Trung Nguyên, Vinacafe có ‘nhường chỗ’ cho Starbucks, Dunkin?
Những cái tên tầm cỡ của cafe Việt như Trung Nguyên, Vinacafe... khó có thể cạnh tranh trên sân nhà nếu không tìm ra được chiến lược đúng đắn.
Trong buổi đại hội cổ đông thông báo chiến lược kinh doanh vào 3 ngành hàng mới là cafe, mỳ gói và dầu ăn, Kinh Đô cho rằng, ước tính quy mô thị trường cafe trong nước, chỉ riêng cà phê hòa tan đã đạt hơn 4,750 tỷ đồng/năm với tốc độ tăng trưởng 15 - 20%/năm.
Với một thị trường tiềm năng như vậy, tất nhiên doanh nghiệp ngoại sẽ không bỏ qua.
Đứng thứ 2 về sản lượng nhưng đứng cuối trong chuỗi cung ứng
Tại Việt Nam, hiện có 4 thương hiệu lớn của thế giới đang cạnh tranh từng ngày với doanh nghiệp nội. Mac Coffee của Food Empire Holdings (FES) Việt Nam khởi đầu công cuộc chinh phục Việt Nam từ năm 2005. Năm 2008, người Việt có thể nhâm nhi cốc cafe của Coffee Bean & Tea Leaf của Mỹ. Đầu năm 2013, Starbucks cũng góp mặt và cuối năm này, thị trường cafe Việt đón nhận thêm Dunkin’s Donut, cũng của Mỹ.
Trong khi thế giới đã đến Việt Nam, thì các doanh nghiệp Việt Nam đang ở đâu trong chuỗi cung ứng cafe của thế giới?
Báo cáo về thực trạng chuỗi cung ứng cafe Việt Nam - nằm trong dự án “Tăng cường năng lực lồng ghép phát triển bền vững và biến đổi khí hậu trong công tác lập kế hoạch” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) phối hợp thực hiện - cho biết: Dù là quốc gia có thời gian trồng cafe hơn một thế kỷ và sản lượng đứng thứ 2 thế giới, Việt Nam lại chưa tạo ra được những thương hiệu cafe lớn có tầm cỡ quốc tế.
Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu tại Đăk Lăk, sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi cung ứng cafe toàn cầu chủ yếu từ công đoạn trồng cho tới công đoạn sơ chế (thành cafe nhân) xuất khẩu là chủ yếu.
Nhóm nghiên cứu nhận định: Nhìn chung, Việt Nam mới tham gia vào chuỗi cafe ở những công đoạn giản đơn và có giá trị gia tăng thấp như thu gom và sơ chế cho xuất khẩu thô, do có sẵn lợi thế tự nhiên, điều kiện thuận lợi cho trồng cafe.
Còn những công đoạn có giá trị gia tăng cao như rang xay, chế biến sâu, phân phối bán lẻ và xây dựng thương hiệu sản phẩm thì Việt Nam mới chỉ tham gia rất hạn chế, chủ yếu là các doanh nghiệp FDI (có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) như Nestle, Cafe Ngon...
Vị đắng cho doanh nghiệp cafe Việt
Trong các công đoạn rang xay, chế biến sâu, doanh nghiệp Việt mới chỉ thâm nhập vào các thị trường ngách, chưa thâm nhập được nhiều vào thị trường sử dụng cafe lớn như Châu Âu (EU), Mỹ.
Trong khâu phân phối, bán lẻ, Việt Nam hoàn toàn chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng cafe toàn cầu. Việc phân phối và bán lẻ tiêu dùng theo hệ thống chuỗi cafe gần như nằm trong tay các thương hiệu lớn và nổi tiếng thế giới.
Trong khi đó, trên bình diện xuất khẩu, các doanh nghiệp thu gom và sơ chế chỉ chủ yếu bán cafe nhân cho các nhà rang xay thế giới đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam mà ít trực tiếp xuất khẩu cho các nhà rang xay tại nước nhập khẩu.
“Chính vì vậy, giá bán thường bị ép và hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường thế giới do các nhà thương mại và rang xay lớn thế giới quyết định”, báo cáo dẫn lời một đại diện Sở Công thương Đăk Lăk cho biết.
Một số doanh nghiệp nội địa có tầm cỡ của Việt Nam như Trung Nguyên, Vinacafe... vẫn chưa có thương hiệu quốc tế, mới chủ yếu tập trung phát triển ở thị trường nội địa, xuất khẩu chiếm tỷ lệ nhỏ.
“Nếu không có chiến lược tốt, ngay cả thị trường nội địa cũng sẽ rơi vào tay các thương hiệu nước ngoài nổi tiếng như Starbucks, Dunkin’ Donuts” – báo cáo nhận định.
>> Thương hiệu Việt nhìn từ sự cố cái tên của ‘T-rung Nguyên’
Bảo Bảo