Thỏa thuận ngầm giữa hộ kinh doanh và cán bộ thuế rất tinh vi
Thậm chí, chính cán bộ thuế còn bày cho hộ kinh doanh chiêu trốn thuế, ví dụ bằng cách khai “tạm thời đóng cửa” do khó khăn nhưng thực tế vẫn bán hàng bình thường.
Ông Đặng Hoàng Giang, Trung tâm phát triển cộng đồng (CECODES), chủ biên đề tài nghiên cứu về nguy cơ tham nhũng trong khu vực hộ kinh doanh tại VN, đã nhận định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ.
Ông Đặng Hoàng Giang cho biết tham nhũng trong lĩnh vực này có nhiều hình thức khác nhau. Để chung chia, tham nhũng tiền thuế, cán bộ thuế không chỉ vòi vĩnh mà còn thỏa thuận ngầm, thông đồng với hộ kinh doanh. Nhưng thường các hộ kinh doanh không bị đẩy tới chỗ "vắt" kiệt sức, mức độ tham nhũng luôn “vừa đủ” để giữ được nguồn lợi lâu dài.
Mức độ hành vi vòi tiền công khai tương đối thấp nhưng hành vi cấu kết lại khá phổ biến. 1/3 số đối tượng tham gia khảo sát đồng ý hoàn toàn hoặc một phần về việc mọi người thường dàn xếp với cán bộ nhà nước để phải nộp mức phạt thấp hơn và không lấy biên lai. 14% cho biết họ phải nộp thuế ít hơn nếu biếu quà cho cán bộ thuế.
Ngoài ra, trường hợp cán bộ thuế đề nghị hối lộ để hai bên cùng có lợi, một nửa người nộp thuế lựa chọn sẽ tận dụng cơ hội này. Trong số 50% số người từ chối hối lộ, chỉ 25% làm vậy vì tuân thủ pháp luật. 63% tin rằng trong lĩnh vực của mình, các hộ kinh doanh luôn cấu kết với các cán bộ thuế.
(Trích báo cáo Nguy cơ tham nhũng trong khu vực hộ kinh doanh tại Việt Nam)
Chính cán bộ thuế bày cho hộ kinh doanh chiêu trốn thuế
* Cụ thể tham nhũng được thể hiện như thế nào, thưa ông?
- Đôi khi hành vi tham nhũng được thể hiện dưới hình thức hết sức rõ ràng, đơn giản như tiết lộ của một chủ hộ kinh doanh tại TP.HCM: “Chúng tôi nộp một khoản thuế khoảng 5 triệu đồng mỗi năm bao gồm cả tiền thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân… và tiền bồi dưỡng cho cán bộ thuế nữa. Việc này diễn ra kín đáo, không có biên lai, không gì hết. Nộp xong là xong".
Hay các hộ kinh doanh có quy mô lớn hơn tại Đồng Nai cho biết “quà cáp cho cán bộ nhà nước là điều hiển nhiên. Mỗi năm phải chi mất vài triệu đồng”.
Tại Thái Bình, một số hộ cho biết phong bì trở thành “lệ” trong các lần kiểm tra cuối năm. “Mỗi hộ kinh doanh trên phố sẽ đưa phong bì 5 triệu đồng. Nếu không, cán bộ sẽ tìm ra một hộ nào đó vi phạm để phạt. Đưa phong bì sẽ giúp giải quyết vấn đề dễ dàng hơn, nếu không sẽ bị tịch thu hàng hóa, tốn chi phí hơn".
Đáng quan tâm là việc thỏa thuận ngầm khá tinh vi khi một vị nguyên là lãnh đạo Tổng cục Thuế kể câu chuyện rằng chính cán bộ thuế còn bày cho hộ kinh doanh chiêu trốn thuế, ví dụ bằng cách khai “tạm thời đóng cửa” do khó khăn nhưng thực tế vẫn bán hàng bình thường.
Qua khảo sát, nhóm nghiên cứu nhận thấy nhìn chung mức độ vòi vĩnh công khai không cao, nhưng hiện tượng thỏa thuận ngầm, bắt tay giữa hộ kinh doanh và cán bộ thuế để hai bên cùng có lợi thì rất phổ biến.
* Thưa ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên?
