Thị trường sữa: Nhu cầu nhiều, dư địa lớn

01/08/2014 07:33 AM |

Hiện nay, sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 28% nhu cầu sữa, hơn 70% còn lại “dựa dẫm” vào nhập khẩu

Nhiều chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ sữa có xu hướng ngày càng tăng, dư địa mênh mông đang bị sữa ngoại nhập chiếm hữu là cơ hội lớn đối với ngành chăn nuôi bò sữa cũng như sản xuất, thương mại sữa trong tương lai.

Sữa tăng cả lượng và chất

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT): Hơn 10 năm qua, số lượng đàn bò sữa cũng như sản lượng sữa của Việt Nam có sự tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, số lượng bò sữa đã tăng từ 42,24 nghìn con năm 2000 lên 200 nghìn con vào tháng 4-2014. Sản lượng sữa cả nước tăng từ 64,7 nghìn tấn năm 2001 lên 306,66 nghìn tấn năm 2010 và 456,39 nghìn tấn năm 2013.

Phát biểu tại hội thảo “Mô hình tổ chức, công nghệ mới trong chăn nuôi bò sữa và đánh giá phát triển chăn nuôi bò sữa theo Quyết định 167/2001/QĐ-TTg ngày 26-10-2001 về một số biện pháp và chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sữa” do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTTN Vũ Văn Tám đánh giá: Việt Nam bắt đầu sản xuất sữa từ những năm 60 nhưng chủ trương chính thống, quy củ chính thức bắt đầu khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 167. 

Sau hơn 10 năm, năng suất sữa bình quân của Việt Nam tăng khá nhiều, đạt mức 5,18 tấn/1 bò sữa vào năm 2013, cao hơn hẳn so với một số nước trong khu vực như Thái Lan (3,2 tấn/1 bò sữa); Indonesia (3,1 tấn/1 bò sữa); Trung Quốc (3,4 tấn/1 bò sữa)…

Đặc biệt, hiện đã có nhiều DN lớn trong nước đầu tư vào ngành sữa theo hướng công nghiệp, chuyên nghiệp như TH True milk, Vinamilk… Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng xây dựng kế hoạch thúc đẩy ngành sữa Việt Nam khi đặt mục tiêu đầu tư khoảng 100 nghìn con bò sữa trong giai đoạn 2014-2016. Thậm chí, hiện nay, Hoàng Anh Gia Lai đã có chiến lược phối hợp với 3 DN lớn ở TP. HCM để chuẩn bị đầu ra cho 100 nghìn con bò sữa kể trên. Ở khu vực miền Đông, một số DN cũng lên kế hoạch sẽ chuyển đổi diện tích trồng cao su kém hiệu quả sang nuôi bò sữa…

Theo ông Vũ Văn Tám: Điểm nổi bật trong sản xuất sữa mấy năm qua là các DN đã đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ trên nhiều phương diện. Điều này phá vỡ đi tư duy, chỉ những vùng cao nguyên có điều kiện khí hậu thuận lợi cho nuôi bò sữa như Đà Lạt (Lâm Đồng); Mộc Châu (Sơn La)… mới có thể phát triển ngành này hiệu quả. Có thể nói rằng, khoa học công nghệ hiện đại đã khiến trên khắp lãnh thổ Việt Nam không còn vùng hạn chế trong chăn nuôi bò sữa.

Nắm bắt dư địa thị trường

Ông Vũ Văn Tám nhận định: Hiện, lượng sữa tiêu thụ bình quân trên đầu người ở Việt Nam còn thấp, mới chỉ đạt 14,8kg/người/năm, trong khi khu vực châu Á là 35kg/người/năm, ở châu Âu nhiều quốc gia là 100kg/người/năm. Nhu cầu tiêu thụ sữa của người dân đã và đang có xu hướng ngày càng tăng lên. 

Trong khi đó, sản xuất sữa trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 28-30% nhu cầu, khoảng 70% lượng sữa còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Dễ dàng nhận thấy, nhu cầu thì ngày càng tăng mà dư địa thị trường còn rất lớn. Đây là cơ hội tốt để phát triển nếu các DN trong ngành biết nắm bắt và đầu tư đúng mức.

Cũng nhìn nhận dư địa thị trường sữa trong nước còn nhiều, cơ hội phát triển ngành chăn nuôi bò sữa cũng như sản xuất, thương mại sữa rất lớn, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng: Để từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa, giảm áp lực nhập khẩu sữa, bên cạnh tập trung phát triển những cơ sở chăn nuôi bò sữa lớn, chuyên nghiệp theo công nghệ hiện đại, ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam cần duy trì và phát huy hình thức chăn nuôi nông hộ. Trong đó, các hộ chăn nuôi bò sữa riêng lẻ nên được tập hợp, quản lý theo hợp tác xã. 

Ông Dương lý giải: Do đặc thù địa lý, Việt Nam không có nhiều diện tích đất đai lớn, khó hình thành những đồng cỏ bạt ngàn để chăn nuôi bò sữa nên việc kết hợp hai hình thức nuôi kể trên sẽ đem lại hiệu quả triệt để. Khi nào mỗi nông hộ cá thể đảm bảo nuôi ổn định khoảng 25-30 con bò sữa thì ngành sữa Việt Nam sẽ có nền tảng để phát triển bền vững, tiến tới dần giải quyết bài toán phụ thuộc vào sữa nhập khẩu.

Liên quan tới vấn đề này, ông Lã Văn Thảo, Trưởng phòng Gia súc lớn (Cục Chăn nuôi) cho rằng: Để thúc đẩy phát triển bền vững ngành chăn nuôi bò sữa, từ nay đến năm 2020, cần xây dựng xây dựng chính sách mới tương tự như Quyết định 167, nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa quy mô trang trại công nghiệp, công nghệ cao sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm chăn nuôi khép kín. 

Bên cạnh đó, phải thống nhất cơ chế điều tiết giá sữa, chất lượng sữa giữa 3 nhà là nhà chế biến, nhà sản xuất và đại diện hội người tiêu dùng để chăn nuôi và chế biến sữa phát triển bền vững.


Theo Uyển Như

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM