Thứ trưởng Bộ GTVT: Việt Nam có thể bán cảng biển cho NĐT trong nước lên đến 80%
Việt Nam mong muốn cộng đồng quốc tế có thể tìm hiểu về Việt Nam để có thể đầu tư mạnh hơn vào cơ sở hạ tầng Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đã mở cửa với những cơ chế, chính sách thông thoáng, ví dụ như với cảng biển có thể bán phần vốn cho nhà đầu tư trong nước với 80%.
Phát biểu tại Diễn đàn đầu tư toàn cầu ngày 30/9, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường đã đưa ra một bức tranh về ngành giao thông Việt Nam tới các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, 5 loại hình giao thông của Việt Nam hiện nay bao gồm đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa đều phá triển đồng đều, có vai trò lớn trong phát triển kinh tế Việt Nam.
Với đường bộ dài 20 nghìn km, theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, hiện nay đã đầu tư gần 1.000km đường cao tốc đạt tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam phấn đấu sẽ đạt 2.500km đường cao tốc, sắp tới tập trung nâng cấp toàn diện đường bộ cao tốc từ Bắc đến Nam với chiều dài gần 2.000km, xây dựng cao tốc từ HN đến các tỉnh phía Bắc, từ TPHCM đến các tỉnh phía Nam, két nối với Lào , Campuchia, Thái Lan trong trục đường xuyên Á. Việt Nam đã lên kế hoạch đầu tư trong những năm tới để Việt Nam kết nối với các nước ASEAN bằng đường cao tốc.
Đường sắt có đường sắt Bắc- Nam, từ Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc, đường sắt hiện nay khổ 1m, tương lai gần Việt Nam đang tìm nguồn vốn xây dựng đường sắt khổ 1.435mm Bắc- Nam, từng bước xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc- Nam với tốc độ 200km/giờ.
Cảng biển, có 3.000km đường bờ biển, có nhiều cảng biển lớn ở các Bắc, Trung Nam, trong năm vừa rồi Việt Nam đã xây dựng một số cảng biển lớn, đặc biệt ở Hải Phòng, TPHCM, Đà Nẵng, Quy Nhơn. Ở Hải Phòng, lượng hàng thông qua khoảng 5 triệu tấn/năm, đang xây dựng cảng Lạch Huyện đến năm 2017 có thể đưa đón tàu 100 nghìn tấn ra vào, trong đó có bến container. Ở TPHCM, Bà rịa Vũng Tàu có thể đón tàu 50 nghìn tấn, nhiều cảng liên doanh với nước ngoài.
Hàng không, có 20 cảng hàng không, trong đó 5 cảng hàng không quốc tế, đặc biệt là Nội Bài và Tân Sơn Nhất, đón khoảng 50 triệu hành khách/ năm. Hiện nay Việt Nam đang triển khai dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự kiến khởi công năm 2018, hoàn thành năm 2022, sau đó trở thành cảng trung chuyển quốc tế, tổng công suất tối đa 100 triệu hành khách/năm, dự kiến hoàn thành năm 2030.
Đường thủy nội địa, phát triển tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng.
Trong 2 năm vừa qua, ngành giao thông Việt Nam ngoài phát triển bằng nguồn vốn trong nước còn có nguồn vốn ODA, Việt Nam được tài trợ khoảng 15 tỷ USD, trong đó một nửa từ JICA, còn lại từ vốn vay ADB và các nguồn vốn ODA khác. Vốn ODA giúp Việt Nam phát triển mạnh cơ sở hạ tầng đặc biệt đường bộ, cao tốc, nhà ga sân bay như nhà ga T2 nội bài, một số cầu lớn như Bãi Cháy, Nhật Tân... Sắp tới Nhật Bản giúp Việt Nam xây dựng cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) cũng như mong muốn có nguồn vốn của Nhật Bản vào cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, 5 năm tới Việt Nam cần nguồn vốn đấu tư khoảng 50 tỷ USD để đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó vốn ngân sách và ODA khoảng 28% còn 72% phải kêu gọi bằng vốn xã hội hóa, PPP.
Việt Nam mong muốn cộng đồng quốc tế có thể tìm hiểu về Việt Nam để có thể đầu tư mạnh hơn vào cơ sở hạ tầng Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đã mở cửa với những cơ chế, chính sách thông thoáng, ví dụ như với cảng biển có thể bán phần vốn cho nhà đầu tư trong nước với 80%, có thể chuyển nhượng cảng hàng không, sân bay, các tuyến đường bộ, đường sắt. Vừa qua Chính phủ đã ban hành nghị định 15, nghị định 30 về đầu tư PPP, đây là nhưng chính sách rất quan trọng với đầu tư cơ sở hạ tầng sắp tới.