“Trung Quốc có thể kéo cả thế giới rơi vào suy thoái”
Nếu tình trạng suy giảm kinh tế của Trung Quốc tiếp diễn trong những năm tới sẽ kéo tốc độ phát triển kinh tế toàn cầu xuống dưới 2% - ngưỡng tương đương với suy thoái.
Quên đi tất cả các loại giày dép, đồ chơi và nhiều mặt hàng xuất khẩu khác. Trung Quốc sẽ sớm mang đến “một sản vật” mới cho thế giới đó là SUY THOÁI.
Đây là dự đoán của Ruchir Sharma – chủ tịch khối thị trường mới nổi tại công ty quản lý đầu tư Morgan Stanley – người cho rằng nếu tình trạng suy giảm của Trung Quốc tiếp diễn trong những năm tới sẽ kéo tốc độ phát triển kinh tế toàn cầu xuống dưới 2% - ngưỡng tương đương với suy thoái. Có lẽ đây sẽ là tình trạng sụt giảm toàn cầu đầu tiên trong 50 năm qua mà không có “đóng góp” của Mỹ.
“Thảm họa suy thoái toàn cầu tiếp theo sẽ được tạo ra do Trung Quốc”, Sharma – người đang quản lý hơn 25 tỷ USD nói trong một bài phỏng vấn với tờ Bloomberg tại New York. “Khoảng 2 năm tới đây, Trung Quốc có thể là nguồn cơn gây tổn thương lớn nhất cho kinh tế toàn cầu”.
Trong khi tốc độ phát triển của Trung Quốc chậm lại, sự ảnh hưởng của quốc gia này ngày một tăng lên khi họ trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Trung Quốc chiếm 38% tốc độ phát triển toàn cầu vào năm ngoái, tăng 23% so với năm 2010 theo đánh giá của Morgan Stanley. Họ là nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới về đồng, nhôm, cotton và là đối tác thương mại lớn nhất của các quốc gia như Brazil và Nam Phi.
Quỹ tiền tệ quốc tế IMF vào tuần trước đã cắt giảm dự báo tốc độ phát triển toàn cầu trong năm nay xuống còn 3,3%, giảm so với dự đoán 3,5% vào tháng 4. Trong khi đó, dự đoán của IMF với Trung Quốc vẫn ở mức 6,8%, mức thấp nhất kể từ năm 1990 và tuyên bố quốc gia này đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm ra một mô hình phát triển mới và vì vậy gây rủi ro cho đà hồi phục toàn cầu.
Mặt khác, kinh tế Trung Quốc cũng tiếp tục bị chậm lại khi đất nước này khó khăn trong việc giảm nợ. Chính vì vậy, việc giảm thêm 2% là đủ khiến thế giới rơi vào suy thoái. Điều đáng nói là, hầu hết những cuộc suy thoái trước đó của thế giới đều xảy ra cùng lúc với sự giảm sút của nền kinh tế Mỹ.
Danh muc thị trường mới nổi giao dịch tại Mỹ trị giá 1 tỷ USD của Sharma đã mang về 2,71% mỗi năm trong 5 năm qua. Sharma nói rằng ông tránh xa chứng khoán Trung Quốc và những quốc gia phụ thuộc vào tốc độ phát triển của nước này bao gồm cả Brazil, Nga và Hàn Quốc. Ông thích những công ty tại châu Âu và những quốc gia nhỏ ở châu Á như Philippines, Việt Nam và Pakistan.
Thị trường chứng khoán 6,8 nghìn tỷ USD của Trung Quốc đã khiến các nhà đầu tư toàn cầu đau đầu trong suốt những tuần qua sau khi tuột dốc không phanh.
Chỉ số Shanghai Composite đã giảm hơn 30% trong 4 tuần tính đến 8/6, thổi bay toàn bộ 4 nghìn tỷ USD giá trị thị trường. Sự can thiệp chưa từng xảy ra trước đó của chính phủ đã không thể lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư cho đến tuần trước khi các nhà chức trách cấm các đổ đông lớn bán ra trong 6 tháng và cho phép hơn 1 nửa công ty niêm yết tạm ngừng giao dịch.
Thị trường sụp đổ là một thử thách lớn với sự tin tưởng trong dài hạn của một vài nhà đầu tư về khả năng chống đỡ nền kinh tế cũng như thị trường của các nhà chức trách Trung Quốc. “Lần đầu tiên, những gì xảy ra tại Trung Quốc tuần trước đã làm dấy lên mối lo ngại về vấn đề này, đã có một vài dấu hiệu cho thấy sự mất kiểm soát. Tình trạng đổ vỡ niềm tin sẽ còn kéo dài trong một khoảng thời gian nữa”, Sharma nói.