Trung Quốc thoát giảm phát nhờ ... lợn

11/09/2015 15:48 PM |

Tình trạng khan hiếm đẩy giá thịt lợn lên cao đã trở thành phao cứu sinh cho nền kinh tế Trung Quốc, giúp chống lại đà suy thoái mà các chuyên gia đã cảnh báo có thể phá hủy các nền kinh tế trên toàn cầu.

Từ trước đến nay, các số liệu kinh tế của chính phủ Trung Quốc luôn được ví với một chiếc "hộp đen" vì người ta nghi ngờ đôi lúc chúng không phản ánh chính xác những gì đang diễn ra và có thể bị nhào nặn. Tuy nhiên, có một chỉ số kinh tế rất dễ nắm bắt phản ánh khá sát thực tế nền kinh tế Trung Quốc: giá thịt lợn.

Với mức tiêu thụ bình quân là 100g/người/ngày, thịt lợn trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc. Tình trạng khan hiếm đẩy giá thịt lợn lên cao đã trở thành phao cứu sinh cho nền kinh tế Trung Quốc, giúp chống lại đà suy thoái mà các chuyên gia đã cảnh báo có thể phá hủy các nền kinh tế trên toàn cầu.

Trong tháng 8, giá thịt lợn tăng 19,6% so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng tăng thứ 3 liên tiếp trong năm. Giá thịt tăng cao kích thích lạm phát trên diện rộng.

Theo số liệu từ Cục thống kê Trung Quốc, chỉ số lạm phát tháng 8 đạt 2%, tăng 0,4% so với tháng trước. Đây được xem là một tín hiệu đáng mừng giúp xua tan nỗi lo giảm phát tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Julian Evans-Pritchard - chuyên gia kinh tế thuộc Capital Economics cho biết: “Nguồn cung thịt lợn thiếu hụt từ vài tháng trở lại đây. Diễn biến này sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá thịt lợn.”

Paul Donovan, Giám đốc quản lý kinh tế toàn cầu thuộc ngân hàng UBS nhận định rằng: "Thực phẩm vốn là một biến số quyết định trong công thức tính CPI của Trung Quốc, và hiện nay nó trở thành động lực chính thúc đẩy chỉ số lạm phát."

Thậm chí, một số nhà phân tích còn nói đùa rằng CPI của Trung Quốc còn có thể gọi là “chỉ số thịt lợn” nhằm ám chỉ tầm quan trọng của giá thịt lợn trong việc xác định chỉ số lạm phát trong những tháng gần đây.

Theo số liệu được cung cấp bởi Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, giá thịt lợn đã được đẩy lên bởi nhu cầu ngày càng tăng và ngày càng vượt xa cung. Hơn nữa số lượng lợn nái gần đây đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, theo dữ liệu Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết.

Capital Economics cho rằng yếu tố cung cầu cộng với cho phí chăn nuôi cao khiến giá thịt lợn sẽ giữ mức cao cho đến năm 2016.

Tuy nhiên sự thay đổi từ lợn được nuôi trong tiểu trang trại sang những trang trại lớn hơn sẽ khiến giá ít biến động hơn so với năm 2007 và năm 2011. Trung Quốc không phải là quốc gia tiêu biểu trong việc xuất khẩu thực phẩm. Như vậy, chỉ số lạm phát cao tại Trung Quốc ít ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác trên thế giới.

Những lo ngại về sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc đã làm náo loạn thị trường tài chính, kích hoạt cơn bán tháo khủng khiếp khiến cho 5000 tỷ USD giá trị cổ phiếu bay ra khỏi TTCK Trung Quốc.

Các số liệu kim ngạch xuất khẩu gần đây không giúp gây dựng lòng tin cho nền kinh tế Trung Quốc mà thậm chí còn đưa ra cảnh báo rằng sự suy giảm có thể biến thành một pha “hạ cánh cứng” kéo theo các nền kinh tế khác lao xuống theo nó. Do đó, nhu cầu giảm cũng trở thành mối lo sợ rằng lạm phát sẽ biến thành giảm phát. Tuy nhiên giá thịt lợn tăng đã làm xoa dịu mối lo sợ trên.

Hơn 3 năm trở lại đây, giá hàng hóa đều ở tình trạng giảm phát và đặc biệt giảm sâu trong tháng 8 khiến cho giới chức Trung Quốc phải đặt ra nhiều biện pháp để kích thích nền kinh tế.

 

 

Theo Thảo Trang

Cùng chuyên mục
XEM