AEC, TPP và sự “tinh quái” của doanh nghiệp ngoại
Trong khi các DN ngoại đang chạy đua với thời gian để đầu tư mới cũng như mở rộng đầu tư thì ít thấy động thái tương tự từ các DN trong nước.
Nội dung chính:
- “Làn sóng” đầu tư từ các nước, đặc biệt là từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… vào VN để tranh thủ lợi ích từ các FTA, TPP, AEC đã rõ như ban ngày.
- Trong khi các DN ngoại đang chạy đua với thời gian để đầu tư mới cũng như mở rộng đầu tư thì ít thấy động thái tương tự từ các DN trong nước.
- Việc các DN ngoại tận dụng triệt để lợi thế nội địa hóa nguyên liệu sản xuất để nhận ưu đãi thuế quan chắc chắn sẽ khiến các DN trong nước sẽ khó có thể cạnh tranh được về giá.
Dường như đã nhìn thấy rất rõ những cơ hội mới từ năm 2015 khi VN chuẩn bị tham gia vào hàng loạt các FTA như FTA VN – EU, FTA VN- Hàn Quốc, TPP đặc biệt là AEC, các DN FDI đã có sự chuẩn bị khá kỹ để sẵn sàng “cất cánh” cùng nền kinh tế VN.
Nếu để ý sẽ thấy từ cách đây vài năm, các DN FDI với những kinh nghiệm và sự “tinh quái” trong kinh doanh, họ đã âm thầm chuẩn bị đầu tư hoặc mở rộng đầu tư vào VN. Điển hình trong số này phải nói đến là các DN Hàn Quốc, Nhật Bản…
14 ngàn tỷ chạy đua cùng thời gian
Hyosung là một trong số rất nhiều DN của xứ sở Kim chi được cấp giấy phép đầu tư chỉ ít ngày sau khi FTA VN – Hàn Quốc được thông qua. Là một DN sản xuất và gia công các loại sợi, như: sợi vi mành, sợi spandex, nylon, polyester; sợi để sản xuất thảm, sợi thép các loại dùng làm lốp, như: steel tire cord, bead wire, saw wire.
Ngoài ra, DN này cũng sản xuất các loại vải, bao gồm: vải mành, vải dệt; sản xuất halogen, oxit halogenua của phi kim loại và nguyên phụ liệu dùng để sản xuất sợi spandex. Hơn 90% hàng hóa sản xuất ra được xuất đi nhiều nước trên thế giới.
Trong khi các DN ngoại đang chạy đua với thời gian để đầu tư mới cũng như mở rộng đầu tư thì ít thấy động thái tương tự từ các DN trong nước.
Từ trước khi quyết định đầu tư, tập đoàn này đã khảo sát rất kỹ về địa điểm đầu tư ở VN, và sau 2 năm nghiên cứu, Đồng Nai là mảnh đất được lãnh đạo tập đoàn này lựa chọn.
Cho dù đến thời điểm này, TPP vẫn chưa chính thức được thông qua nhưng với lãnh đạo tập đoàn này, việc đầu tư giai đoạn 1 của nhà máy sản xuất sợi kỹ thuật cao vẫn đang ngày đêm chạy đua với thời gian để kịp đón đầu những cơ hội mới mà VN sẽ được hưởng được cho là sẽ diễn ra trong ít tháng nữa khi VN chính thức tham gia AEC, TPP.
Tuy là bước đầu tư ban đầu, nhưng tập đoàn Hyosung đã đầu tư một số vốn khá lớn lên tới 660 triệu USD, tương đương 14 ngàn tỷ VND.
Theo dự kiến, cuối năm nay Hyosung sẽ cho ra đời những sản phẩm đầu tiên. Ở thời điểm này, song song với việc đầu tư xây dựng nhà máy, công tác đào tạo, tuyển nhân sự ở DN này đang diễn ra nhằm đảm bảo đủ 1.000 lao động khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động. Đặc biệt, khối kỹ thuật tay nghề cao đã được đưa sang Hàn Quốc và một số nhà máy của Tập đoàn Hyosung ở các nước để đào tạo, đủ khả năng vận hành và quản lý nhà máy.
