Tôi chọn Nghề môi giới chứng khoán vì một diễn viên trong phim

24/02/2016 08:35 AM |

Không phải vì không có lựa chọn ngành nghề khác với lương cao hơn, Tôi chọn nghề môi giới chứng khoán vì một anh chàng trong phim. Đừng cho là tôi ngớ ngẩn trước khi đọc hết bài chia sẻ của tôi.

Tốt nghiệp đại học hàng đầu ngành tài chính, bạn bè tôi đua nhau lựa chọn ngành ngân hàng, chọn Big4 kiểm toán, chọn start-up...còn tôi, tôi chọn làm môi giới chứng khoán. Nghề này, trong mắt nhiều người, không "hào nhoáng" bằng các nghề mà bạn bè tôi lựa chọn.

Không phải vì tôi không lọt được vào mắt xanh của các nhà tuyển dụng cho những ngành "hào nhoáng" trên. Tôi tự tin thế vì CV của tôi không thua kém bạn bè đồng trang lứa là mấy.

Thứ dẫn tôi đến nghề môi giới-thật bất ngờ-là anh chàng môi giới Bud Fox trong bộ phim nổi tiếng Wall Street. Anh chàng môi giới này đã "truyền lửa" cho tôi mạnh mẽ đến mức tôi nghĩ, tôi có thể đi suốt đời với nghề này.


Thị trường chứng khoán đã trải qua gần 16 năm trưởng thành và phát triển, đã có rất nhiều người chứng kiến và trải qua sự thay da đổi thịt, sóng gió biến động của thị trường. Nhưng có lẽ, cánh môi giới là những người sát sao với thị trường nhất, chứng kiến nhiều thăng trầm của VN-Index, tận mắt cảm nhận từng nỗi đau hay niềm hạnh phúc tột cùng của nhà đầu tư.

Thị trường dẫu khốc liệt như vậy, nhưng đam mê với nghề và có một chất gây nghiện đặc biệt của nghề môi giới vẫn khiến nó hấp dẫn một cách lạ kỳ.

Muốn yêu nghề, hãy tìm người truyền lửa

Tôi bước chân vào nghề sau khi tốt nghiệp đại học ngành tài chính, nghề môi giới chứng khoán hào nhoáng hấp dẫn tôi bởi hình ảnh anh chàng môi giới Bud Fox trong bộ phim nổi tiếng Wall Street của đạo diễn Oliver Stone.

Thời điểm đó, nghề môi giới chứng khoán là một lựa chọn không mấy sáng sủa so với các công việc khác như nhân viên ngân hàng, kinh doanh, nhân viên môi giới bất động sản, kế toán – kiểm toán hay một ngành nghề gì đó mà cử nhân tài chính mới ra trường có thể kiếm được. Thế nhưng, tôi đã không hề do dự.

Anh chàng môi giới Bud Fox hấp dẫn tôi đến mức tôi đã đăng ký học và hoàn thành 4 chứng chỉ chuyên môn và thi lấy giấy phép hành nghề ngay sau đó. Với tôi, cảm giác lúc đó thật hứng khởi, tò mò, và có một ngọn lửa khát khao chinh phục những khó khăn phía trước, và quyết tâm theo đuổi đam mê mình đã chọn.

Tôi không do dự và đến giờ, khi đã làm một công việc khác mà tôi sẽ kể cho bạn về sau, tôi vẫn không hề nuối tiếc mấy năm làm nghề môi giới chứng khoán.

Tôi được nhận làm công việc Môi giới chứng khoán tại một công ty chứng khoán Top đầu thị trường. Với tôi, nó là một trải nghiệm rất thú vị và cho tôi rất nhiều kinh nghiệm.

Đến bây giờ, nếu ai hỏi tôi khuyên gì cho các bạn trẻ mới ra trường, tôi sẽ khuyên họ nên tìm người truyền cho họ niềm đam mê một công việc nào đó trước khi lao đầu đi nộp CV khắp nơi mà không biết nghề họ lựa chọn thế nào.

Những ngày đầu chậm chững vào nghề, tôi làm quen với thị trường, biểu đồ, chỉ số, môi trường làm việc, những “từ lóng” trong nghề và vị trí của mình. Súp (Supervisor- cách mà chúng tôi hay gọi quản lý của mình) dạy chúng tôi rất nhiều, hằng ngày tôi đều phải viết bản tin thị trường, phân tích doanh nghiệp, phân tích kỹ thuật, gọi điện thoại cho khoảng 10 đến 15 khách hàng một ngày và báo cáo tất cả những việc trên vào cuối ngày cho súp.

