Tổng thống Obama: Trung Quốc tìm hiểu khả năng tham gia TPP
Nếu Trung Quốc gia nhập TPP vào một thời điểm nào đó thì quốc gia này sẽ phải nhất trí với các tiêu chuẩn chung của hiệp định.
Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa cho biết, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà quốc gia này cùng 11 nền kinh tế khác đang tiến hành đàm phán sẽ thiết lập các quy tắc thương mại quốc tế, có thể tác động tới cả Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng hiện chưa phải là một bên tham gia đàm phán.
Tuy nhiên, theo ông Obama, Trung Quốc đã thể hiện sự quan tâm về khả năng tham gia TPP trong tương lai. Nếu Trung Quốc gia nhập TPP vào một thời điểm nào đó thì quốc gia này sẽ phải nhất trí với các tiêu chuẩn chung của hiệp định.
Trên thực tế, ông Obama đã thúc đẩy TPP như một phương thức để Mỹ giành ảnh hưởng tại các thị trường châu Á và ngăn Trung Quốc ''viết lên các quy tắc thương mại thế giới." Nếu các nền kinh tế hàng đầu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đồng ý thực thi các tiêu chuẩn về lao động và môi trường, bảo vệ sở hữu trí tuệ và giảm hàng rào thuế quan, thì Trung Quốc ít nhất cũng sẽ phải thực thi các quy tắc quốc tế đó.
Với việc thể hiện quan điểm về Trung Quốc trong vấn đề liên quan đến TPP, Tổng thống Obama có thể làm gia tăng những tranh cãi về liệu có bổ sung thêm các quy định hạn chế hành vi thao túng tiền tệ vào văn kiện hay không, một bước đi mà Nhà Trắng luôn phản đối.
Hiện các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa và phần đông các nhà lập pháp đảng Cộng hòa ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy TPP của Tổng thống Obama, song phần lớn những nghị sỹ đảng Dân chủ lại giữ lập trường phản đối, với quan điểm rằng TPP sẽ là một thỏa thuận không có sức nặng và làm người lao động Mỹ mất việc làm.
Nghị sỹ đảng Dân chủ Brad Sherman, người đã thể hiện quan điểm phản đối dự luật thúc đẩy thương mại (hay còn gọi là quyền đàm phán nhanh), cho rằng Trung Quốc có thể tham gia TPP sau, song nước này sẽ vẫn tiếp tục thao túng tiền tệ./.