Giống như Hyosung, DN dệt may Mei sheng Textiles Vietnam một DN 100% vốn của Đài Loan chuyên về dệt vải sợi, có nhà máy tại CCN Ngãi Giao (huyện Châu Đức – Đồng Nai) cũng đang đẩy mạnh các hoạt động đầu tư mở rộng đón nhận các cơ hội.
Trong cuộc trao đổi với chúng tôi hồi cuối tháng 3 vừa qua, ông G. Narasimha Rao – giám đốc Tài chính Cty chia sẻ, để đón đầu các cơ hội ở thị trường VN, nhất là khi TPP được ký kết, gần đây DN này tiếp tục tăng vốn đầu tư, mở rộng thêm xưởng sản xuất thứ 7 tại CCN Ngãi Giao.
Năm 2015, Cty quyết định tiếp tục tăng vốn đầu tư 10 triệu USD xây dựng thêm 1 xưởng sợi tại CCN Ngãi Giao với công suất 350 tấn/tháng. “Việc tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất, đẩy mạnh nâng cao trình độ cho người lao động… không gì hơn là nhằm đón đầu Hiệp định TPP và các FTA mà VN đã và sắp ký kết” - ông G. Narasimha Rao khẳng định
DN nội đang “nhịn miệng đãi khách”?
Câu chuyện về nhà đầu tư Hyosung và TNHH Mei sheng Textiles Vietnam chỉ là hai trong số hàng trăm ví dụ về việc các DN FDI đang đẩy nhanh tiễn độ mở rộng đầu tư và chuẩn bị nhân sự đón đầu các cơ hội từ các FTA, AEC, TPP…
Đặc biệt là các nhà đầu tư hoạt động trong các lĩnh vực như: dệt may, da giầy, sản xuất nông thủy sản… được cho là những lĩnh vực sẽ có những tác động trực tiếp từ các Hiệp định thương mại tự do mà VN đã và đang chuẩn bị ký kết.
Đơn cử như hồi tháng trước, các phương tiện truyền thông tỉnh Quảng Nam đã dồn dập đưa tin, chỉ trong dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng, tỉnh này đã cấp phép đầu tư cho 12 DN với tổng nguồn vốn gần 550 triệu USD và 1.685 tỷ đồng. Điều đáng nói là trong số 12 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, có 7 dự án đầu tư ở ngành dệt may.
Đặc biệt, 2 dự án có vốn đầu tư nước ngoài vào ngành dệt may là nhà máy sản xuất hàng may mặc ONEWOO (Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được) của Cty One Woo - Hàn Quốc, tổng vốn đầu tư 6 triệu USD và Công ty PanKo (Hàn Quốc) tổng vốn đầu tư 30 triệu USD tại Khu kinh tế mở Chu Lai, phần lớn những dự án này đều đầu tư các khu liên hợp sản xuất khép kín từ việc tạo nguồn nguyên liệu đến khâu thành phẩm cuối cùng để XK.
Trong khi các DN ngoại đang chạy đua với thời gian để đầu tư mới cũng như mở rộng đầu tư thì người ta ít thấy những động thái tương tự từ các DN trong nước. Giới chuyên gia nhận định, “làn sóng” đầu tư từ các nước, đặc biệt là từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… vào VN để tranh thủ lợi ích từ các FTA, TPP, AEC đã rõ như ban ngày.
Việc các DN ngoại tận dụng triệt để lợi thế nội địa hóa nguyên liệu sản xuất để nhận ưu đãi thuế quan chắc chắn sẽ khiến các DN trong nước sẽ khó có thể cạnh tranh được về giá.
Do vậy, nếu DN nội không “vùng lên” mà vẫn cứ “nhịn miệng đãi khách” như hiện nay, cụ thể là vẫn cứ loay hoay với việc phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, không thoát khỏi thân phận làm thuê ngay trên “sân nhà” và nhường những phần “ngon ăn” cho nhà đầu tư ngoại thì viễn cảnh khó khăn trong cạnh tranh, thậm chí là “chết” theo đúng nghĩa là điều khó tránh khỏi.