Vì nghề môi giới chứng khoán, Tôi đã học nấu ăn, tìm hiểu kinh dịch và hàng chục khóa học khác

15/02/2016 09:39 AM | Kinh doanh

Bạn có thể nghĩ rằng người Môi giới chứng khoán là một chuyên gia tài chính, một nhà tâm lý, một kỹ sư, một ôsin... hay thậm chí là một bảo mẫu chuyên trông trẻ đều đúng. Vì đôi khi người môi giới chứng khoán chúng tôi phải đứng ở những vị trí như vậy để có thể đưa ra những lời tư vấn tốt nhất và phù hợp nhất cho khách hàng.

Khi tôi ngồi xuống và viết ra những dòng chia sẻ về nghề Môi giới chứng khoán, tôi vẫn không biết bắt đầu từ đâu để chia sẻ với những độc giả về nghề này, một nghề nó có quá nhiều các góc nhìn và các chân dung khác nhau để mô tả.

Đa kiến thức, đa ngành nghề:

Năm 2011, khi tôi tiếp cận một khách hàng lớn là kế toán trưởng của một công ty nhà nước có tiếng ở HCM. Khi bước vào phòng ăn trưa của nhà hàng, sau cái bắt tay vừa ngồi xuống bàn. Khách hàng liền nói: “Anh có thể làm với em rất nhiều việc, nhưng khoản đầu tư chứng khoán thì anh sẽ tự làm. Vì em biết rất nhiều, nhưng đầu tư chỉ có thể tăng từ từ, chứ không đột biến”. Một chút bất ngờ về nhận định của khách, tôi vẫn còn chưa kịp đặt câu hỏi lại.

Khách hàng tiếp tục: “Anh có xem qua về số điện thoại của em, số điện thoại em dùng tương ứng với quẻ “Lâm” – đây là quẻ thể hiện chúng ta có nhiều việc có thể làm với nhau...” ... và tôi đã phải mất 1 năm để tìm hiểu về Kinh dịch, phong thuỷ, tử vi, huyền không là gì... chỉ để có thể hiểu được những gì khách hàng nói và chia sẻ những việc đầu tư chứng khoán dựa trên những yếu tố này.

Năm 2013, khi tiếp xúc với một khách hàng người Hoa, tôi được hẹn đi ăn trưa ở một quán ăn người Hoa có từ trước năm 1975 nằm trong hẻm đường Lý Thường Kiệt.

Trong bữa ăn, khách hàng liên tục nói về ẩm thực, về cách nấu ăn của người Hoa, về cách chế biến các món ăn thế nào... và tôi cả buổi chỉ biết ngồi “Dạ” và “Dạ” vì mình hoàn toàn không có chút kiến thức nào về ẩm thực, về các món ăn, và đây lại là lần đầu tiên tôi ghé quán ăn này... và tôi đã phải mất 6 tháng để theo học khoá Bếp Trưởng của một trường dạy nghề đào tạo, chỉ mong muốn lần sau trong những câu chuyện với khách hàng tôi không phải ngồi và chỉ biết “Dạ” như vậy.

Sau khi đọc 2 câu chuyện nhỏ trên, bạn sẽ nghĩ tại sao tôi phải mất thời gian quá nhiều như vậy chỉ với 2 khách hàng. Không. Đó chỉ là một trong những câu chuyện nổi bật mà tôi nhớ để có thể chia sẻ lại với độc giả.

Tôi còn phải cập nhật rất nhiều các kiến thức, kỹ năng mà khách hàng của mình biết, những thông tin kiến thức có thể tìm hiểu trên Google thì tôi phải cập nhật nó thường xuyên, những thông tin, kỹ năng không thể cập nhật được nhanh chóng như vậy, thì buộc tôi phải tham gia các khoá học.

Đây là điều đầu tiên một người Môi giới phải làm – Đó là thấu hiểu khách hàng. Tôi phải thấu hiểu về khách hàng của tôi trước khi tôi đưa ra một lời tư vấn nào đó. Nếu không thấu hiểu thì những lời tư vấn sẽ xa rời thực tế và không phù hợp với khách hàng đó.

Ăn ngủ với nghề...

Thị trường chứng khoán là thị trường phản ánh nhanh nhạy nhất với tất cả các loại thông tin, nên trong cả những lúc ăn chưa, lâu lâu vẫn phải lướt qua điện thoại để đọc các thông tin về thị trường, hay thậm chí là nhận những cuộc điện thoại lúc nửa đêm của khách hàng gọi để hỏi về biến động của giá dầu, DowJone sẽ ảnh hưởng thế nào đến phiên ngày hôm sau.

Thời gian làm việc thì hoàn toàn không cố định, có thể đi làm từ rất sớm và về rất khuya. Thứ 7, chủ nhật đôi khi vẫn tới văn phòng để đọc các báo cáo kết quả kinh doanh và gửi đi những email tư vấn cho khách về kế hoạch giao dịch cho tuần mới.

Với những khách hàng ở xa, khi những cuộc điện thoại chia sẻ quan điểm đầu tư và tư vấn danh mục qua nhiều lần mà khách hàng vẫn chưa nắm rõ, thì những chuyến bay từ nam ra bắc, hay những chuyến xe tốc hành Sài Gòn – Vũng Tàu luôn là cơm bữa.

Bởi nếu không chia sẻ cho khách hàng hiểu được về quan điểm đầu tư, và nắm rõ phương pháp giao dịch thì trong quá trình tư vấn triển khai, sẽ luôn luôn có những giai đoạn khách hàng bị yếu tố tâm lý thị trường tác động, và khách hàng từ bỏ giao dịch giữa chừng dẫn đến thua lỗ.

Áp lực khi thị trường xuống

Đôi khi những lời khuyên thoát khỏi thị trường không được thực hiện bởi yếu tố tâm lý hành vi ngại cắt lỗ của khách hàng. Điều này làm cho nhà đầu tư tiếp tục thua lỗ, với những nhà đầu tư “hiểu chuyện” họ không nặng nề trách móc môi giới của mình.

Nhưng khi nhìn vào tài khoản của khách hàng đang sụt giảm, và những lời khuyên đưa ra để cải thiện tình hình không được áp dụng thì tôi luôn bị một áp lực vô hình đè nặng. Nó làm cho tôi luôn phải trăn trở với những diễn biến của thị trường.

Làm sao đó để cho những khách hàng có niềm tin trở lại với thị trường, có niềm tin để theo đuổi phương pháp giao dịch thành công, và làm sao để tài khoản có lời trở lại, ít ra cũng là phải gỡ được vốn đã tham gia đầu tư.

Niềm tin với nghề

Trải qua gần 10 năm tham gia vào thị trường chứng khoán từ năm 2006 đến nay, trải qua các con sóng lớn nhỏ của thị trường, gặp được rất nhiều các nhà đầu tư. Thành công có, thất bại có.

Nhưng những kinh nghiệm đã từng trải qua, tôi hiểu được rằng tất cả chúng ta khi tham gia vào thị trường chứng khoán đều mong muốn kiếm được lợi nhuận, nhưng con đường tài chính không phải là một “viên thuốc thần kỳ” để làm cho bạn trở lên giàu có một cách nhanh chóng, nó cần có thời gian để đầu tư và kiếm lời.

Chúng ta sẵn sàng đón nhận những điều tích cực của thị trường mang lại, thì cũng nên sẵn sàng đón nhận những khó khăn của thị trường. Khi vượt qua khó khăn đó thì chúng ta ngày càng trưởng thành hơn, và có thể làm được những việc lớn hơn.

Với niềm tin như vậy, tôi luôn hy vọng một ngày nào đó những khách hàng có thể hiểu rõ hơn về chúng tôi, những người môi giới chứng khoán. Chúng tôi ở đây, làm việc này, chỉ với một mục tiêu duy nhất là giúp các nhà đầu tư kiếm lời trong những khoản đầu tư của mình.

Theo Nguyễn Văn Dũng

Cùng chuyên mục
XEM