- Chính sách thuế đang được thực thi thiếu minh bạch nên dễ dẫn tới hiện tượng cán bộ thuế lạm dụng quyền hạn và kê khống thuế. Hầu hết các hộ được điều tra đều phàn nàn về thuế suất tăng đều trong các năm qua trong khi tình hình kinh doanh đi xuống, hoặc các hộ kinh doanh cùng mặt hàng, ở cùng dãy phố nhưng lại nhận được mức thuế khác nhau.
Các chủ hộ kinh doanh cũng không nắm rõ cách thức tính thuế. Hầu hết họ nói: “Chúng tôi chỉ biết đóng thuế theo số được cán bộ thông báo, chả biết vì sao". Nhiều hộ kinh doanh thắc mắc, khiếu nại lên trên nhưng không được giải quyết.
Chính vì mức thuế đưa ra không minh bạch, hộ kinh doanh không chấp thuận với mức thuế mà cán bộ thuế đưa ra nên có sự thỏa thuận, thông đồng giữa hai bên. Một nửa số hộ kinh doanh được hỏi cho biết sẽ nhận lời nếu cán bộ thuế đề nghị “hợp tác” để hai bên cùng có lợi.
* Vậy theo ông, cần ngăn chặn tham nhũng bằng cách nào?
Khi được hỏi tại sao bị vòi tiền mà không tố cáo, phần lớn hộ kinh doanh đều có chung câu trả lời: “Chúng tôi chỉ là những cá nhân nhỏ bé, cố gắng làm ăn và mong được yên thân. Có tố cáo cũng chẳng đem lại cái gì".
- Theo tôi, cần phải công khai cách tính thuế cũng như mức đóng thuế của các hộ kinh doanh để tạo được sự minh bạch. Mặt khác, cần phải thành lập Hiệp hội hộ kinh doanh để bảo vệ quyền lợi cho mấy triệu hội viên. Các hộ kinh doanh bận rộn mưu sinh và có trình độ học vấn trung bình, họ không thể nghiên cứu và đưa ra các khuyến nghị chính sách. Hiệp hội sẽ làm việc này cho họ, bảo vệ lợi ích của họ trong việc lập ra cơ chế xác định thuế, định mức nộp thuế...
Bên cạnh đó, theo tôi, nếu lãnh đạo cấp cao mạnh tay xử lý công chức vi phạm nếu không nộp đủ tiền thuế thì cũng ngăn chặn được việc này. Hiện tượng trốn thuế thì nước nào cũng có. Ngay cả ở nhiều nước phát triển, có không ít công ty, tập đoàn lớn chứ không chỉ các hộ kinh doanh trốn thuế, nhưng điều dễ nhận thấy ta khác họ là việc cán bộ thuế làm sai, tham nhũng tiền thuế là rất ít. Bởi các nước họ phạt rất nặng, vừa phải nộp tiền phạt và còn vừa phải đi tù nếu cán bộ thuế thông đồng với người kinh doanh trục lợi tiền thuế.
Hưởng lương 5 triệu đồng/tháng nhưng chỉ thu được 2 triệu đồng tiền thuế/tháng
* Để giảm nạn nhũng nhiễu trong lĩnh vực thuế, theo ông, ngành thuế nên tập trung nguồn lực để giám sát những tập đoàn, công ty lớn thay vì mất quá nhiều nhân lực để quản lý thuế đối với các tiểu thương?
- Đó cũng là điều đáng suy nghĩ. Để quản lý thuế hộ kinh doanh, ngành thuế đang phải huy động tới 21% nhân lực, nghĩa là hơn 8.000 cán bộ thuế nhưng số thu chỉ đạt 2% số thu nội địa.
Theo một vị nguyên là lãnh đạo Tổng cục Thuế, nhiều cán bộ thuế được trả lương 5 triệu đồng/ tháng nhưng số thuế thu được chỉ 2 triệu đồng. Điều đó cho thấy ngành thuế mất rất nhiều nguồn lực để quản lý thuế đối với hộ kinh doanh. Do đó cần phải xem xét, thiết kế lại chính sách quản lý thuế đối với hộ kinh doanh để tỉ lệ giữa thu và chi phí hợp lý hơn.
* Xin cảm ơn ông!