRÍ LONG, chuyên gia kinh tế
Bộ Tài chính sẽ phối hợp xem xét lại biểu giá điện
Biểu giá điện do Bộ Công Thương xây dựng, Bộ Tài chính chỉ tham gia phối hợp. Việc quy định giá điện hiện nay theo nguyên tắc dùng càng nhiều thì giá càng cao, tương tự như giá nước và các mặt hàng khác có yêu cầu sử dụng điện tiết kiệm. Thời gian qua, hóa đơn tiền điện tăng cao có thể do nắng nóng, người dân sử dụng nhiều thiết bị điện. Nếu hóa đơn tiền điện tăng lên do sai sót về mặt kỹ thuật thì ngành điện phải kiểm tra. Nếu bậc thang tính giá điện bất hợp lý, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Công Thương xem xét, nghiên cứu.
Bà NGUYỄN THỊ THÚY NGA,
Cục phó Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính