Tiết lộ bí quyết để vay gói 30.000 tỷ đồng

27/04/2015 20:15 PM |

Hiện nay, không phải ai cũng có đủ tiền để mua cho mình một căn hộ chung cư như ý vì vậy nhu cầu vay vốn từ gói 30 nghìn tỷ đang rất cao. Tuy nhiên phần thủ tục vay vốn vẫn mang lại tâm lý ngán ngại cho nhiều khách hàng vì sợ khó khăn, rắc rối.

Với người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, gói 30.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ được xem là cơ hội tốt để họ hiện thực hóa giấc mơ “an cư lạc nghiệp”. Thế nhưng khi vừa chạm tay vào “cánh cửa” này, không ít người đã bị dội vì vướng thủ tục quá khó khăn như xác nhận tình trạng nhà tại UBND phường/xã hoặc cơ quan làm việc, chứng minh khả năng trả nợ cho ngân hàng.....

Dưới đây là những bí quyết được chia sẻ để người dân thể nhanh chóng vay được nguồn vốn giá rẻ.

Khó khăn đầu tiên người mua nhà làm thủ tục vay vốn thường gặp đó là xin cam kết thực trạng nhà ở hiện tại. Theo nhiều khách hàng phản ánh, để xác nhận được tình trạng nhà ở không phải là dễ bởi UBND phường/xã thường từ chối với lý do phường không đủ cơ sở để xác nhận. Nếu xác nhận sai, họ phải chịu trách nhiệm. Còn đối với việc xin dấu của cơ quan, lãnh đạo cơ quan cũng khó để xác nhận vì họ không thể xác minh được".

Đã từng xin xong được giấy xác nhận nhà ở, chị Mai, khách hàng mua nhà chia sẻ kinh nghiệm trên một diễn đàn: “Tôi có nhu cầu mua nhà gói 30.000 tỷ và tôi rất may mắn được sử dụng form mẫu mới của Bộ xây dựng. Form mẫu này rất hợp lý và rõ ràng gồm các ô ghi rõ trường hợp xác nhận thực trạng nhà ở như đang ở chung với bố mẹ, có nhà dưới 8m2, hay chưa có nhà ở địa phương. Chỉ cần đánh dấu vào trường hợp của mình và không cần ghi thêm gì khi xác nhận như các form mẫu trước”.

Đã từng vay gói 30 nghìn tỷ thành công, anh Ngọc Anh khách hàng mua một dự án khu vực Linh Đàm chia sẻ bí quyết: "Đối với giấy Xác nhận Tình Trạng nhà ở thì thường rất khó xin để nhanh nhất thì xin giấy KT3 là giấy tạm trú dài hạn". Anh Ngọc Anh cũng bật mí tại khu vực ngoại thành thì sẽ dễ xin hơn khu vực nội thành.

Khó khăn thứ 2 người vay vốn thường mắc phải là chứng minh khả năng trả nợ với ngân hàng. Theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng thì người làm việc tại khu vực đô thị có mức thu nhập không phải đóng thuế thu nhập cá nhân (tức người có mức lương dưới 9 triệu đồng/tháng) là người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, phía ngân hàng lại cho rằng người có tổng thu nhập dưới mức thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân thì không đủ điều kiện để trả nợ vay. Quy định "đá nhau" đã khiến nhiều người gặp vướng mắc trong quá trình làm hồ sơ vay vốn.

Anh Tâm, một khách hàng đang làm hồ sơ mua nhà tại một dự án trên Đại Lộ Thăng Long cho biết anh là kế toán, thu nhập của anh 18 triệu/tháng khá cao so với cái khái niệm "nghèo" để có thể vay vốn. Tuy nhiên, anh Tâm tiết lộ trường hợp của anh lại xin được miễn trừ gia cảnh bởi bố mẹ anh hiện không hưởng lương hưu, anh lại đang nuôi con nhỏ.

Còn chị Hoài Anh, một khách hàng đã được vay vốn từ gói 30 nghìn tỷ chia sẻ, thu nhập của chị hàng tháng khoảng 15 triệu, bao gồm lương cứng và lương kinh doanh. Vì vậy để chứng minh là người có thu nhập thấp chị chỉ cần xin giấy xác nhận bảng lương cứng 5 triệu đồng hàng tháng của mình để cho vào hồ sơ, còn đối với ngân hàng chị có thể chứng minh bằng bảng sao kê lương hàng tháng. Chị Hoài Anh cũng cho biết thêm, chị vay vốn ngay tại ngân hàng chị lĩnh tiền lương hàng tháng nên mọi thủ tục cũng rất đơn giản.

Thực tế, việc làm thủ tục giấy tờ để vay gói mua nhà ưu đãi 30 nghìn tỷ còn phát sinh thêm rất nhiều vấn đề. Vì vậy, theo kinh nghiệm của rất nhiều người vay là khi mua nhà từ một chủ đầu tư có dạng căn hộ phù hợp với gói 30.000 tỷ, hãy tranh thủ nhờ sự hỗ trợ của nhân viên kinh doanh. Họ là những người đã hỗ trợ rất nhiều khách hàng làm hồ sơ và biết được trường hợp gì thì nên làm thế nào.

Bên cạnh đó, nếu có nhu cầu vay vốn ưu đãi mua nhà thì cũng nên tham gia nhóm mạng xã hội của những người mua nhà ở cùng dự án với mình, hoặc nhóm những người vay gói 30 nghìn tỷ. Đây là cơ hội tuyệt vời để chúng ta có thể trao đổi thêm thông tin và tham khảo kinh nghiệm từ những người đã vay thành công.

>> Người nước ngoài, gói 50.000 tỷ liệu có “tạo sóng” bất động sản?

Theo Lan Nhi

Cùng chuyên mục
XEM