Thuế phí ôtô: Không ở đâu như Việt Nam

24/06/2015 19:30 PM |

Không ở đâu trên thế giới này, người tiêu dùng lại phải đóng nhiều loại thuế và phí đến thế khi mua và sử dụng một chiếc ôtô như ở Việt Nam.

Điều này khiến giá xe ở một nước đang phát triển như nước ta cao gấp 2,5 lần so với một nước phát triển và có thu nhập bình quân đầu người cao như Mỹ. Cũng vì thế, việc sở hữu và lăn bánh xe ô tô trên đường Việt Nam hầu như chỉ dành cho những người có thu nhập cao, còn đối với đại đa số người dân, đó có lẽ mãi chỉ là “giấc mộng”.

Ô tô Việt “một cổ chín mười tròng”

Câu nói “một cổ chín mười tròng” miêu tả rất đúng về tình trạng thuế, phí đối mà chủ xe ô tô Việt Nam đang phải gánh. Nhìn danh sách dài các loại thuế, phí bên dưới đây, nhiều người sẽ phải lắc đầu ngán ngẩm.

Danh sách những loại thuế áp dụng trên một chiếc ôtô:

- Thuế nhập khẩu linh kiện với xe lắp ráp trong nước (doanh nghiệp đóng, tính vào giá xe): 10 – 30%; hoặcthuế nhập khẩu nguyên chiếc (đơn vị nhập khẩu đóng, tính vào giá xe): 50 – 70% tùy loại.

- Thuế tiêu thụ đặc biệt: 40-60%, tùy theo dung tích xe.

- Thuế Giá trị gia tăng (VAT): 10%. - Thuế thu nhập doanh nghiệp (doanh nghiệp đóng, tính vào giá xe): 22%.

Các loại phí phải đóng khi xe lăn bánh trên đường:

- Phí trước bạ: 10 – 15%, tùy thành phố.

- Phí cấp biển số: 2 – 20 triệu đồng (HN và Tp.HCM).

- Phí đăng kiểm: 240.000 đồng – 560.000 đồng (một lần kiển định).

- Phí cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật: 50.000 đồng – 10.000 đồng (một lần cấp).

- Phí sử dụng đường bộ: Có 2 loại phí sử dụng đường bộ, là phí thu qua trạm thu phí BOT để hoàn vốn xây dựng các công trình giao thông khi ôtô lưu hành qua, và phí bảo trì đường bộ với mức 130.000 đồng đến 1.430.000 đồng một tháng tùy theo tải trọng xe. - Phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự.

- Phí bảo hiểm vật chất (không bắt buộc).

- Phí xăng dầu.

- Phí thử nghiệm khí thải.

- Phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu.

- Phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng.

Mới đây Bộ Tài chính đang tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn thu phí thử nghiệm khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu; phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu, lệ phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng đối với xe ôtô từ 7 chỗ ngồi trở xuống.

Theo nội dung dự thảo, sẽ có hai mức phí thử nghiệm tiêu thụ nhiên liệu đối với ô tô từ 7 chỗ ngồi trở xuống. Cụ thể, xe sử dụng nhiên liệu xăng chịu mức phí 16 triệu đồng/phép thử/lần; xe sử dụng nhiên liệu dầu diesel chịu mức phí 16,5 triệu đồng/phép thử/lần. Như vậy, bên cạnh phí thử nghiệm khí thải đã được quy định trước đây tại, các loại ôtô chở người từ 7 chỗ ngồi trở xuống sẽ phải chịu thêm phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu và lệ phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng.

Bất cập

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội chia sẻ, một chiếc ô tô đang phải gánh quá nhiều loại thuế, phí khiến người tiêu dùng bức xúc là thực tế. Nhưng ở VN vấn đề thuế, phí hiện còn đang còn nhiều bất cập.

Không có sự liên kết, giải pháp không đồng bộ dẫn tới mỗi cơ quan quản lý, mỗi ngành nghề, doanh nghiệp đều phải chịu những loại thuế phí khác nhau dẫn tới tình trạng thu rồi vẫn thu nữa, cơ quan này thu, cơ quan khác cũng muốn thu.

Cụ thể như phí bảo trì đường bộ và phí BOT (BOT: phí hoàn vốn và một phần lợi nhuận cho nhà đầu tư). Bộ GTVT muốn thu, Bộ Tài chính cũng muốn thu, chủ đầu tư cũng muốn thu. Sự thiếu minh bạch giữa các cơ quan quản lý với chủ đầu tư dẫn tới tình trạng lạm thu, phí chồng phí. Tình trạng trạm thu phí BOT đặt không đúng quy định vẫn còn.

Người dân phải đóng hai lần phí bảo trì đường bộ. Đóng qua đầu phương tiện và đóng khi qua trạm BOT.

Thứ hai, quy định 70km mới đặt trạm thu phí, nhưng lại giải thích có đoạn ngắn, đoạn dài… giải thích như vậy là không minh bạch. Rõ ràng người dân đang phải oằn lưng gánh các loại thuế, phí bất hợp lý.