Những công việc trên giúp cho môi giới ăn nhập với thị trường nhanh hơn, hiểu được nhịp đập của thị trường qua từng phiên giao dịch, bên cạnh đó, có thể thích ứng nhanh hơn mỗi khi khách hàng hỏi về thị trường hay về từng mã cổ phiếu mà họ quan tâm.

Những khách hàng đầu tiên của bạn-Đừng kiếm đâu xa

Nếu đã là môi giới thì phải có khách hàng. Những khách hàng đầu tiên của tôi là thầy cô giáo dạy môn chứng khoán ở trường cũ, những nhà đầu tư quen từ trước tôi đã gặp ở các hội thảo về chứng khoán, đại hội đồng cổ đông của các doanh nghiệp niêm yết, ngoài ra còn các anh chị quen trên các diễn đàn, nhóm chứng khoán trên Facebook…

Sau này, tôi mới biết một nguyên lý: nếu bạn không khiến cho những người thân quen với bạn tin vào thị trường chứng khoán thì làm sao thuyết phục được những khách hàng xa lạ?

Dần dần, Súp của tôi đưa ra các ý tưởng tìm kiếm khách hàng nhiều hơn nữa bằng cách lập Website và diễn đàn để có danh sách khách hàng chất lượng nhất. Khi đã có thông tin khách hàng, việc quan trọng nhất là thuyết phục họ mở tài khoản giao dịch, và trở thành khách hàng của mình, một trở ngại và thử thách mà bất cứ môi giới nào đều phải trải qua, và đây cũng chính là công việc chủ yếu của nghề môi giới chứng khoán.

Gọi điện thoại và gửi mail cho khách hàng là 2 kỹ năng thiết yếu cho môi giới để tìm kiếm khách hàng, bên cạnh đó, chăm sóc khách hàng tốt để khách hàng giới thiệu thêm nhà đầu tư là một điều thú vị hơn. Qua mỗi lần nói chuyện với khách hàng, tôi thấy rằng điểm chung của họ là quan tâm đến lí do tại sao cổ phiếu kia lại tăng? Tại sao hôm nay VN-Index lại giảm? Cổ phiếu này có “đội lái” nào không? Mã này có tin gì mới không, quý này lãi hay lỗ? Và nhóm này thường thua lỗ trên thị trường.

Số ít trong những khách hàng của tôi khi được gặp gỡ, tiếp xúc và trao đổi, họ dạy tôi rất nhiều bài học và quan tâm của họ chỉ là vấn đề rủi ro và quản trị rủ ro trong đầu tư trên thị trường, nhóm người này giữ tiền rất hiệu quả.

Hãy quen với việc điện thoại có thể đổ chuông lúc 12h đêm

Bất cứ thời gian nào khách hàng cũng có thể gọi và hỏi về thị trường cũng như mã cổ phiếu, kể cả là 12h đêm. Đó là điều dễ hiểu khi môi giới có những khách hàng cực kì “chăm chỉ” giao dịch, thức đêm cùng khách để phân tích, chat skype để tìm kiếm thông tin, thảo luận giữa đêm để cung cấp thông tin, tư vấn cho khách hàng để quyết định sáng mai nên mua hay bán là điều bình thường xảy ra với tôi.

Ngoài ra, có những khách hàng vô cùng khó tính, họ yêu cầu tôi giải thích thật chi tiết về những thuật ngữ tài chính, chỉ số trong báo cáo tài chính, tình hình vĩ mô, ảnh hưởng của chính sách mới đến từng dòng cổ phiếu.

Điều này cũng dễ hiểu, khách hàng bỏ một đống tiền để đầu tư trên thị trường thì họ phải phân tích và biết thật chi tiết và cụ thể, bên cạnh đó, nếu tôi không chăm sóc và tư vấn nhiệt tình,hiển nhiên tôi có thể sẽ mất khách hàng đó vĩnh viễn. Vì vậy, việc đọc sách, cập nhật thông tin, học tập không ngừng là một quá trình kéo dài của dân môi giới chứng khoán. Dần dần, những việc này trở thành thói quen của tôi, và tôi thấy mình trưởng thành hơn, cũng như hiểu biết hơn và có nhiều bài học đắt giá hơn qua những lần giao dịch của khách hàng.

Môi giới chứng khoán chắc không chỉ là một nghề nghiệp, một bộ phận cấu thành của thị trường, một người bạn của nhà đầu tư, mà nó còn là một niềm đam mê, một sức hấp dẫn kỳ diệu. Hãy tin tôi.

Hãy tin tôi. Dù rằng, bây giờ tôi đã làm một ngành nghề khác.

​Theo Thành Long

Cùng chuyên mục
XEM