Trung Quốc bãi bỏ chính sách 1 con, ai được hưởng lợi?

30/10/2015 10:56 AM |

Việc bãi bỏ quy định một con của chính quyền Bắc Kinh không có tác dụng nhiều với nền kinh tế, thay vào đó nhiều công ty kinh doanh đồ trẻ em sẽ được hưởng lợi lớn.

Trung Quốc vừa mới bãi bỏ chính sách một con, qua đó cho phép các gia đình có thể có hai con, trước lo ngại về khả năng suy giảm lực lượng lao động nhưng động thái này không thể hỗ trợ ngay cho nền kinh tế đang giảm tốc.

Việc thúc đẩy lực lượng lao động cần thời gian hàng thập kỷ để gia tăng số lượng lao động trên thị trường và nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc có thể lựa chọn việc chỉ sinh một con do những khó khăn về kinh tế, hoặc đơn giản là do cách sống.

Cuối thập niên 70, quy định chỉ được sinh một con tại Trung Quốc đã được ban hành trước những lo ngại rằng nền kinh tế nước này không thể chu cấp cho sự tăng trưởng chóng mặt của dân số. Mặc dù vậy, những năm gần đây chính quyền Bắc Kinh đã nới lỏng các quy định về kế hoạch hóa gia đình nhằm đối phó với tình trạng suy giảm lực lượng lao động do tỷ lệ sinh thấp và dân số đang già đi.

Theo Liên Hợp Quốc (UN), tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (15-59) của Trung Quốc có thể giảm khoảng 7% trong khoảng 2010-2030.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hy vọng việc dỡ bỏ quy định chỉ được sinh một con sẽ làm tăng dân số và thúc đẩy nền kinh tế. Trung Quốc hiện đang có mức tăng trưởng kinh tế tồi tệ nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính còn thị trường chứng khoán đang tràn ngập bất ổn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng động thái này của chính quyền Bắc Kinh có thể đã quá muộn cũng như không có nhiều tác dụng.

Hãng Capital Economics cho rằng quyết định mới này của chính phủ Trung Quốc hầu như không có tác dụng lớn nào đối với kinh tế nước này trong ngắn hạn, thay vào đó là những ảnh hưởng trong dài hạn.

Sau khi bãi bỏ chính sách một con, Trung Quốc phải mất vài năm để có một lượng lớn các trẻ sơ sinh ra đời và sau đó là nhiều năm để những đứa trẻ này có thể gia nhập lực lượng lao động.

Tồi tệ hơn, nhiều cặp vợ chồng nước này chọn sinh một con để tập trung cho sự nghiệp và hưởng thụ mức sống thoải mái hơn. Ngoài ra, những yếu tố như ô nhiễm môi trường, bất ổn địa chính trị cũng ảnh hưởng đến quyết định sinh thêm con của các gia đình.

Hãng Capital Economics cho rằng kể cả trong dài hạn, tác dụng của quyết định trên sẽ không mạnh như kỳ vọng của chính phủ bởi thông thường, các gia đình có xu hướng sinh con ít hơn khi thu nhập gia tăng.

Khảo sát của Capital Economics cho thấy hơn 50% cư dân thành thị tại Trung Quốc không muốn có nhiều hơn một con. Bên cạnh đó, hệ thống bệnh viện và y tế của nước này cũng không đủ khả năng hỗ trợ cho việc bùng nổ dân số.

Ai thực sự được hưởng lợi?

Trung Quốc sẽ có nhiều trẻ em hơn và điều này đồng nghĩa với nhu cầu cho những mặt hàng trẻ sơ sinh, trẻ em sẽ tăng trong thời gian tới tại thị trường này.

Cổ phiếu của hãng Mead Johnson Nutrition, chuyên sản xuất sữa bột trẻ em hàng đầu tại Trung Quốc, đã tăng mạnh sau khi nước này tuyên bố bãi bỏ chính sách một con.

Thị trường Trung Quốc hiện chiếm 1/3 doanh số của Mead Johnson, nhưng doanh thu của hãng tại đây đang giảm tốc do nền kinh tế Trung Quốc gặp vấn đề. Hơn nữa, chính quyền Bắc Kinh cũng đang khuyến khích việc cho con bú bằng sữa mẹ.

Ngoài ra, Tổng Giám đốc Sandra Yu của Mead Johnson tại Trung Quốc cho biết việc các đối thủ cạnh tranh của hãng giảm giá bán cũng là một nguyên nhân khiến việc kinh doanh của công ty giảm tốc.

Tuy nhiên, bà Yu cho rằng tình hình này sẽ không tồn tại lâu bởi người tiêu dùng Trung Quốc sẵn sang chi trả cao cho những nhãn hiệu mà họ tin tưởng về chất lượng, đặc biệt là sau nhiều vụ bê bối về chất lượng sản phẩm sữa cho trẻ sơ sinh tại đây trong vài năm qua.

Hiện tập đoàn sữa Nestle và Danone cũng một số hãng nội địa sản xuất thực phẩm cho trẻ sơ sinh tại Trung Quốc đang cạnh tranh với Mead Johnson và cũng sẽ được hưởng lợi từ quy định mới trên.

Theo nghiên cứu của Euromonitor International, tổng doanh số bán sữa cho trẻ sơ sinh tại Trung Quốc dự kiến sẽ tăng gấp đối trong vòng 5 năm tới, từ 19,9 tỷ USD cho năm 2015 lên 40,6 tỷ USD năm 2020.

Bên cạnh đó, những hãng sản xuất tã trẻ em như Procter & Gamble, Kimberly-Clark (nhãn hiệu Huggies) cũng sẽ thu lợi lớn do Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 của cả 2 công ty. Tuy nhiên, hai tập đoàn này kinh doanh trong nhiều lĩnh vực chứ không tập trung vào trẻ em như Mead Johnson.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM