Bộ trưởng Tài chính: Rất đau xót khi cán bộ thuế dính đến gian lận
“Rất đau xót là cũng dính đến cán bộ thuế và đã bắt hàng loạt. Chúng tôi rất đau xót, nhưng chúng ta không có cách nào khác, vẫn phải xử lý rất nghiêm" - Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Chiều ngày 28/5, tại phiên thảo luận tại hội trường về quyết toán ngân sách năm 2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, cho biết việc ở An Giang qua vụ án khởi tố doanh nghiệp gian lận thuế GTGT cũng là do cơ quan thuế phát hiện và phối hợp với công an xử lý.
“Rất đau xót là cũng dính đến cán bộ thuế và đã bắt hàng loạt. Chúng tôi rất đau xót, nhưng chúng ta không có cách nào khác, vẫn phải xử lý rất nghiêm. Trong nội bộ ngành tài chính, những trường hợp như thế chúng tôi xử lý rất nghiêm, ngoài xử lý theo pháp luật thì chúng tôi cũng xử lý rất nghiêm”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh, qua thanh tra kiểm tra đã phát hiện nhiều trường hợp lợi dụng sự thông thoáng để gian lận.
Đã khởi tố nhiều vụ gian lận thuế GTGT
“Chúng tôi đã phối hợp với công an khởi tố nhiều vụ, như ở Đồng Nai gian lận thuế GTGT lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Vụ ở Lâm Đồng cũng tương đối lớn. Cơ quan công an cũng rất tích cực. Việc ở An Giang qua vụ án khởi tố doanh nghiệp như thế cũng là do cơ quan thuế phát hiện, phối hợp với công an xử lý”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Dũng cho biết, qua công tác thanh tra, kiểm tra công tác thu, xử lý nợ đọng nhằm bảo đảm công bằng cho người thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước. 2013, 6 tháng đầu năm rất khó khăn, dư luận lúc đó cũng rầm rộ rất nhiều việc, trong đó có nợ hoàn thuế GTGT.
“Bộ tài chính đã tập trung phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương tập trung trọng điểm thanh tra 2 khu vực, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. ngay sau đó, chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ là 2009 không hoàn thuế giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông, lâm nghiệp. Vừa qua đã báo cáo với UBTVQH, các địa phương thu về phần hụt thu ngân sách này được xử lý cấp bù cho vượt thu. Như vậy là đã tính đủ, trả đủ”, Bộ trưởng Dũng giải thích.
Bộ trưởng cũng cho biết, năm 2013, cơ quan thuế đã tập trung vào kiểm tra. Với tinh thần như thế đã thực hiện kiểm tra 64.119 doanh nghiệp.
“Qua thanh tra kiểm tra, số thuế tăng thu sau thành tra kiểm tra là 13.657 tỷ đồng, vượt lên rất nhiều so với năm 2012; giảm khấu trừ 1.234 tỷ đồng, giảm lỗ 15.712 tỷ đồng, trong đó đặc biệt là những vấn đề như doanh nghiệp nước ngoài chuyển giá. Tuy chưa đáp ứng yêu cầu, nhưng có sự rất chủ động, rất tích cực và sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, chính quyền địa phương rất tốt”, Bộ trưởng Dũng cho biết.
Vì sao bội chi ngân sách 6,6%?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, cũng giải trình trước Quốc hội lý do bội chi ngân sách 2013. Tại Nghị quyết số 32/2012/QH13 ngày 10/11/2012, Quốc hội quyết định mức bội chi NSNN 162.000 tỷ đồng, tương đương 4,8% GDP, sau đó được Quốc hội điều chỉnh mức bội chi là 195.500 tỷ đồng, bằng 5,3% GDP theo Nghị quyết số 54/2013/QH13 ngày 12/11/2013.
Quyết toán số bội chi theo báo cáo của Chính phủ là 236.769 tỷ đồng, vượt 41.269 tỷ đồng so với mức Quốc hội đã điều chỉnh, bằng 6,6% GDP thực tế. Số bội chi là do 2 nguyên nhân.
“Thứ nhất là tăng chi trả nợ quỹ hoàn thuế GTGT là 13.190 tỷ đồng phát sinh năm 2011. Thứ hai là tăng chi từ nguồn vốn giải ngân ODA 29.422 tỷ đồng”, Bộ trưởng Dũng giải trình.
Riêng về trả nợ hoàn thuế GTGT năm 2011, theo quy định của luật, việc hoàn thuế GTGT khi nhập khẩu hoặc mua hàng hóa dịch vụ, doanh nghiệp phải nộp thuế giá trị gia tăng đầu vào. Khi xuất khẩu hoặc bán hàng hóa, dịch vụ, doanh nghiệp được hoàn trả, tức là khấu trừ, số thuế giá trị gia tăng đã nộp. Hàng năm, Quốc hội quyết định mức chi quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng.
“Tuy nhiên, khi hoàn trả cho doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng, nên số thuế giá trị gia tăng thực tế vượt mức Quốc hội duyệt. Từ năm 2011 đến nay đều xảy ra tình trạng này. Để bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp, Nhà nước ứng từ kho bạc chi hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định”, Bộ trưởng Dũng phân tích.
Khi quyết toán năm 2012, Quốc hội cho phép tăng bội chi từ 19.689 tỷ đồng để trả số thuế giá trị gia tăng ngoài khoản dự toán mà Quốc hội đã duyệt là 70.000 tỷ đồng. Năm 2013, vượt 21.482 tỷ đồng. Tháng 5/2014, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội cho ý kiến xử lý.
“Đến nay, còn nợ thuế giá trị gia tăng phát sinh năm 2011 là 13.190 tỷ đồng. Vì vậy, tăng chi ngân sách nhà nước để xử lý dứt điểm khoản hoàn thuế giá trị gia tăng và cũng nhằm minh bạch hóa và phản ánh đúng số cân đối của ngân sách nhà nước. Chính vì vậy, Chính phủ xin trình Quốc hội cho xử lý dứt điểm vào quyết toán chi ngân sách nhà nước năm 2013 số thuế giá trị gia tăng năm 2011 còn nợ là 13.190 tỷ đồng”, bộ trưởng Dũng đề xuất.
Còn về tăng chi từ nguồn vốn ODA, theo bộ trưởng Dũng, mấy năm gần đây, đặc biệt là 2013, 2014, và có khả năng cả 2015, toàn hệ thống chính trị tập trung cải cách thủ tục hành chính, ưu tiên bố trí vốn đối ứng ODA.
“Chính phủ đã trình và Quốc hội cũng đã nhất trí lấy từ nguồn trái phiếu Chính phủ đối ứng cho nguồn vốn ODA. Các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án cũng tập trung quyết liệt giải phóng mặt bằng nên giải ngân ODA cao hơn dự toán. Năm 2013 là 29.422 tỷ đồng. Chúng tôi báo cáo Quốc hội chủ yếu là để đầu tư, gồm các dự án cần đẩy nhanh tiến độ nên giải ngân cao hơn dự kiến”, Bộ trưởng Dũng cho biết.
Theo bộ trưởng Dũng, số tăng chi ODA chủ yếu cho giao thông, nông-lâm nghiệp. Cụ thể, lĩnh vực giao thông tăng 21.236 tỷ đồng cho các dự án như Cảng Quốc tế Cái Mép-Thị Vải. Dự toán của chúng ta lúc tính là khoảng 250 tỷ đồng, nhưng thực hiện là 4.195 tỷ đồng, nhanh hơn, cao hơn, tăng 3.435 tỷ đồng.
Dự án cầu Nhật Tân, dự toán ghi 200 tỷ đồng, thực hiện là 2.927 tỷ đồng. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội-Hà Đông dự toán là 180 tỷ đồng, thực hiện là 2.304 tỷ đồng… Lĩnh vực nông nghiệp và nông nghiệp cũng tăng 834 tỷ đồng.
“Số giải ngân tăng so với dự toán, Chính phủ cũng nhân nhượng cho các nhà tài trợ và đã tính vào nợ công, đã nhận nợ và tính vào nợ công. Vì vậy, tăng bội chi nhưng cũng không làm tăng thêm nợ công theo số mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội”, Bộ trưởng Dũng giải thích.
Kết thúc phân giải trình, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết nguồn bù đắp bội chi là vay trong nước năm 2013 là 180.347 tỷ đồng; vay ngoài nước 56.422 tỷ đồng.
“Với kết quả thực hiện dự toán thu, chi, bội chi như trên, tính đến 31/12/2013, so với GDP thực tế, dư nợ Chính phủ bằng 42,6%, dư nợ ngoài nước của quốc gia bằng 37,3%, nợ công bằng 54,5%; trong giới hạn bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Mong Quốc hội thông qua và cho quyết toán 2 khoản này”, Bộ trưởng Dũng đề xuất.