Ông Liên cho rằng, trong điều kiện hiện nay của Việt Nam nhà nước chưa khuyến khích phát triển ô tô do điều kiện cơ sở hạ tầng, đường xá chưa tốt nên đã đề ra nhiều loại thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hạn chế sự phát triển của loại phương tiện này.

Trong bối cảnh đó, ông Liên hài hước đưa ra lời khuyên người nghèo nên đi xe buýt, xe ôm, xe máy... ít ra đường để tránh tai nạn. "Nhiều địa phương còn coi thuế, phí là cứu cánh cho ngân sách. Tất nhiên, người giàu có đóng thuế, phí ủng hộ ngân sách cũng là hợp lý nhưng cần phải minh bạch, công bằng với người nghèo", ông Liên nói.

Ô tô giá rẻ mãi chỉ là “giấc mộng”

Theo lộ trình cắt giảm thuế quan thuộc khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), năm 2018, tức chỉ 3 năm nữa, thuế suất dành cho ô tô nhập khẩu nguyên chiếc trong khu vực sẽ giảm xuống còn 0%.

Như vậy, về lý thuyết, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội mua ô tô giá rẻ hơn so với hiện tại.

Tuy nhiên, để tăng nguồn thu, Bộ Tài chính đề xuất thay đổi cách tính thuế với ôtô dưới 24 chỗ ngồi trở xuống, để đối phó với mức thuế xuất bắt đầu giảm từ 50% vào 2015 xuống 40% vào 2016, 30% vào 2017 và 0% vào 2018.

Cụ thể, mức thuế tiêu thụ đặc biệt mới: áp dụng từ 1/1/2016 sẽ như sau:

1. Theo dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính cho biết, quy định hiện hành về giá tính thuế TTĐB mặt hàng ôtô dưới 24 chỗ ngồi nhập khẩu, đối với hàng hóa sản xuất trong nước, giá tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở sản xuất, bao gồm giá thành sản xuất (hay giá vốn) cộng với chi phí bán hàng trong nước (chi phí quản lý, đóng gói, quảng cáo, trưng bày, vận chuyển, bảo hành,... nếu có), cộng với lãi của người nộp thuế.

2. Sẽ làm dòng xe này ít nhất là tăng giá trong 2016, do thuế nhập khẩu chỉ giảm 10%, thậm chí có nguy cơ tăng giá cao. Giá bắt đầu giảm trở lại chút ít vào 2017 căn cứ theo giá 2016 và giá sẽ giảm mạnh trong 2018, tuy nhiên mức giảm sẽ không còn kỳ vọng như hiện nay.

3. Tính toán trên cơ sở dự thảo

- Xe có giá nhập khẩu là 20.000 USD, thuế nhập khẩu 2015 là 50%, vậy xe có giá là 30.000 USD; tính thuế tiêu thụ đặc biệt 50% vậy xe có giá tại cảng là 45.000 USD chưa bao gồm vận chuyển, tiền lãi… Cuối cùng xe có giá bán sẽ quanh mức 55.000 USD. Tiền lãi là 5.000 USD, chi phí khác là 5.000 USD.

- Xe có giá 20.000 USD, trong năm 2016 với thuế nhập khẩu 40%, vậy xe có giá tại cảng 28.000 USD; tiền trong chuỗi lưu thông 10.000 USD vậy xe có giá là 38.000 USD; thuế TTĐB 50% (19.000 USD) vậy xe có giá là 57.000 USD.

Như vậy để có mức lãi ổn định 5.000 USD giá bán xe sẽ phải tăng 12.000 USD (so với 2015).

- Tương tự 2017 xe có giá là 20.000 USD thuế NK 30% vậy xe có giá là 26.000 USD, quá trình lưu thông là 10.000 USD, thuế TTĐB 50% vậy mức thuế là 36.000*50% = 18.000 USD vậy xe có giá là 54.000 USD (giảm được 3.000 USD so với 2016.

- Đến 2018 xe có giá là 20.000 USD, thuế nhập khẩu = 0, lưu thông 10.000 USD (không đổi) vậy thuế tiêu thụ đặc biệt là 15.000 USD thì xe có giá 45.000 USD, là giá sau năm 2018 và hết giảm được nữa.

Hóa ra giá xe sau 2018 vẫn bằng với giá xe 2015 chưa tính lãi.

Cuối cùng giấc mơ xe giá rẻ sẽ tan biến với người tiêu dùng Việt Nam. Với những người trong ngành ôtô, thì đây là điều không hề bất ngờ, vì ai cũng đoán được Bộ Tài chính sẽ thay đổi sắc thuế khác để hạn chế, giảm nhập siêu…Quay đi quay lại tính ra thuế suất vẫn tương đương 50% thuế nhập khẩu, chỉ thay đổi do tính vào thuế TTĐB mới. Giá USD vẫn tăng hằng năm, do vậy tính đến 2018 giá xe sẽ còn tăng cao nếu tính theo giá tiền đồng. Như vậy, giấc mơ xe giá rẻ của người Việt sẽ mãi chỉ là giấc mơ.

Cùng chuyên mục
XEM