TS Lê Đăng Doanh: Nhập lậu từ Trung Quốc có thể “giết chết” doanh nghiệp Việt

10/09/2015 09:10 AM |

Nếu không có biện pháp ngăn chặn lợi ích nhóm trong kiểm soát buôn lậu hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam, thì đó sẽ là mối đe dọa rất lớn, doanh nghiệp trong nước có thể không sống được nữa, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ như thời gian qua, theo chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh.

Trao đổi với người viết bên lề diễn đàn “Mekong Connect Ceo Forum 2015” được tổ chức tại Thành phố Cần Thơ vào tuần rồi, chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh cho rằng về mặt lý thuyết, phá giá đồng nhân dân tệ sẽ không ảnh hưởng ngay đến xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, mà sau thời gian thực hiện hết hợp đồng đã ký mới tác động.

Tuy nhiên, theo ông Doanh, trong thực tế, tình hình buôn lậu, hàng giả có nguồn gốc từ Trung Quốc vào Việt Nam vốn đã rất nhiều và sẽ còn tiếp tục tăng do giá sản phẩm giảm vì phá giá đồng nhân dân tệ. Căn cứ vào con số chênh lệch thống kê giữa Việt Nam và Trung Quốc lên đến 20 tỉ USD vào năm 2014 cho thấy nhập lậu từ quốc gia này vào Việt Nam là rất lớn.

“Chỉ cần lấy tỉ giá 20.000 đồng/USD nhân với 20 tỉ đô la Mỹ thôi, chúng ta có thể thấy khối lượng nó lớn đến như thế nào, hàng hóa Trung Quốc tràn vào Việt Nam như thế nào”, ông Doanh nói.

Không dừng lại ở đó, một lý do khác cũng khiến tình trạng hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng nhiều, theo ông Doanh đó là có không ít doanh nghiệp trong nước làm ăn gian dối, lấy hàng hóa, linh kiện Trung Quốc về lắp ráp rồi lấy mác hàng Việt Nam.

“Như vậy, khi chúng ta mua hàng Trung Quốc, chúng ta đã nuôi công nhân Trung Quốc và nộp vào ngân sách Trung Quốc, chứ ngân sách Việt Nam đâu được lợi gì, công nhân Việt Nam ai sẽ nuôi?”, ông đặt vấn đề.

Theo ông Doanh, trong khi nhập lậu không phải chịu thuế, còn doanh nghiệp trong nước vẫn phải chịu 10% thuế VAT, thì rất có thể hàng hóa Trung Quốc sẽ chiếm lĩnh hết thị trường trong nước.

“Cho nên với tình hình như thế này, tôi nghĩ Nhà nước phải thay đổi hẳn thái độ đối với hàng hóa biên mậu, phải xử lý nghiêm đối với buôn lậu. Đấy là những biện pháp mà doanh nghiệp trông đợi ở cơ quan Nhà nước phải thực hiện”, ông khẳng định.

Theo ông Doanh, phải siết chặt quản lý và nhận thức rõ lợi ích nhóm. “Lâu nay, việc chống buôn lậu chúng ta chỉ bắt được vài ba ông chở thuê, còn những ông đầu nậu, tổ chức buôn lậu thì tại sao không bắt được, mà lẽ ra chúng ta phải bắt những ông này?”, ông đặt vấn đề.

Ông Doanh khẳng định có tình trạng bảo kê đã xảy ra ở đây. “Tôi thấy rồi, ngay cả những người không có chuyên môn cũng thấy buôn lậu, nhưng sao không “trị” được ai cả, rõ ràng là có xảy ra trường hợp bảo kê”, ông cho biết.

Theo ông Doanh, để ngăn chặn buôn lậu, Quốc hội phải vào cuộc và phải có sự giám sát độc lập, có quyết định rõ ràng, kiên quyết xử lý những người/đơn vị vị phạm.

Cũng theo ông Doanh, sắp tới tình hình kinh tế Trung Quốc sẽ còn rất nhiều biến động bởi vấn đề của họ không đơn thuần chỉ có sụt giảm chứng khoán, mà thị trường này có rất nhiều cái “bệnh”, trong đó căn bệnh lớn của Trung Quốc là thừa công suất.

“Ví dụ, công suất sản xuất thép của Trung Quốc hiện đến 1,2 tỉ tấn/năm, trong khi sử dụng chỉ có 500 triệu tấn thôi, như vậy, số dư còn lại phải đổ đi đâu, bắt buộc họ phải tính toán và như vậy những khó khăn của họ có thể đẩy sang các nước khác, chứ không phải một mình Trung Quốc chịu đựng”, ông Doanh cho biết.

Huỳnh Văn

Cùng chuyên mục
XEM