Trung Quốc đang 'uống thuốc độc' để giải khát

10/09/2015 09:11 AM |

Một vòng trong luẩn quẩn đang được thành lập tại Trung Quốc. Dòng vốn rút khỏi nước này càng nhiều, giá Nhân dân tệ càng giảm và chính phủ càng phải bỏ tiền cứu thị trường. Nhưng điều này cũng càng làm nhà đầu tư sợ hãi và tích cực tìm cách thoái vốn.

Trung Quốc đang bơm hàng tỷ USD để hỗ trợ Nhân dân tệ, qua đó làm xói mòn dự trữ ngoại hối của mình. Riêng trong tháng 8/2015, ngân hàng trung ương nước này (PBOC) đã chi 93,9 tỷ USD cho thị trường tài chính, khiến dự trữ ngoại hối giảm còn 3,56 nghìn tỷ USD. Con số này cao gấp đôi so với tháng 7 khi mức chi tiêu chỉ là 50 tỷ USD.

Rõ ràng, PBOC đang tích cực bán ra đồng USD nhằm nỗ lực duy trì tỷ giá. Tuy nhiên, tốc độ giảm dự trữ ngoại hối nhanh chóng cho thấy Nhân dân tệ sẽ tiếp tục giảm giá và nhu cầu đối với đồng tiền này hiện nay trên thị trường chỉ là giả tạo.

Nhân dân tệ giảm giá đang thúc đẩy làn sóng rút vốn khỏi quốc gia này bởi đồng tiền này càng mất giá, chi phí dịch chuyển tài sản ra khỏi đất nước càng cao. Với nhiều dấu hiệu cho thấy Nhân dân tệ sẽ còn hạ nữa, chắc chắn nhà đầu tư tại đây sẽ cố gắng tìm cách rút lui khỏi thị trường này.

Hậu quả là một vòng tròn luẩn quẩn được thành lập, bởi dòng vốn rút càng nhiều thì chính phủ càng phải bơm tiền hỗ trợ tỷ giá, qua đó càng làm các nhà đầu tư sợ hãi.Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh không thể không cứu thị trường bởi một sự sụp đổ trong cả chứng khoán lẫn tiền tệ đều sẽ tác động mạnh đến toàn nền kinh tế cũng như xã hội, chính trị của nước này.

Chuyên gia kinh tế trưởng tại Châu Á của Bloomberg, ông Tom Orlick nhận định điều đáng lo ngại hiện nay là các dữ liệu được công bố đang ủng hộ quan điểm rằng Nhân dân tệ sẽ đi xuống, khiến các dòng vốn tiếp tục rút khỏi thị trường.

Số liệu mới công bố cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc tháng 8/2015 đều sụt giảm. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái, còn xuất khẩu giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ việc bảo vệ tỷ giá và rút vốn khỏi Trung Quốc là không hề nhỏ. Theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, Trung Quốc đang bán bớt trái phiếu chính phủ Mỹ mà họ nắm giữ nhằm hỗ trợ thị trường.

Với lượng trái phiếu Mỹ khổng lồ mà nước này đang nắm giữ, động thái này của chính quyền Bắc Kinh có thể khiến chi phí vay của Mỹ tăng lên và tác động đến nền kinh tế số 1 thế giới.

Theo ông Orlick, hiện chưa có dấu hiệu bán mạnh trái phiếu Mỹ nhưng rõ ràng động thái của Trung Quốc đang tạo áp lực tăng lãi suất trái phiếu Mỹ. Do lãi suất trái phiếu Mỹ là chỉ số đo lường chủ chốt của thị trường tín dụng quốc tế nên nếu lãi suất này tăng, chi phí vay nợ của các thị trường khác sẽ tăng theo.

Ngày 11/8, PBOC gây bất ngờ toàn thế giới khi phá giá đồng Nhân dân tệ và điều chỉnh quy chế điều hành tỷ giá. Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối giảm mạnh cũng như những tuyên bố gần đây của các quan chức cho thấy giá Nhân dân tệ đã giảm sâu quá mức so với kế hoạch của những nhà hoạch định chính sách. Hãng Barclays cho rằng việc giảm giá mạnh của Nhân dân tệ sau ngày 11/8 đã làm bất ngờ chính quyền Bắc Kinh và họ đã liên tục can thiệp để tình trạng này không lặp lại.

Hiện chưa rõ thị trường tài chính Trung Quốc sẽ đi về đâu, nhưng rõ ràng dự trữ ngoại hối của nước này sẽ là nạn nhân của các chính sách sai lầm từ chính phủ. Các kịch bản dự đoán của Barclays đều cho thấy dự trữ ngoại hối của nước này sẽ còn giảm tiếp trong thời gian tới.

Hãng Societe Generale cho rằng chính quyền Bắc Kinh muốn duy trì mức dự trữ ngoại hối an toàn nên họ có thể sẽ chỉ chi 1 nghìn tỷ USD để hỗ trợ thị trường. Vì vậy, Societe dự đoán PBOC có thể chỉ duy trì việc hỗ trợ thị trường trong nhiều tháng nhưng không thể trong nhiều năm.

Về tỷ giá Nhân dân tệ, cả Barclays và Societe đều dự đoán đồng tiền này sẽ mất giá 7% so với USD vào cuối năm.

Theo Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM