"TPP là bông hồng có gai"

31/05/2015 10:20 AM |

Với TPP, con đường phía trước vẫn là cả một chặng đường dài. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách nên thận trọng với những “lợi ích tiềm năng” của hiệp định này, đặc biệt là đối với các thị trường mới nổi…

Theo nhận định trên tờ Financial Times, trong khi chính quyền Tổng thống Barack Obama đã nỗ lực để vận động hành lang cho TPP, một số chuyên gia kinh tế đã phân tích những lợi ích của hiệp định này đối với các thành viên kém phát triển hơn, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam, quốc gia Đông Nam Á đang có tốc độ tăng trưởng ở cả lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều từ TPP sau khi hàng rào thuế quan đối với hàng dệt may vào thị trường Mỹ được xóa bỏ. Tuy nhiên, vẫn có những tranh cãi về điều này.

Thứ nhất, nhiều người cho rằng các thỏa thuận thương mại tự do khi đi vào hiện thực sẽ không đạt được nhiều lợi ích như dự báo.

Trong khi đó, một số ý kiến khác lại khẳng định, những câu chuyện thành công trong xuất khẩu thường không bắt nguồn từ các hiệp định song phương hay đa phương.

Cuối cùng, sự thay đổi gần đây trong cấu trúc thương mại sẽ khiến những lợi ích tăng trưởng của các hiệp định bị suy giảm.

Theo chuyên gia Kim Elliott thuộc Trung tâm Phát triển Toàn cầu, những lợi ích của TPP đối với hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị hạn chế bởi quy tắc xuất xứ.

Cụ thể, ông Kim cho biết, Mỹ quy định rất chi tiết và cụ thể về việc sử dụng nguyên vật liệu may mặc từ các thị trường ngoài TPP, đặc biệt là từ Trung Quốc. Trong khi đó, nguyên vật liệu hàng may mặc của Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn chiếm tỷ lệ lớn.

Bên cạnh đó, quy tắc xuất xứ của TPP nhằm hạn chế tình trạng nhập khẩu rồi tái xuất khẩu để hưởng lợi thế thương mại sẽ làm suy giảm sức hấp dẫn của hiệp định này.

Tuy nhiên, Financial Times cũng nhận định, TPP vẫn sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho Việt Nam, đặc biệt đối với ngành may mặc. Năng suất lao động và cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng hơn việc cắt giảm thuế. Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 vào thị trường Mỹ, chiếm 11% thị phần. Vì vậy, đây sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam bỏ xa những nước sản xuất hàng may mặc giá rẻ với nguồn nhân công dồi dào, chẳng hạn như Bangladesh.

Bên cạnh đó, Financial Times cũng đánh giá, kinh tế Việt Nam hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với các thị trường khác trong quan hệ thương mại song phương với Mỹ.

Trung Quốc là một ví dụ điển hình cho sức ảnh hưởng từ tăng trưởng xuất khẩu bùng nổ trong thập niên 90 trước khi tham gia vào Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO). Sự bùng nổ của “công xưởng Châu Á” – quốc gia chuyên sản xuất sản phẩm điện tử, đồ chơi và nhiều sản phẩm khác trong suốt những năm 1990-2000 là một điều đáng ngạc nhiên. Song cũng rất khó để nói rằng các hiệp định thương mại là động lực chính cho sự tăng trưởng trên.

Tương tự, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập năm 1991 với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các nước thành viên trong khu vực. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của JETRO (Nhật Bản), ASEAN có vai trò rất ít trong việc thúc đẩy thương mại giữa các quốc gia thành viên.

Theo Financial Times, hoạt động xuất nhập khẩu bùng nổ tại các thị trường mới nổi không liên quan nhiều đến các hiệp định thương mại và GDP tăng trưởng chậm cũng không phải xuất phát từ các rào cản thương mại. Thay vào đó, vị thế vốn có của một số nước trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ phần nào làm giảm lợi ích kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á tăng trưởng xuất khẩu nhờ lợi thế nhân công rẻ.

Với TPP, con đường phía trước vẫn là cả một chặng đường dài. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách nên thận trọng với những “lợi ích tiềm năng” của hiệp định này, đặc biệt là đối với các thị trường mới nổi. Lịch sử đã chứng minh, các yếu tố bên ngoài có thể làm suy giảm lợi ích của các nước thành viên trong hiệp định, nhất là với quốc gia xuất khẩu dựa trên lợi thế nhân lực.

TPP vẫn sẽ là bông hồng có gai!

 

Nguyệt Quế

Cùng chuyên mục
XEM