TS. Lưu Bích Hồ: Cần có một cuộc "đổi mới lần thứ hai"

17/09/2015 09:15 AM |

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII dự kiến diễn ra trong năm 2016, hiện vẫn còn thời gian để góp ý vào các văn kiện của đại hội. Tôi thấy rằng, đại hội cần tiến hành đánh giá sâu sắc hơn về tình hình đất nước, như nền kinh tế bất ổn, tăng trưởng suy giảm, xã hội nảy sinh nhiều vấn đề gay gắt, phức tạp...

Nhiều ý kiến cho rằng, cần có một cuộc "đổi mới lần thứ hai" để tạo động lực giúp kinh tế - xã hội thoát khỏi sức ì và phát triển mạnh hơn. Do đó, cần tiến hành việc này thật khẩn trương, có bài bản như trước Đại hội VI, năm 1986 đã làm: Chỉ trong nửa năm, đã thay đổi hẳn báo cáo chính trị.

Đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhìn lại và đánh giá một cách cơ bản, toàn diện, sâu sắc tình hình hiện nay và rút ra bài học kinh nghiệm để làm căn cứ đi tới những quyết định đổi mới cho giai đoạn mới cả về kinh tế, chính trị và xã hội. Đây là việc quan trọng bậc nhất để tiến tới Đại hội XII.

Từ thành tựu đổi mới trong những năm qua, chỉ cần điều chỉnh, bổ sung, đổi mới thêm, từ đó, điều chỉnh lại các văn kiện đại hội cho phù hợp, đồng thời tạo tiền đề cho việc chuẩn bị tốt nhân sự cấp cao của Đảng khóa tới. Muốn vậy, phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và từ đó rút ra kết luận cần thiết cho đổi mới lần thứ hai.

Trong khuôn khổ các dự thảo văn kiện đã có, tôi đề nghị bổ sung những điểm sau.

Thứ nhất, hoàn chỉnh định nghĩa kinh tế thị trường định hướng XHCN. Định nghĩa đã có, nên sửa lại ngắn gọn, chỉ nêu những nội dung khái quát nhất, phù hợp với tình hình trước mắt ở nước ta, bối cảnh quốc tế và có ý nghĩa cơ bản lâu dài.

Trong đó, cần xem xét lại vấn đề kinh tế Nhà nước với những tồn tại không tốt cho nền kinh tế trong nhiều năm qua, đồng thời làm khó cho việc thực thi các chính sách của Nhà nước đối với các doanh nghiệp nói chung.

Đó là chưa kể đến tình trạng tham nhũng, tiêu cực nảy sinh trong khu vực này làm tổn hại đến lợi ích quốc gia. Đương nhiên, một số doanh nghiệp Nhà nước có vai trò quan trọng và có kết quả hoạt động tốt nhưng không nhiều và phải lấy đó làm bài học chung cho khu vực doanh nghiệp Nhà nước.

Thứ hai, trong một nền kinh tế thị trường đầy đủ phải có đa sở hữu, kể cả đất đai. Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định rộng hơn quyền sử đụng đất nhưng để thực hiện đầy đủ quyền này, còn phải mất rất nhiều thủ tục, cả thời gian sử dụng.

Điều này gây trở ngại đáng kể khi nông dân tích tụ, tập trung ruộng đất, tổ chức sản xuất lớn và ứng dụng khoa học - công nghệ. Vấn đề này cũng đã được đặt ra khi sửa đổi Hiến pháp và Luật Đất đai nhưng chưa thay đổi. Đây là vấn đề trọng đại, có thể trưng cầu ý dân.

Thứ ba, Nhà nước từ trung ương đến địa phương cần bớt làm kinh tế trực tiếp để chăm lo cho các việc đích đáng hơn như dịch vụ công, quản lý kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường. Đây là mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, không thể lẫn lộn và thay thế nhau.

Nhà nước trung ương lo việc hoạch định chính sách, điều tiết, quản lý nền kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh tế, đối ngoại, quốc phòng an ninh, còn chính quyền địa phương không có chức năng này, nên cần đổi mới hơn nữa. Riêng việc quản lý kinh tế, cần chuyển mạnh sang quản lý theo vùng và liên kết vùng, tránh tình trạng chia cắt không gian kinh tế ở các địa phương.

Việc cải cách chính trị phải bắt đầu từ đổi mới Đảng để dẫn tới thay đổi hệ thống chính trị Nhà nước. Các vấn đề cần được bàn bạc thấu đáo để có một nhà nước pháp quyền thật sự hướng tới hiện đại và phù hợp với trình độ phát triển hiện nay của nước ta, cũng thể hiện được định hướng XHCN rõ ràng và phù hợp hơn.

TS.LƯU BÍCH HỒ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển

Cùng chuyên mục
XEM