Thực phẩm tươi sống vẫn "neo" giá Tết
Mặc dù có tới gần 90% trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống ở Tp. Hồ Chí Minh đã hoạt động trở lại nhưng các mặt hàng thực phẩm tươi sống vẫn "neo" giá Tết.
Một số mặt hàng thủy hải sản, rau xanh... giá không chỉ tăng cao mà có nơi còn "cháy" hoặc "đứt" hàng.
Trao đổi với phóng viên, ông Minh Gia, tiểu thương chợ Nguyễn Văn Trỗi, quận Quận 3 cho biết, sáng ngày 12/2 (tức mùng 5 Tết), ông chỉ nhập có 30 kg xà lách búp Đà Lạt, 10kg rau thơm các loại... để bán trong buổi chợ sáng. Vậy mà mới 9 giờ 30 sáng, số lượng hàng trên đã hết, do một số người tiêu dùng mua từ 2 - 5 kg, để tiếp tục dự trữ sử dụng cho những ngày cuối của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay.
Tại siêu thị Co.opmart Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, ngay từ khi mở cửa vào 8 giờ sáng, người dân đã đến mua sắm nhộn nhịp. Đặc biệt, tại khu vực kinh doanh mặt hàng thủy hải sản chưa mở cửa kinh doanh, còn khu vực thịt lợn, thịt bò, thịt gà, rau củ, quả... tập trung đông đúc khách hàng; trong đó, các sản phẩm hút hàng như xà lách búp Đà Lạt, rau thơm các loại... bị "đứt" và "cháy" hàng. Vì vậy, nhiều người tiêu dùng phải lựa chọn các sản phẩm tương tự như xà lách mỡ, cải xà lách...
Cụ thể, ở thời điểm hiện tại, mặt hàng xà lách búp Đà Lạt có giá bán lẻ dao động từ 35.000 - 50.000 đồng/kg, rau thơm các loại 30.000 - 40.000 đồng/kg. Riêng các mặt hàng rau xanh như cải xanh, cải ngồng, cà chua, dưa leo... có giá bán tăng gấp đôi so thời điểm trước Tết. Ngoài ra, những mặt hàng thủy hải sản gồm: cá lóc tăng 20.000 đồng/kg, mực tăng 50.000 đồng/kg so thời điểm trước Tết.
Lý giải nguyên nhân vì sao thực phẩm tươi sống đã tăng giá cao mà còn bị "cháy" hoặc "đứt" hàng, bà Hạnh Lê, tiểu thương chợ Bà Chiểu cho rằng, nguồn cung hàng hóa ở các chợ đầu mối của Tp. Hồ Chí Minh vẫn đáp ứng tương đối đủ nhu cầu thị trường, nhưng do nhiều tiểu thương "ngại" lấy hàng nhiều về lại bán không hết. Do hiện nay người dân thành phố đang về quê ăn Tết cũng như đi du lịch, nên sức mua thị trường yếu, dẫn đến tình trạng các đơn vị bán buôn cân đối cung - cầu, đảm bảo lợi nhuận, không dám nhập hàng nhiều. Bên cạnh đó, vào thời điểm này vẫn đang trong kỳ nghỉ Lễ Tết nên giá thuê nhân công, chi phí vận chuyển bị "đội lên". Thêm vào đó, các mặt hàng thực phẩm tươi sống rất khó bảo quản nên giá thành buộc phải tăng lên.
Ghi nhận tại nhiều trung tâm thương mại, hệt hống siêu thị, cửa hàng thực phẩm, chợ truyền thống... cho thấy, chỉ một số mặt hàng rau củ, quả như đậu co ve, bông cải xanh, khoai tây, cà chua, dưa leo, cải ngọt... được đảm bảo nguồn cung và đáp ứng nhu cầu thị trường. Song song đó, những mặt hàng khác bánh, kẹo; nước giảm khát; thực phẩm khô; thực phẩm công nghệ... có nguồn cung dồi dào nên giá cả được duy trì ổn định./.