Phải có tinh thần thép mới dám làm tỷ phú Trung Quốc

13/07/2015 09:17 AM |

Các tỷ phú Trung Quốc cần phải chấp nhận sự thật rằng, họ vừa bị mất 100 tỷ USD chỉ trong vòng 1 tháng.

Một trong những tỷ phú giàu có nhất Trung Quốc là Pan Sutong - ông chủ tập đoàn Goldin có lẽ cần một tinh thần thép mới có thể chịu đựng được sự thật là ông vừa bị mất 21 tỷ USD chỉ trong vòng 1 tháng. Điều đáng nói là ông Pan Sutong không phải trường hợp duy nhất.

Toàn bộ các tỷ phú đến từ Hong Kong và Trung Quốc nằm trong danh sách 400 người giàu có nhất hành tinh đã kiếm được 121 tỷ USD trong năm nay tính đến ngày 12/6/2015 khi thị trường chứng khoán nước này lên cao đỉnh điểm. Tuy nhiên, họ cũng vừa bị mất 100 tỷ USD khi cổ phiếu lao dốc vào tháng này, bao gồm cả 30 tỷ USD vào đầu tuần, trước khi ổn định hơn vào thứ 5 và 6.

“Tôi hy vọng những người này nhận ra rằng đó chỉ là những đồng tiền trên giấy tờ”, Nikalas Hageback - người đang chịu trách nhiệm quản lý khoảng 202 triệu USD tại công ty quản lý tiền có trụ sở tại Hong Kong là Valkyria Kapital nói. “Tôi lo lắng cho sức khoẻ tinh thần của những tỷ phú này và mong họ đã nhận ra hiện thực. Mặt khác, nếu chỉ nhìn vào báo cáo thu nhập, họ sẽ cảm nhận sự mất mát vô cùng khủng khiếp”.

Sự tăng và giảm bất ngờ của thị trường đã gây ra xáo trộn không hề nhỏ trên bảng xếp hạng giàu có toàn cầu. Nó đã đẩy đất nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc vượt lên trên tất cả các quốc gia khác, ngoại trừ Mỹ về số lượng tỷ phú được tạo ra và số tài sản họ kiểm soát.

Cụ thể, có 26 tỷ phú đến từ Trung Quốc Đại Lục kiểm soát 262 tỷ USD chiếm khoảng 6% trong tổng số 4,1 nghìn tỷ USD mà 400 tỷ phú giàu có nhất thế giới nắm giữ theo số liệu của Bloomberg. Trong khi đó, 2 năm trước, con số này là 21 người và chỉ kiểm soát 106 tỷ USD, chiếm 3% tổng tài sản của 400 tỷ phú toàn thế giới. Kiếm được nhiều nhất trong giai đoạn này là tỷ phú Wang Jianlin - người đã gia tăng khối tài sản của mình lên 12,4 tỷ USD. Trong khi đó, tỷ phú Robin Li để vuột mất 2,9 tỷ USD.

Đến giai đoạn chứng khoán lao dốc, người kém may mắn nhất có lẽ là tỷ phú Pan Sutong - chủ tịch tập đoàn Goldin có trụ sở tại Hong Kong và người phụ nữ giàu có nhất Trung Quốc Zhou Qunfei - chủ tịch công ty cung cấp thiết bị điện tử tiêu dùng Lens Technology.

Đầu năm, tổng giá trị tài sản của tỷ phú Pan là 3,7 tỷ USD. Sau đó, cổ phiếu tập đoàn Goldin Financial Holding và Godlin Properties đã tăng mạnh, đẩy khối tài sản của ông này lên 25 tỷ USD vào tháng 5. Tuy nhiên, hầu hết trong số này đã bị thổi bay ngay tháng sau đó và hiện tỷ phú này chỉ còn nắm giữ khối tài sản 4 tỷ USD.

Trong khi đó, tài sản của nữ tỷ phú Zhou đã tăng khi công ty Lens Technology IPO vào tháng 3. 2 tháng sau đó, cổ phiếu của công ty này đã tăng hơn 500%, giúp khối tài sản của bà tăng 10 tỷ USD và Zhou trở thành 1 trong 10 người phụ nữ giàu có nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, bà vừa mất gần 5 tỷ USD (tức là 40% tổng tài sản) vào tháng 6.

Sự tăng giảm bất thường của thị trường phản ánh “số phận” tài sản bấp bênh của các tỷ phú Trung Quốc. Bằng chứng là 66% tổng tài sản của 38 tỷ phú ở quốc gia này được giao dịch công khai. Trong khi đó, các tỷ phú Mỹ và Tây Âu có ít hơn 1 nửa tài sản của họ gắn trực tiếp với cổ phiếu giao dịch trên sàn theo dữ liệu của Bloomberg.

Trước đó, nửa đầu năm 2015 thị trường tăng làm tăng giá trị của những người giàu có nhất Trung Quốc và Hong Kong lên hơn 1/3. Tuy nhiên, cú sụt giảm vào tháng 7 đã thổi bay hơn 1 nửa những gì họ kiếm được. Trong khi đó, tài sản của 103 người giàu có nhất Tây Âu tăng 4% trong cùng giai đoạn và 127 người giàu có nhất tại Mỹ giảm 1%.

Riêng Trung Quốc Đại Lục con số này còn ấn tượng hơn. 14 tỷ phú trong số 200 người giàu có nhất thế giới với tổng tài sản 205 tỷ USD. 2 năm trước, con số này chỉ là 5 người với 40 tỷ USD. Những người giàu có nhất tại Nga có 173 tỷ USD giảm xuống từ mức 218 tỷ USD từ 2 năm trước. Số người giàu có nhất tại Đức vẫn có 15 tỷ phú với 174 tỷ USD.

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM